Yêu thương từ điều giản dị: Những cái ôm đặc biệt

GD&TĐ - Những cái cụng tay với nụ cười tươi đón trẻ vào lớp, hay cái ôm thật chặt tạm biệt trò là cách làm nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của phụ huynh, học sinh. Chỉ với hành động nhỏ, thầy cô đã trao trọn tình cảm của mình cho trẻ, mong các con đến trường sẽ là một ngày vui, một ngày hạnh phúc.  

Cô giáo Trường Tiểu học Thực hành ĐH Sài Gòn đón trẻ vào lớp.
Cô giáo Trường Tiểu học Thực hành ĐH Sài Gòn đón trẻ vào lớp.

Những nụ cười chào ngày mới

Hơn 7 giờ sáng, 140 học sinh của Trường Tiểu học Thực hành ĐH Sài Gòn (quận 3) xếp hàng trước cửa lớp để sẵn sàng cho buổi học của mình. Các con muốn cô giáo chào bằng cách nào sẽ lần lượt chọn biểu tượng được dán ở phía tay phải trước cửa lớp như ôm, bắt tay, đập tay, cụng tay, nhảy.

Theo cô Hồng Ngọc (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/4 ), các giáo viên của trường học hỏi từ nước ngoài và vận dụng phù hợp với học sinh Việt Nam. Theo đó, giáo viên khối 1 sẽ tự thiết kế bảng biểu tượng theo cách của riêng mình về phối màu, hình vẽ, làm sao khi nhìn vào học trò hiểu được ký hiệu đó. Trường triển khai ngay từ ngày tựu trường và sẽ làm xuyên suốt năm học.

“Từ trường mầm non, bước vào lớp 1, các con rất lạ lẫm, còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều bé đi học khóc nhè, rụt rè nên chúng tôi muốn tạo cho con một cảm giác an toàn, yêu thương, niềm vui khi vào lớp. Từ màn chào hỏi như vậy, nhiều bé ban đầu còn e ngại, chưa quen nhưng bây giờ đã mạnh dạn, tự tin và ngày nào cũng muốn đến trường sớm để được ôm cô giáo, cụng tay với cô”, cô Hồng Ngọc nói.

Qua thời gian thực hiện, theo các giáo viên, đa phần bé trai thích cụng tay, bắt tay, còn bé gái thích được cô ôm. Một số bạn có hôm đến trễ, lớp đã vào giờ học, không được cô ôm cũng có chút... không vui. Lúc đó, cô giáo sẽ động viên để ngày mai con đi học sớm hơn. Theo các giáo viên, dù chỉ là cử chỉ đơn giản, cả cô và trò đều cảm thấy vô cùng phấn khởi, vui vẻ để bắt đầu một ngày học hiệu quả, thú vị.

Tương tự, từ nhiều năm qua, học sinh của Trường Tiểu học Mê Linh (quận 3) đã quen với hình ảnh thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng nở nụ cười tươi, chào đón các em ngay cổng trường.

Những câu nói như: “Con nhấc chân lên cao khỏi trúng bô xe”, “Nào con từ từ thôi. Con chào mẹ đi”, “Ôi thầy chào con. Con ăn sáng gì rồi? Để thầy giúp con đeo ba lô” trở nên quen thuộc với các em học sinh, phụ huynh.

Nói về lý do luôn có mặt từ sớm để chào đón học sinh, thầy Hùng cho hay: Về nhận công tác ở trường, sau khi ổn định mọi mặt, tôi nghĩ đến việc đón trò ở cổng để tình thầy trò thêm gắn kết và quan trọng hơn là để các em cảm nhận được niềm vui khi mỗi buổi sáng đặt chân đến ngôi trường mình học. “Mình cứ cho đi yêu thương, sẽ nhận lại yêu thương. Tôi muốn các con đặt chân đến ngôi trường với niềm hứng khởi, được đón nhận những điều tốt đẹp nhất, bắt đầu bằng những việc nhỏ như thế”, thầy Hùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, thầy hiệu trưởng còn có quy định, khi muốn gặp thầy, học sinh đến phòng gõ cửa 3 tiếng sẽ được đón vào và có thể trò chuyện bất cứ vấn đề gì với thầy. Phòng thầy hiệu trưởng cũng là phòng đọc sách nên các em rất thích khi vừa đọc sách vừa được thầy chỉ dạy nhiều điều.

Học sinh Trường Tiểu học Thực hành ĐH Sài Gòn chọn các biểu tượng ôm, cụng tay... với cô giáo trước khi vào lớp.
 Học sinh Trường Tiểu học Thực hành ĐH Sài Gòn chọn các biểu tượng ôm, cụng tay... với cô giáo trước khi vào lớp.

Tạm biệt trò theo cách riêng

Từ nhiều năm qua, cô giáo Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên Trường Tiểu học An Phú 2 (huyện Củ Chi) lại tạm biệt trò theo cách riêng của mình. Cô Phương trao đổi: “Sau một ngày học tập, có thể con chưa ngoan, chưa thuộc bài bị cô nhắc nhở, hay có lúc con trêu đùa với bạn, làm con buồn, con giận… mình không muốn các con trở về nhà trong tâm trạng ấm ức hay buồn phiền nào cả. Thế nên, kết thúc buổi học, tôi thường nói: Cô muốn ôm bạn này một cái. Có bạn nào thích ôm cô không nhỉ? Vậy là các con thi nhau ôm tạm biệt cô, tạm biệt bạn lúc ra về. Các con rất vui vì được ôm cô và cô ôm lại”.

Bên cạnh cái ôm, để thể hiện tình cảm giữa cô với trò, giúp các con kết thúc một ngày trong niềm vui, cô Thanh Phương cho biết: Trong lớp vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Có em ba mẹ chia tay, ở với ông bà, rất thiếu thốn tình cảm. Vì thế, khi cô giáo ôm con bằng cả tấm lòng, các con sẽ có cảm giác được yêu thương, vỗ về. “Nhiều bé ban đầu không ôm cô, có bé rụt rè, ngại ngùng vì các con không quen như thế. Nhưng dần dần, các con cũng mạnh dạn ôm cô, mở lòng mình ra… Những lúc vậy, tôi hạnh phúc vô cùng”, cô Phương kể.

Không chỉ tâm huyết với nghề, cô giáo Thanh Phương còn mở một thư viện nhỏ có tên Không gian đọc Củ Chi miễn phí tại nhà riêng của mình để cho học trò, người dân địa phương đến đọc sách. Cô cũng lặn lội đến nhiều nơi để tìm những sách hay, quyên góp sách, vận động nhà hảo tâm ủng hộ cho thư viện của mình. Ở lớp, khi có thời gian rảnh, cô lại mang những cuốn sách hay để cùng trò đọc, kể cho trò nghe những câu chuyện ý nghĩa.

Khác hẳn với cách đón trẻ ở các trường tiểu học, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) lại tạo sự hứng khởi cho học sinh ngay trong ngày khai giảng khi đón một học sinh đặc biệt - robot Moza. Robot do CLB STEM của trường thực hiện với mong muốn tiếp tục thổi lửa đam mê STEM, đam mê sáng tạo đến giáo viên và học sinh toàn trường trong suốt năm học 2019 - 2020. Robot có thể trả lời một số câu hỏi thông thường, đơn giản, thực hiện một số hiệu lệnh cơ bản tạo sự hứng thú cho các em học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh đón học sinh ở cổng trường.
 Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh đón học sinh ở cổng trường.

Không gian của yêu thương

10 năm nay, bất kể mưa hay nắng, các cô giáo Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phố Nhà Chung, Hà Nội) đều ra cổng đón trẻ bằng những cử chỉ thân thiết, yêu thương và trìu mến.

Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mỗi buổi sáng, hiệu trưởng hoặc hiệu phó cùng GV trực tuần ra cổng đón HS đến trường và gửi lời chào đến phụ huynh. Những tiếng chào hỏi qua lại của cô - trò là âm thanh trong trẻo nhất mỗi buổi sáng ở cổng trường. Điều mà tôi bắt gặp nhiều nhất khi qua đây là những nụ cười tươi của các phụ huynh với các giáo viên và sự phấn khởi của học trò khi bước chân đến lớp.

Theo cô Liên, những cử chỉ hành động thân thiện ấy làm rút ngắn khoảng cách giữa cô và trò. Việc đứng đón các con ở cổng trường cũng giúp tình cảm giữa các cô trong Ban giám hiệu , GV và HS gần gũi nhau hơn. Phụ huynh cũng yên tâm hơn khi giao con tận tay cho các cô giáo. Đồng thời, việc chào hỏi cũng giúp các em hình thành thói quen chào hỏi lễ phép hàng ngày.

“Những cái ôm hay cử chỉ âu yếm của cô với trò khiến học sinh thích thú. Các con cảm nhận được sự yêu thương, chia sẻ của cô giáo đối với mình. Những cử chỉ yêu thương mỗi buổi sáng đến lớp giúp giờ học tập đạt hiệu quả tốt hơn, tạo cho học sinh niềm vui, niềm hứng khởi mỗi ngày đến lớp và bồi dưỡng thêm tình yêu thương, những bài học làm người trong các con”, cô Liên chia sẻ.

Trẻ đến trường được sống trong vòng tay yêu thương đang lan tỏa khắp nơi. Hình ảnh yêu thương đón chào trẻ mỗi ngày đến lớp cũng được cô giáo Dương Thị Thao, Trường Mầm non Sông Cầu (TP Bắc Kạn) áp dụng.

Mỗi sáng đến lớp, các em học sinh Trường Mầm non Sông Cầu được các cô giáo chào đón với lời yêu thương, vỗ về. Cô Thao cho biết: Trẻ mầm non đến lớp thời gian đầu thường nhút nhát và sợ đến trường. Chính vì vậy, các cô giáo luôn phải tạo ra cảm giác gần gũi, thích thú đến lớp đối với các em. Ngoài việc thu hút trẻ bằng đồ chơi bắt mắt, con vật đáng yêu, lớp đẹp, sân vườn đẹp, khuôn viên cảnh quan đẹp..., việc làm này cũng làm tăng thêm không khí vui tươi, nâng cao tinh thần yêu nghề, mến trẻ của cô giáo mầm non.

Theo cô Dương Thị Thao, những cử chỉ yêu thương sẽ khiến các em vui hơn, cảm nhận sự yêu thương nhiều hơn. Vì thế, khi đón HS, đầu tiên cô chào phụ huynh trước mặt trẻ, trò chuyện thân thiết với phụ huynh và trẻ. Cô hay hỏi trẻ: “Hôm nay con ăn gì?”, “Con thích đồ chơi gì?”... Thay vì nhõng nhẽo, mếu máo khi rời bố mẹ, trẻ nhanh chóng vui vẻ chạy vào lớp.

“Hoạt động tương tác, kết nối trong màn chào hỏi buổi sáng như vậy không chỉ tăng thêm sự gắn bó giữa cô và trò, mà còn khiến các bé năng động hơn, có nguồn năng lượng dồi dào, vui vẻ khi bắt đầu một ngày học mới. Những thói quen chào hỏi đó có thể bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ”, cô Thao cho biết.  

Hạnh phúc được tạo nên từ những điều bình dị và nhỏ nhoi trong cuộc sống. Sự thay đổi tích cực trong hành động của các thầy, cô giáo là cách để thầy cô tạo dựng nên những lớp học mà ở đó học sinh tìm thấy sự an toàn, ấm áp yêu thương.
                                                                         Cô Dương Thị Thao

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ