Yếu tố then chốt trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

GD&TĐ -Những năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ), chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

ThS Nguyễn Thị Thu Hiền.
ThS Nguyễn Thị Thu Hiền.

Chú trọng công tác truyền thông

ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hòa Bình viện dẫn, các dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS được cung cấp đa dạng, phong phú qua các kênh miễn phí, tiếp thị xã hội và xã hội hoá, chất lượng ngày càng nâng cao, đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Công tác truyền thông vận động, đặc biệt là vận động chính sách được triển khai có hiệu quả, với sự tham gia vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ThS Nguyễn Thị Thu Hiền nhìn nhận, hiện công tác dân số và phát triển của tỉnh còn nhiều khó khăn và thách thức: Chất lượng dân số mặc dù đã được cải thiện song vẫn còn thấp.

“Tỷ lệ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh cao, tiềm ẩn trong cộng đồng; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn thấp. Hiện, một số địa phương có tình trạng gia tăng sinh con thứ 3+…” - ThS Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay.

Cán bộ y tế huyện Kim Bôi tư vấn, tuyên truyền cho người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Cán bộ y tế huyện Kim Bôi tư vấn, tuyên truyền cho người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Xác định tầm quan trọng của công tác truyền thông, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn tích cực triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông. Hàng năm, UBND tỉnh giao Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển có văn bản hướng dẫn các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch và triển khai truyền thông về công tác dân số và phát triển, với nhiều nội dung, hoạt động hình thức phong phú.

Các hoạt động được tổ chức theo từng nhóm đối tượng cụ thể, phù hợp với đặc thù của địa phương, chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị như: tổ chức nói chuyện chuyên đề tại xã, tại bệnh viện, trung tâm y tế… Tổ chức các Hội diễn giao lưu văn nghệ lồng ghép các thông điệp truyền thông công tác dân số và phát triển tại cộng đồng.

Ngoài ra, ngành Y tế cũng tổ chức truyền thông vận động đến lãnh đạo các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và người có uy tín trong cộng đồng về công tác dân số và phát triển thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề của các sở, ban, ngành, đoàn thể như: Ban Dân tộc, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn TNCS HCM tỉnh…; tổ chức hội nghị cho bí thư, khối trưởng, chi hội trưởng của các tổ chức đoàn thể; lồng ghép trong nội dung đào tạo của các lớp Lý luận Chính trị - Hành chính, lớp tập huấn cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế các cấp từ tuyến tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông, tư vấn…

Cần sự tham gia vào cuộc của chính quyền địa phương

Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, việc lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên vào các hoạt động văn hóa – xã hội tại địa phương là một hoạt động rất quan trọng, mang lại hiệu quả cao.

Qua quá trình triển khai các hoạt động tại địa phương, ThS Nguyễn Thị Thu Hiền nhận thấy, nếu chỉ thông qua các hoạt động hội nghị với các bạn trẻ chưa thực sự mang tính sinh động, hấp dẫn. Mặt khác, một số thanh niên thường đi làm tại các khu công nghiệp hoặc lao động phi chính thức nên khó bố trí thời gian để tham gia các hội nghị này.

“Khi chúng tôi tổ chức vào các hoạt động văn hoá – xã hội tại địa phương, trước hết bản thân các bạn trẻ đã có sự chuẩn bị, tìm hiểu thông tin về công tác dân số, chăm sóc SKSS thông qua các vở kịch, hoạt cảnh, tiết mục văn nghệ. Đồng thời, tại các hoạt động trên, ban tổ chức lồng ghép các thông điệp truyền thông nên lôi cuốn được không chỉ các bạn trẻ vị thành niên, thanh niên tham gia mà cả bà con, nhân dân tại địa phương đó” - ThS Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.

Tỉnh Hòa Bình là một tỉnh miền núi, với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi vùng miền, địa phương bà con có ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, bản sắc dân tộc khác nhau.

Trước những đặc điểm trên, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hòa Bình luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thông qua Trung tâm Y tế, Trạm Y tế và hệ thống cộng tác viên dân số, từ đó nắm bắt các đặc điểm về văn hoá, phong tục, tập quán của bà con để có hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng.

“Thậm chí, ngay tại các cuộc hội nghị chúng tôi truyền đạt bằng tiếng địa phương để bà con hiểu rõ hơn về các hoạt động công tác dân số và phát triển, giải đáp những vướng mắc của bà con, để bà con nâng cao nhận thức và thực hiện” - ThS Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hòa Bình, yếu tố then chốt cần chú trọng là sự tham gia vào cuộc của chính quyền địa phương, bởi các hoạt động công tác dân số và phát triển có thành công được hay không, không chỉ do ngành Y tế tích cực thực hiện, mà cần sự quan tâm, chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp, mà cụ thể ở đây là các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương.

ThS Nguyễn Thị Thu Hiền cho hay, ngành Y tế luôn tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và địa phương xây dựng phóng sự, tọa đàm, đưa tin, bài… về các hoạt động công tác dân số và phát triển tại tỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như lan tỏa, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ