10 năm đồng hành cùng con tự kỷ

Đây là tâm sự của một người mẹ có con tự kỷ, khi biết con bị tự kỷ, chị bị sốc, lo âu... sau đó đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tìm ra cách giúp đỡ con mình.

10 năm đồng hành cùng con tự kỷ

Tôi là một bà mẹ có con tự kỷ , tôi năm nay 52 tuổi và con tôi Dương Lý 15 tuổi. Lý là học sinh của trường chuyên biệt 10 năm nay cũng là 10 năm tôi đồng hành cùng con ở khắp mọi nơi.

Từ lúc Lý hơn 1 tuổi, tôi đã cảm thấy Lý có sự khác biệt so với anh mình như: quá lăng xăng không nghe lời, chỉ chạy chứ không đi, không phân biệt được người thân với người lạ… và nhất là chậm nói. Do đó, lúc Lý được 1 tuổi rưỡi tôi đã cho đi với nhà trẻ với hy vọng Lý nghe lời cô giáo mà ngoan hơn.

Tôi bị suy sụp tinh thần

10 năm đồng hành cùng con tự kỷ

Sau 2 năm học ở nhà trẻ, Lý có phát triển về tư duy nhận thức nhưng hành vi thì càng lăng xăng hơn. Năm 2003, Lý bị trường mẫu giáo trả về nhà vì không nghe lời cô, làm theo ý mình, không biết nói, hay chạy ra sân chơi một mình, cô không quản lý được và đề nghị đi khám tâm thần. 

Sau một thời gian ngắn Lý uống thuốc thấy không cải thiện, năm 2004 tôi dắt Lý đi khám tâm lý thì được chuyên gia tâm lý cho biết là con tôi bị bệnh tự kỷ. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe từ này.

Sau đó, tôi bắt đầu tìm đọc những sách nói về bệnh tự kỷ và càng đọc thì càng đau khổ, tinh thần suy sụp, cảm giác như sét đánh ngang tai khi nghĩ về tương lai u tối của con mình. Tôi cũng tham gia các khóa học về cách dạy trẻ tự kỷ. 

Nhưng với tâm trạng bất an, buồn bã, tôi không thể nào bình tĩnh để áp dụng tốt những phương pháp đã học cho con mình khi luôn gặp phải sự chống đối, bất hợp tác của con, vì đó là những phương pháp áp đặt lên trẻ.

10 năm đồng hành cùng con tự kỷ

Tìm cách giúp con

Sau một thời gian tìm hiểu các trường dạy trẻ đặc biệt, đầu năm 2005, tôi được giới thiệu đến Trường chuyên biệt Gia định. Lần đầu tiên dắt Lý đến trường này, nhìn cách các cô tiếp xúc với trẻ và khuôn mặt vui tươi hạnh phúc của các em học sinh, tôi cảm thấy mình may mắn và an lòng phần nào vì cảm nhận đây là trường có kinh nghiệm về giáo dục trẻ tự kỷ bằng tình yêu thương.Và tôi càng may mắn hơn nữa khi hè 2005, tôi được tham gia các khóa học 

Chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ của giáo sư Nguyễn Văn Thành và được đọc những sách của ông viết về hội chứng tự kỷ trên tinh thần nhân văn. 

Những điều này mang đến cho tôi sự bình an trong tâm hồn để nhìn nhận đúng căn bệnh của con mình trên tinh thần lạc quan và quan trọng là cảm thông cho những hành vi khác thường của con.

Sau này, nối tiếp chương trình của GS Nguyễn Văn Thành (đã mất), Trường chuyên biệt Gia Định thường tổ chức các buổi bồi dưỡng và các buổi hội thảo về phương pháp giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ của trường cho phụ huynh, đồng thời tạo điều kiện cho phụ huynh, gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ, động viên tinh thần nhau.

Từ đó, tôi hiểu rằng muốn con hợp tác với thì hiểu con, hiểu cả ý nghĩa của những hành vi khác thường để đồng cảm cùng con. Cũng từ đó, tôi thay đổi cách dạy con. 

Thay vì bắt con làm theo ý mình và cố gắng nhồi nhét chữ nghĩa cho con, thậm chí đánh con khi trẻ không hợp tác hay quậy phá thì tôi đưa con đi chơi vận động, đi bơi, nhảy sàn nhún… để giải tỏa năng lượng, đồng thời thông qua đó dạy kỹ năng giao tiếp và quy luật xã hội cho con và quan trọng là chơi cùng con để chuyển hóa nhưng hành vi vô nghĩa, khác thường của trẻ thành hành vi có nghĩa.

Hạnh phúc với sự tiến bộ của con

Sau 3 năm đồng hành cùng con ở khắp mọi nơi: từ nhà đến trường, đến các khu vui chơi vận động, hồ bơi, công viên… thì một hôm, sau khi đi chơi về Lý bỗng nhiên nói: “Cho con tăm bông”. 

Đây chính là ngôn ngữ giao tiếp đầu tiên của Lý. Tôi như bay bổng lên chín tầng mây. Từ đó, tôi dạy Lý biết dạ khi được gọi, biết nói từ “cho con” khi muốn xin điều gì đó, biết cám ơn khi được cho và khi tôi nói không phải của con thì Lý không đụng đến vật đó dù rất thích…

Và bây giờ sau 10 năm đồng hành cùng con, Lý của tôi đã thay đổi tiến bộ rất nhiều. Từ một chú bé phá phách như: leo lên nhảy tủ cao rồi nhảy xuống, hay chạy ra khỏi nhà, xông vô nhà hàng xóm để mở tivi, khi không được đáp ứng yêu cầu thì chống đối, thậm chí tấn công người đối diện… thì Lý đã làm chủ được hành vi mình và trở thành cộng tác viên đắc lực của mẹ trong công việc gia đình như: khiêng đồ nặng, lặt rau, cắt rau củ, rửa chén, phơi quần áo, tưới cây… 

Lý rất vui thích làm việc với mẹ. Những lúc ở một mình thì Lý chơi vi tính, xếp hình. Đặc biệt, Lý xếp hình rất giỏi. Điều đặc biệt là, khi muốn làm điều gì Lý đều xin phép mẹ và nếu không được cho phép thì vui vẻ chấp nhận, không làm việc đó. Và Lý rất nghe lời mẹ nên tôi rất an tâm khi dắt nó đi chơi.

Bây giờ tôi rất hạnh phúc với những tiến bộ của con. Dù biết rằng tự kỷ là suốt đời, nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta cố gắng làm hết sức mình thì rồi những điều tốt đẹp sẽ đến với con chúng ta.

Ngoài ra, quá trình giáo dục con cũng đã rèn luyện cho tôi tính nhẫn nại, mạnh dạn, tự tin trước đám đông, biết khiêu vũ để nhảy múa với con khi con trẻ chạy lăng xăng, biết bơi lội để chơi với con dưới nước và quan trọng là đã hình thành nên một nhóm bạn đồng cảnh rất thương yêu nhau, luôn động viên và giúp đỡ nhau trong việc giáo dục con lẫn trong cuộc sống với tinh thần lạc quan, yêu đời.

Một hôm, sau khi đi chơi về Lý bỗng nhiên nói: “Cho con tăm bông”. Đây chính là ngôn ngữ giao tiếp đầu tiên của Lý. Tôi như bay bổng lên chín tầng mây.

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ