Bởi vậy, lựa chọn và phân công nhân sự, tập huấn luôn là một trong những công việc chuẩn bị trọng tâm trước kỳ thi. Quy chế thi tốt nghiệp THPT dành hẳn một điều quy định tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia.
Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021 - 2022 được Bộ GD&ĐT ban hành ngay từ đầu năm học cũng nhấn mạnh nhiệm vụ làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; tăng cường quán triệt Quy chế thi tốt nghiệp THPT; nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Đến thời điểm này, hầu hết địa phương đã dự kiến hoặc chính thức có phương án nhân sự cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong 3 ngày thi, cùng với lực lượng được phân công chính thức và dự phòng, toàn bộ cán bộ, giáo viên trường THPT đáp ứng yêu cầu (một số địa phương huy động cả lực lượng THCS) đều trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cần thiết. Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường không tổ chức cho cán bộ, giáo viên đi nghỉ tập thể trong thời gian tổ chức kỳ thi. Có lẽ không ít địa phương đều chung quy định tương tự. Cùng với ngành Giáo dục, các bộ ngành phối hợp như Y tế, Công an… cũng cử nhân sự để sẵn sàng cho các vị trí từ Ban Chỉ đạo đến các điểm thi.
Việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia vào công tác thi đều phải dựa trên tiêu chí chung của Bộ GD&ĐT; bảo đảm yêu cầu đạo đức, tinh thần trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ; đặc biệt phải được tập huấn kỹ lưỡng để nắm chắc Quy chế, vững nghiệp vụ làm thi.
Trong các nhiệm vụ của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có 4 đầu việc liên quan đến công tác tập huấn: Tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho các sở GD&ĐT (Bộ GD&ĐT chủ trì); tập huấn Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ làm công tác thi (sở GD&ĐT chủ trì với sự tham gia của các trường phổ thông thuộc sở); tập huấn phần mềm chấm thi trắc nghiệm; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ coi thi.
Sau nhiều năm tham gia công tác thi, thầy cô đều quen tay, thạo việc. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không có cán bộ vi phạm quy chế thi. Nhưng chúng ta không vì thế mà chủ quan. Cần bảo đảm những người chưa học Quy chế thi, không nắm vững nghiệp vụ làm thi sẽ không được giao nhiệm vụ.
Như cách làm “sát hạch đầu vào để lựa chọn cán bộ làm thi” tại Thái Nguyên năm 2021. Cán bộ, giáo viên, nhân viên phải vượt qua bài kiểm tra sau tập huấn mới được lựa chọn để tham dự vào các khâu trong quy trình tổ chức thi. Việc tuyên dương khen thưởng kịp thời những người làm tốt, trách nhiệm; đánh giá thi đua với cá nhân thiếu trách nhiệm, có vi phạm cũng là cần thiết để mỗi người có động lực làm việc tốt hơn.
Những năm gần đây, cùng với xu hướng phát triển của công nghệ, công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng sâu vào các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để tăng tính bảo mật, khách quan, an toàn. Các khu vực trọng yếu như in sao đề, phòng bảo quản đề thi, bài thi; phòng chấm thi… đều có camera giám sát 24/24.
Tuy nhiên, dù công nghệ có hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được con người và nếu con người có ý định vi phạm vẫn sẽ vượt qua được rào cản công nghệ. Điều này đã có nhiều bài học từ thực tế. Do đó, chỉ khi mỗi cá nhân nghiêm túc làm tốt trách nhiệm của mình thì kỳ thi quan trọng cuối cùng ở phổ thông mới có thể thực hiện được mục tiêu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.