Zimbabwe: Giáo viên từ chối quay lại trường

GD&TĐ - Hàng loạt giáo viên tại Zimbabwe đang từ chối trở lại làm việc. Những người này cho rằng, chính phủ không chuẩn bị đủ biện pháp cho việc mở cửa trường học trở lại.

Các trường học thiếu nước trầm trọng.
Các trường học thiếu nước trầm trọng.

Các trường học tại Zimbabwe đã hoạt động trở lại vào tuần trước, cho phép học sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi vào đầu tháng 12 đi học.

Đây là lần đầu tiên các học sinh nước này được tới trường, sau 6 tháng kể từ khi tổ chức giáo dục tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều giáo viên nhận định, chính phủ chưa sẵn sàng để đối phó với sự lây lan của Covid-19 trong trường học.

Theo Liên minh Giáo viên Tiến bộ Zimbabwe (PTUZ), chỉ có một số lượng hạn chế nước rửa tay được cung cấp cho các trường học. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước trầm trọng khiến người học không thể vệ sinh tay thường xuyên.

“Chính phủ không nghiêm túc. Không có hệ thống vệ sinh, không có đủ nhà vệ sinh và xà phòng. Mỗi trường học ở các khu vực thành thị được phát 20 lít khử trùng tay và dự kiến ​​cung cấp cho 800 học sinh. Tuy nhiên, chúng chỉ đơn giản là không đủ. Trẻ sẽ giữ vệ sinh thế nào khi đến trường hằng ngày?”, Chủ tịch PTUZ Raymond Majongwe nói.

Theo liên minh, có tới 98% giáo viên nước này không báo cáo công việc vào tuần trước. Tình trạng này khiến một số học sinh lo sợ sẽ gặp nhiều khó khăn để vượt qua kỳ thi.

Với các học sinh không thể học trực tuyến trong thời gian ở nhà, việc đến trường trong những tháng còn lại trước kỳ thi là cơ hội duy nhất để theo kịp kiến thức. Tuy nhiên, các giáo viên tại Zimbabwe đã bày tỏ lo ngại với chính phủ về tiền lương. Những người này cho biết, việc trở lại lớp học sẽ gây nguy hiểm cho gia đình và kêu gọi được tăng lương lên 520 USD/tháng.

Là nhân viên tuyến đầu, phần lớn giáo viên đều mong muốn được kiểm tra sức khỏe thường xuyên, trang bị đồ bảo hộ cá nhân và nhận các khoản hỗ trợ rủi ro trước khi tiếp tục công việc.

“Giáo viên bây giờ nên được coi là nhân viên tuyến đầu. Vì vậy, chúng tôi cần phụ cấp, đồ bảo hộ và những thứ khác kèm theo. Chúng tôi có nguy cơ đưa Covid-19 về nhà. Do đó, chính phủ nên nghiêm túc với điều này”, ông Majongwe chia sẻ.

Trước bối cảnh này, các quan chức Bộ Giáo dục Zimbabwe thừa nhận, nhiều trường học đang gặp khó khăn trong việc cung cấp nước sạch để rửa tay. Obert Masaraure - Chủ tịch Liên minh Giáo viên Nông thôn Hợp nhất Zimbabwe (ARTUZ), nhận định các trường học không đủ trang thiết bị để mở cửa trở lại.

“Các trường học ở nông thôn có cơ sở hạ tầng tồi tệ. Đại dịch đã phơi bày những bất cập nghiêm trọng trong ngành giáo dục của chúng ta. Các trường này không có khả năng mua tài liệu học tập cơ bản và không thể đưa ra các biện pháp an toàn được khuyến nghị”, ông Masaraure nhấn mạnh.

Theo một báo cáo của ARTUZ về hệ thống giáo dục, việc giãn cách gần như không thể thực thi ở các lớp học quá đông. Zimbabwe có 136.000 giáo viên với 4,6 triệu người học. Chính phủ nước này hiện nỗ lực để giảm bớt tình trạng quá tải tại trường học. Báo cáo cũng ghi nhận sự thiếu hụt nhiệt kế trầm trọng - công cụ cần thiết để kiểm tra sức khỏe học sinh trước khi nhập học.

Giáo viên Zimbabwe đang kêu gọi chính phủ hoãn các kỳ thi trong năm 2020 để học sinh có thêm thời gian. Trước tình trạng này, Bộ trưởng Giáo dục Zimbabwe - Cain Mathemasaid nhấn mạnh, tất cả giáo viên và người học sẽ được bảo vệ sức khỏe.

Nhiều học sinh tại thủ đô Harare bày tỏ, họ sợ sẽ trượt bài kiểm tra cuối kỳ nếu không có giáo viên dạy kèm. Trong khi đó, những người học này chỉ có 2 tháng để hoàn thành đề cương. Thậm chí, nhiều trẻ em Zimbabwe phải vừa học vừa làm việc, bán hàng rong hoặc làm ruộng.

Một học sinh A-level từ Trường Trung học George Stark ở Harare cho biết, em không có quyền truy cập vào các cơ sở học trực tuyến do chi phí dữ liệu tăng. “Giá dữ liệu tăng hằng tháng, nên việc học trực tuyến rất khó khăn. Em chỉ thu được kiến thức từ các cuộc thảo luận nhóm với bạn bè. Tuy nhiên, điều đó không đủ để em vượt qua các kỳ thi”, người học này nói.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.