Gia tăng đầu tư,hướng tới nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế

GD&TĐ - Đầu tư có trọng điểm, hướng tới nâng cao chất lượng để hội nhập, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM (HUB) đang quyết liệt theo đuổi định hướng này.

Năm 2023 các chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên của HUB là rất lớn.
Năm 2023 các chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên của HUB là rất lớn.

Được xem là một trong số ít trường đào tạo khối ngành Tài chính, Ngân hàng có uy tín hàng đầu phía Nam, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM (HUB) đã và đang tiếp tục định hướng chiến lược phát triển Nhà trường theo hướng hội nhập quốc tế, gia tăng chất lượng và cạnh tranh nhân lực trong khu vực.

Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM về những chiến lược của Nhà trường trong giai đoạn tới.

Muốn có chất lượng cần phải gia tăng chính sách đầu tư

PV: Sau hơn hai năm thích ứng rất tốt với dịch Covid-19 trong dạy học nhờ sự linh hoạt và chủ động trong chuyển đổi số, ông có thể cho biết giai đoạn 2020-2023 những bước tiến đáng ghi nhận của Trường?

PGS.TS Nguyễn Đức Trung:

Giai đoạn 2020 – 2023 là giai đoạn rất đặc biệt tại HUB, khi Nhà trường đẩy mạnh đầu tư mạnh mẽ vào chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nguồn học liệu và các điều kiện khác để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng dịch vụ đối với sinh viên.

Cụ thể, Nhà trường đã tập trung đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao (Phó giáo sư, Tiến sĩ) của Nhà trường đã tăng lên đáng kể trong thời gian vừa qua thông qua công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có đào tạo dài hạn ở nước ngoài. Thời điểm hiện tại, đội ngũ giảng viên có trình độ Phó Giáo sư, Tiến sĩ của Trường đạt số lượng 164 người; tăng hơn 50% so với thời điểm năm 2020.

Giai đoạn 2020-2023, HUB cũng đã liên tục cập nhật, hiện đại hóa các chương trình đào tạo để phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. Hiện tại, HUB có 8 chương trình đào tạo định hướng chuyển đổi số như: Fintech, Digital Marketing, Digital Accounting, Quản trị thương mại điện tử, Hệ thống thông tin kinh doanh và chuyển đổi số, Khoa học dữ liệu trong kinh doanh, Kinh tế và kinh doanh số.

Khu giảng đường B mới được HUB đưa vào sử dụng với trang thiết bị hiện đại.

Khu giảng đường B mới được HUB đưa vào sử dụng với trang thiết bị hiện đại.

Các chương trình đào tạo khối kinh doanh, quản lý được tích hợp một cách hợp lý các môn học về CNTT và trí tuệ nhân tạo giúp sinh viên thích ứng với môi trường kinh doanh chuyển đổi số và mở ra cơ hội nghề nghiệp đa dạng hơn. Ngành Luật Kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Hệ thống thông tin quản lý, Kinh tế quốc tế cũng thay đổi hơn 30% nội dung chương trình đào tạo, đồng thời phát triển thêm chuyên ngành song ngữ Anh – Trung thuộc ngành Ngôn ngữ Anh.

Riêng trong năm 2022, HUB đã có thêm 4 chương trình đào tạo của Trường đã được công nhận đạt kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN – QA. Nhà trường dự kiến 100% các chương trình đào tạo sẽ hoàn thành kiểm định trong nước và quốc tế trước thềm năm học mới 2023 – 2024.

PV: Để hoạt động chuyển đổi số, số hóa bài giảng thì Nhà trường cần có một nền tảng hệ tầng công nghệ đủ tốt và mạnh. Ông có thể cho biết nguồn lực đó hiện nay của Trường cũng như kho học liệu số?

PGS.TS Nguyễn Đức Trung:

Thực tế, hệ thống học liệu của Trường được gia tăng đầu tư về số lượng và chất lượng rất mạnh trong 3 năm qua. Số lượng bản sách mới đầu tư cho thư viện đã tăng 60% so với thời điểm năm 2020. Đặc biệt là nguồn giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ cho các học phần trong 6 chương trình đào tạo đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN – QA như: Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế và Thạc sĩ Tài chính ngân hàng.

Nhà trường cũng đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng, đổi mới cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, rèn luyện, sinh hoạt của sinh viên. Các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Xây dựng Lab Machine Learning, Phòng thực hành xử án, phòng thực hành mô phỏng ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán thực nghiệm...

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM.

Xây dựng chính sách tài chính hài hòa với trọng tâm là lợi ích của người học

PV: Để có nguồn lực đủ tốt, đủ mạnh để phục vụ cho hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo thì sự đầu tư đòi hỏi đi theo là rất lớn. Ông có thể cho biết các nguồn lực ấy đến từ đâu?

PGS.TS Nguyễn Đức Trung:

Rõ ràng, việc muốn có chất lượng đào tạo tốt, nhân lực đạt chuẩn khu vực và có thể cạnh tranh khi hội nhập thì chi phí đầu tư phải tương xứng. Thực tế, mức đầu tư cho một sinh viên/năm của chúng ta là rất thấp vì nhiều lý do. Nhưng không phải vì thế chúng ta không cố gắng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư trên.

Hiện ngoài nguồn lực từ hoạt động chuyển giao thành tựu NCKH, nguồn lực hỗ trợ từ Doanh nghiệp thông qua chính sách đào tạo theo đơn đặt hàng, các nguồn học bổng từ các quỹ thì học phí vẫn là nguồn lực chính để thúc đẩy mọi hoạt động của Nhà trường.

Để đáp ứng các điều kiện gia tăng, trước thềm năm học mới 2023 – 2024, HUB dự kiến áp dụng mức học phí mới, cụ thể: Học phí chương trình ĐH chính quy chuẩn các khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở về trước dự kiến là 14.100.000 đồng/năm đối với các ngành Tài chính Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, HTTTQL, Luật Kinh tế. Với nhóm ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế Quốc tế…dự kiến mức học phí là 15.000.000 đồng/năm.

Đây là mức học phí được áp dụng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP đối với một cơ sở đào tạo chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Như vậy, sinh viên các khóa cũ vẫn đang được tính mức học phí như các trường chưa tự chủ tài chính. Với mức học phí mới này, tính bình quân 4 năm học trong giai đoạn 2020 – 2023, mức tăng học phí của Trường ở mức bình quân dưới 10%/năm học.

Phòng máy tính thực hành hiện đại của HUB

Phòng máy tính thực hành hiện đại của HUB

Với học phí năm học 2023 - 2024 Chương trình ĐH chính quy chuẩn khóa tuyển sinh năm 2023 dự kiến là 18.360.000 đồng/năm học; tăng 30% so với mức học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP đối với một cơ sở đào tạo chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.

Theo Nghị định Nghị định 81/2021/NĐ-CP, đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức trần học phí tối đa Trường có thể áp dụng theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP sẽ trong khoảng 28.000.000 – 30.000.000 đồng. Nhà trường lựa chọn mức học phí chỉ cao hơn 30% so với mức học phí áp dụng đối với một cơ sở đào tạo chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, thấp hơn nhiều so với với mức tăng đầu tư vào chất lượng mà Nhà trường đã thực hiện trong những năm qua, và đặc biệt thấp hơn rất nhiều so với mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.

Học phí năm học 2023 – 2024 Chương trình ĐH chính quy chất lượng cao áp dụng cho các khóa đang học và khóa tuyển sinh năm 2023 dự kiến là 36.850.000 đồng /năm học, tăng khoảng 10% so với năm học 2022 – 2023.Tính bình quân 4 năm học trong giai đoạn 2020 – 2023, mức tăng học phí của chương trình ĐHCQ chất lượng cao ở mức bình quân dưới 2.5%/năm học.

Đối với Chương trình ĐH chính quy Quốc tế song bằng và ĐH chính quy quốc tế do đối tác cấp bằng tổng học phí tối đa: 212,5 triệu đồng/toàn khóa (Đã bao gồm học phí Tiếng Anh, chương trình ngoại khóa, kỹ năng mềm…). Sinh viên học 8 học kỳ, học phí trung bình 26.500.000 đ/ học kỳ, học phí được tính theo số tín chỉ sinh viên trên mỗi học kỳ và ổn định trong toàn khóa. Nhà trường cũng đã duy trì mức học phí này ổn định, không thay đổi trong nhiều năm qua.

Phòng Lab Machine Learning & Blockchain được HUB đầu tư lớn.

Phòng Lab Machine Learning & Blockchain được HUB đầu tư lớn.

PV: Mức học phí dự kiến năm 2023-2024 chỉ tăng nhẹ, Tuy nhiên với một số đối tượng khó khăn chính sách hỗ trợ vẫn là rất cần thiết. Ông có thể cho biết chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn của HUB?

PGS.TS Nguyễn Đức Trung:

Hiện ngoài các nguồn lực hỗ trợ cho nhà trường như tôi đã nói ở trên,HUB cũng có nguồn học bổng rất dồi dào như: học bổng khuyến khích học tập; học bổng ngành ngân hàng; học bổng riêng của chương trình ĐHCQ chất lượng cao, chương trình quốc tế; học bổng tài trợ của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, tổ chức (Quỹ học bổng HUB); học bổng tài trợ trực tiếp của các đơn vị, Học bổng của Hội cựu sinh viên (HUB Alumni) …

Trong năm học 2022– 2023, Tổng giá trị quỹ học bổng của Nhà trường lên đến hơn 12 tỷ đồng, được trao cho hơn 1.200 lượt sinh viên. Nhà trường cũng đã hợp tác và tạo điều kiện cho sinh viên có thể tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi học tập từ các Ngân hàng đối tác.

Tại HUB, chúng tôi luôn duy trì chất lượng giáo dục đào tạo cao với mức học phí rất ưu đãi nhờ những nỗ lực, tối ưu hóa trong quản trị, điều hành. Ngoài ra, Trường cũng có quỹ học bổng dồi dào và các chương trình hỗ trợ tài chính đa dạng. Nhà trường luôn mong muốn và hành động nhắm kiến tạo môi trường giáo dục trong đó, các bạn sinh viên có thể thỏa sức học tập, sáng tạo mà không phải băn khoăn nhiều về vấn đề tài chính. Mức học phí luôn được duy trì ổn định và không có sự tăng đột biến, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến người học.

Ký túc xá 9 tầng, khang trang hiện đại của ĐH Ngân hàng TPHCM.

Ký túc xá 9 tầng, khang trang hiện đại của ĐH Ngân hàng TPHCM.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ