Chơi có tổ chức
Đều đặn mỗi tháng một lần, cô trò Trường Tiểu học Núi Thành lại rộn ràng, náo nức với chương trình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo”. Sân trường được chia làm nhiều góc nhỏ với những hoạt động thú vị. HS nào thích nặn đất sét có thể ngồi tỉ mẩn tự tay làm những chú tò he, khuôn mặt cười ngộ nghĩnh hay con thú nhỏ xinh với phần đất sét và bột nặn đã được pha màu sẵn.
Ở một góc khác, các thành viên CLB Sáo trúc say mê biểu diễn những bản nhạc du dương. Đông nhất có lẽ là khu vực ném còn, từng tràng cười rộ lên vui vẻ khi còn được ném trúng vào vòng; nhưng cũng không ít sự xuýt xoa, tiếc nuối của các cô cậu HS và cả thầy cô giáo khi đến lượt chơi nhưng tung còn bị trượt.
Thu hút sự tham gia của nhiều HS khối 4 - 5 có lẽ là nơi hướng dẫn làm chong chóng và châu chấu bằng lá dừa. Cô giáo Phạm Thị Xuân Tâm vừa làm mẫu vừa hướng dẫn HS từng công đoạn để thắt lá dừa thành chong chóng và châu chấu. Từng đôi mắt chăm chú quan sát bàn tay khéo léo của cô giáo để làm theo, thỉnh thoảng lại có tiếng reo vui của một bạn HS: “Cô ơi, em thắt được rồi nè. Em thổi nó quay được luôn cô ơi”. Bạn bên cạnh kéo tay áo bạn hỏi: “Sao lá dừa của mình cứ bị rách hoài vậy nè, chỉ cách cho mình làm đi”.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành cho biết: Bình thường, HS sẽ chơi tự do trong giờ ra chơi. Các em thường chơi đá cầu, nhảy dây, một số em rủ nhau chơi bóng rổ nhưng số này không nhiều và chủ yếu là HS chơi đuổi bắt, chạy nhảy… Nhà trường chủ trương mỗi tháng/lần tổ chức Giờ ra chơi trải nghiệmnhằm đưa một số trò chơi dân gian vào trường học.
“Để tổ chức một Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo, nhà trường không phải đầu tư quá nhiều kinh phí, gần như chỉ phải mua một số vật liệu đơn giản như lá dừa; một số dụng cụ có thể sử dụng được nhiều lần như đất nặn, bút vẽ…” – cô Thu Nguyệt chia sẻ đồng thời cho biết: “Thầy cô giáo cũng không mất quá nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị. Hầu hết GV trong trường đều rất hào hứng với Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo. Như đợt tháng 10 vừa rồi, ngoài các đội kéo co của HS, GV nhà trường cũng tham gia thi. Nhiều GV ngồi vào chiếu, học cách thắt chong chóng cùng với HS, chơi với các em như những người bạn thực sự”.
Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, Giờ ra chơi trải nghiệm và sáng tạo là một cách để HS rời xa thế giới ảo, ngăn chặn các trò chơi vô bổ bằng việc phát huy tốt trò chơi dân gian trong trường học. Ngoài mang lại cho HS niềm vui, trò chơi dân gian còn giúp các em tiếp cận được những nét đẹp trong văn hóa dân tộc, rèn luyện sức khỏe cũng như kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác thông qua các trò chơi mà không hề gượng ép.
Giờ ra chơi trải nghiệm và sáng tạo cũng được Trường Tiểu học Ngô Quyền (Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) tổ chức. Trong giờ ra chơi, các em HS sẽ được tham gia các hoạt động như: Chơi kéo co, ô ăn quan, cờ vua, đọc sách tại sân trường, sảnh giáo dục thể chất, khu đọc sách thư viện ngoài trời, tại lớp học. Để tránh nhàm chán, hằng tháng, nhà trường thay đổi các trò chơi giữa các khối lớp.
Mềm hóa tiết sinh hoạt dưới cờ
Sau phần đánh giá hoạt động trong tuần rất ngắn gọn, thầy Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Núi Thành “nhường” sân khấu cho cô hiệu trưởng căn dặn HS vài điều. Sau đó, sân khấu được trang trí lại để nhà trường tổ chức tuyên truyền về chủ đề an toàn trường học, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Các em HS, ngoài được giáo viên thể dục của nhà trường hướng dẫn một số kỹ năng tự vệ còn được chuyên gia giới thiệu kỹ về “quy tắc 5 ngón tay” để trẻ tránh bị xâm hại tình dục. Điều khiến các bạn HS cứ “ồ” rồi “à” liên tục là được xem các bạn trong đội Chữ thập đỏ của trường “biểu diễn” kỹ năng sơ cứu trong một số tình huống như khi bạn bị chảy máu cam, chấn thương phần mềm…
Cũng có không ít hôm, cô hiệu trưởng bất ngờ hỏi: “Các con có muốn nhảy múa không?” và thế là cả cô và trò cùng nhau nhảy dân vũ. Sân trường vui và náo nức không khác gì không khí của ngày tựu trường. Ai cũng vui tươi, thoải mái, đặc biệt khoảng cách thầy - trò được xóa bỏ.