1. Trung tâm dữ liệu Pionen White Mountain - Stockholm, Thụy Điển
Bahnhof là một nhà cung cấp dịch vụ Internet của Thụy Điển ra đời năm 1994, và một trong số data center độc đáo nhất của họ đó là Pionen vì nó được đặt ở một hầm trú bom hạt nhân sâu 30m trong lòng núi đá granite White Mountain xây từ thời Chiến tranh lạnh.
Do nằm ở một chỗ chắc chắn như vậy nên trung tâm này hầu như không sợ bị ảnh hưởng từ các tác động bên ngoài. Pionen cũng là nơi đặt server của trang WikiLeaks sau khi web này bị đá khỏi hệ thống máy chủ của Amazon năm 2010.
Nhưng đó chưa phải là điểm độc đáo nhất của Pionen. Trung tâm với diện tích 1.100 m2 này còn có cả đài phun nước, nhà kính, khả năng mô phỏng lại ánh sáng ban ngày cùng một cái hồ nước mặn lớn để nuôi cá.
Ngoài UPS tiêu chuẩn để vận hành liên tục khi cúp điện, trung tâm còn có thêm 2 động cơ tàu ngầm chạy bằng dầu diesel do hãng Maybach sản xuất để tạo ra điện khi cần thiết.
2. Bahnhof Lajka Space Station - Thành phố Kista, Thụy Điển
Trung tâm dữ liệu đầu tiên của Bahnhof nằm bên ngoài thành phố Stockholm là đây. Nó nằm ở tổ hợp công nghệ thuộc thành phố Kista, và điểm ấn tượng đó là hình dáng của data center này mô phỏng lại một trạm không gian làm hoàn toàn bằng thép.
Lý do vì sao nhà mạng này chọn kiểu kiến trúc như thế vẫn chưa được tiết lộ, nhưng theo web của họ thì "Nếu chúng tôi không làm thì còn ai khác làm nữa?".
3. Trung tâm dữ liệu Green Mountain DC1 - Na Uy
Cơ sở DC1 được xây dựng trong một kho đạn cũ của NATO, nó nằm trên một hòn đảo nhỏ ở Na Uy. Cấp điện cho các server ở đây là một hệ thống thủy điện.
Do nằm sâu 75m so với mực nước biển xung quanh nên những nhà thiết kế ra DC1 để tận dụng ngay vùng nước này để làm mát cho các máy chủ và giữ cho chúng luôn ở nhiệt độ 8 độ C quanh năm.
Cơ sở này cũng được làm kín hết để không khí không loạt vào, còn lượng oxi bên trong thì được duy trì ở mức 15% để tránh khả năng hỏa hoạn.
Và cũng nhờ không có hỏa họa nên thiệt hại do các chất hóa học sinh ra trong lúc cháy cũng được giảm thiểu đến mức thấp nhất. Green Mountain DC1 còn nổi tiếng nhờ sự thân thiện với môi trường với việc hoàn toàn không phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường.
4. OVH RBX-4 - Roubaix, Pháp
OVH là một công ty hosting của Pháp và họ đã cho xây một trung tâm dữ liệu không dùng máy lạnh, thay vào đó hãng tạo ra một khối vuông với phần lõi rỗng ở giữa để tản nhiệt.
Các máy chủ thì được làm mát bằng chất lỏng. Đáng chú ý, RBX-4 được xây dựng chỉ trong 6 tháng và có sức chứa lên tới 35.000 server.
OVH còn hứa hẹn rằng nếu một server nào đó bị hỏng vào lúc 4 giờ sáng thì một kĩ sư của họ sẽ có mặt để khắc phục trong khoảng 15 phút, khi đó thì "khách hàng thậm chí còn chưa kịp kiểm tra thông báo lỗi".
5. Chuồng máy chủ của Yahoo - thành phố Lockport, New York, Mỹ
Trung tâm dữ liệu này được Yahoo thiết kế phỏng theo hình dạng của những chuồng gà công nghiệp nhằm giản chi phí làm mát máy chủ. 99% thời gian hoạt động của data center sẽ được làm mát bằng các biện pháp tự nhiên.
Ngoài ra nó cũng có một hệ thống làm mát theo kiểu bay hơi để phòng trường hợp cần giảm nhiệt độ nhiều hơn so với bình thường. Cơ sở này sử dụng nguồn năng lượng chính là từ một nhà máy thủy điện nằm gần thác Niagara.
6. Trung tâm siêu máy tính Barcelona - Barcelona, Tây Ban Nha
Trung tâm này chứa MareNostrum, một siêu máy tính chuyên dùng cho mục đích nghiên cứu về gen di truyền (bên cạnh một số thứ khác). MareNostrum có khả năng xử lý 63,8 TFLOPS, sử dụng CPU PowerPC và trong năm 2012 nó xếp hạng thứ 465 trong số các siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Ngoài ra còn một supercomputer khác cũng được đặt ở đây với sức xử lý 103,2 TFLOPS và chạy chip Intel Xeon mới hơn.
Điểm đáng chú ý của trung tâm này nằm ở chỗ nó được đặt trong một nhà nguyện cũ tên là Torre Girona thuộc Đại học Catalonia. Bao bên ngoài MareNostrum là những bức tường lớn làm bằng kính trong suốt.
Liên minh điều hành trung tâm bao gồm Bộ Khoa học và Công nghệ Tây Ban Nha (51% cổ phần), Chính quyền Catalonia (37%) và Đại học Bách khoa Catalonia (12%).
7. CyberBunker - Hà Lan
CyberBunker cũng được xây dựng trong một hầm trú hạt nhân của NATO nay đã giải thể. Hầm này từ trước đã được thiết kế để có thể hoạt động liên tục trong vòng 10 năm mà không tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Trong một lần tranh cãi giữa chính quyền thành phố Goes với CyberBunker về vấn đề hoạt động của trung tâm, các quan chức đã từng nỗ lực dùng xe chuyên dụng với công cụ thủy lực nhằm phá cửa và đột nhập vào bên trong.
Tuy nhiên, nỗ lực đó chỉ phá hỏng được cửa mà thôi và làm kẹt luôn cánh cửa này. Theo CyberBunker, chi phí mà thành phố bỏ ra để sửa cửa vào khoảng 35.840 USD theo tỉ lệ lạm phát ngày nay.
Cũng có lần một nhóm SWAT từng cố gắng xâm nhập vào hầm nhưng không thành công. Sau nhiều lần kiện tụng, thành phố Goes quyết định từ bỏ vụ án và CyberBunker vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
8. PCextreme - Middelburg, Hà Lan
Kiến trúc bên ngoài của data center này thì khá bình thường, còn điểm đáng chú ý nằm ở chính các server ở đây. Ngoài những máy chủ truyền thống, PCextreme còn cho thuê chỗ đặt hệ thống dựa trên Raspberry Pi với chỉ giá 3 Euro mỗi tháng.
Mức độ tiêu thụ điện của hệ thống này chỉ khoảng 3-5W, còn các máy chủ tầm trung truyền thống thì có thể chiếm đến 75-150W. Được biết PCextreme cũng đã tự thiết ra một số bo mạch để gắn nhiều chiếc Pi lên và tạo thành một rack server.
Hãng cũng đang làm việc để cải thiện thiết kế này nhằm tiết kiệm không gian hơn. Tất nhiên, server chạy bằng Raspberry Pi sẽ không mạnh như server thường nhưng đôi khi nhu cầu chỉ cần nhiêu đó là đủ.
9. HavenCo - Thân vương quốc Sealand
Thân vương quốc Sealand là một vi quốc gia không được Liên Hiệp Quốc công nhận, nằm ở phía đông Anh Quốc, cách đảo Anh 10 hải lý.
Nó thực chất là một pháo đài được xây dựng năm 1942 để phục vụ cho chiến tranh thế giới thứ 2. Sau đó, công ty HavenCo đã đến đây đặt một trung tâm dữ liệu, đúng nghĩa là một data center bị cô lập ở ngoài khơi.
Tuy nhiên, đến năm 2008 thì chương trình thử nghiệm này kết thúc. Năm 2013, HavenCo mở lại nó nhưng chỉ để lưu trữ những dữ liệu ít dùng mà thôi.
10. Cloud&Heat - Đức
Cloud&Heat sử dụng các thùng máy chủ được thiết kế đặc biệt và đặt nó trong các tòa nhà văn phòng hoặc thậm chí là nhà dân, thay vì để trong các data center riêng biệt.
Nhiệt lượng tỏa ra từ server bên trong thùng sẽ được xài để đun nước hoặc làm ấm không khí. Hệ thống đám mây của Cloud&Heat cũng đủ thông minh để di chuyển việc tính toán và xử lý đến nơi thuận lợi nhất về mặt khí hậu.
Ví dụ, nếu nhiệt độ ở thành phố Bonn mát hơn thành phố Stuttgart thì những tác vụ nặng sẽ được chuyển cho server ở Bonn làm, bằng cách này sẽ đảm bảo vẫn tạo ra được nhiệt cho người dân dùng. Cloud&Heat hiện đang được thử nghiệm hạn chế ở Đức.