Trước đây, nhà thơ quân đội Anh Ngọc từng có tác phẩm dịch được chọn in trong sách Ngữ văn lớp 12 (năm 1992) và năm học 2022 – 2023 này, lần đầu tiên một sáng tác rất dễ thương “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” của ông được chọn in trong sách Ngữ văn lớp 7. Nhân dịp này, nhà thơ Anh Ngọc dành cho phóng viên báo Giáo dục và Thời đại cuộc trò chuyện đong đầy niềm vui và sự gợi mở…
- Cảm xúc của nhà thơ khi nhận tin bài thơ “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” của ông được chọn in trong sách Ngữ văn lớp 7 – tập 2 (Bộ “Chân trời sáng tạo”, NXB Giáo dục Việt Nam) là gì? Đây có thể coi là cơ hội để bài thơ được chắp thêm đôi cánh đến với độc giả hôm nay, thưa ông?
Anh Ngọc:
Một con mèo
nằm ngủ trên ngực tôi
Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi
Dưới con mèo trái tim tôi đang đập
Tôi nằm nghe nhịp nhàng thánh thót
Trái tim tôi hòa nhịp trái tim mèo
Khép lại rồi đôi mắt biếc trong veo
Khép lại rồi hàm răng dài nhọn hoắt
Nỗi kinh hoàng của bầy chuột nhắt
Khép lại rồi móng vuốt của đêm đen
Giờ nằm đây trong giấc mơ bình yên
Như đứa trẻ giữa vòng tay ấp ủ
Trên ngực tôi một con mèo nằm ngủ
Trưa mùa đông nằng nặng đám mây chì
Trái tim tôi trong một phút bỗng mềm đi
Một nỗi gì lâng lâng như hạnh phúc
Được âu yếm, được vuốt ve, đùm bọc
Được âm thầm cất tiếng ca ru
Ngủ đi, ngủ đi đôi tai vểnh ngây thơ
Ngủ đi, ngủ đi cái đuôi dài bướng bỉnh
Ngủ đi, ngủ đi con hổ con kiêu hãnh
Hàng ria mép ngang tàng, đôi mắt biếc trong veo...
Tôi nằm nghe trái tim mình ca hát
Trên ngực tôi nằm ngủ một con mèo.
- Tôi rất vui. Đây là lần đầu một bài thơ do tôi sáng tác được chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn để giảng dạy trong trường phổ thông. Với số lượng đông đảo giáo viên, học sinh trên toàn quốc và rất có thể sẽ có rất nhiều thế hệ thầy cô, học trò sẽ tiếp tục có dịp tiếp xúc, suy ngẫm bài thơ này, đó là một cơ hội rất tốt để bài thơ đến với công chúng và dĩ nhiên đó là một niềm vui rất lớn với bất kỳ người sáng tác văn học nào.
- Nhà thơ đã viết bài thơ “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” trong hoàn cảnh nào? Những ẩn dụ cũng như thông điệp mà ông muốn gửi gắm trong bài thơ?
- Đây là một câu chuyện có thật của chính tôi. Dạo ấy tôi ở trong một căn nhà nhỏ ở phố Thụy Khê, Hà Nội. Tôi có xin được một con mèo từ gia đình của nhà thơ Vũ Cao, tôi đặt tên nó là “Mi”, chúng tôi nuôi nó và yêu nó vô cùng. Giống mèo rất thích ấm áp và rất khôn. Mùa đông trời rét, buổi trưa tôi nằm ngủ, con mèo luôn tìm cách bò lên nằm khoanh tròn trên ngực tôi để lấy hơi ấm và ngủ rất ngon lành. Nhìn con mèo bé nhỏ, xinh xắn và đáng yêu, lại ngây thơ tin cậy, nằm gọn trong lòng mình như thế chẳng khác gì một đứa bé con nằm trong lòng bố mẹ, tôi nghĩ ngay tới phải làm một bài thơ về hình ảnh và cảm xúc ấm áp này. Và không lâu sau thì bài thơ ra đời.
Ngay khi được xuất bản, bài thơ được rất nhiều người thích, tôi nhớ có nhà thơ lớn tuổi mỗi khi gặp tôi đều gọi đùa tôi là “ông chủ mèo”. Sau này, khi tôi sang Anh thăm gia đình con trai tôi thì trong gia đình chúng cũng nuôi một con mèo và cũng gọi tên nó là “Mi”. Và con Mi bên Anh này cũng lại hay lò dò bò lên nằm khoanh trên ngực tôi, mỗi khi tôi nằm ngủ trưa. Sự trùng hợp thật quá thú vị.
Có lẽ vì tình cảm này mà tôi cũng rất thích bài thơ “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” và đã dùng nhan đề này đặt tên cho một tập thơ của tôi in sau đó ít lâu. Thậm chí tôi còn xem bài thơ này thuộc số dăm bảy bài thơ mà tôi thích nhất và đã nhờ con gái tôi cùng thầy dạy tiếng Anh của nó vốn là người Mỹ dịch bài thơ sang tiếng Anh. Còn nhớ trong các Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, kể cả những lần có nhiều nhà thơ quốc tế tham dự, tôi đã đọc bài thơ cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh, với tất cả sự hứng thú của mình.
Nhà thơ Anh Ngọc. Ảnh: NVCC |
- Ông có lời khuyên gì dành cho các thầy cô khi đọc và giảng dạy bài thơ? Và cả với các em học sinh?
- Nội hàm cũng như thông điệp của bài thơ này nói gọn trong một câu, ấy là vẻ đẹp của tình yêu thương cuộc sống, yêu thương con người, nói rộng ra là yêu thương môi trường sống của chúng ta. Sự ấm áp và hạnh phúc khi con người yêu thương mọi biểu hiện của cuộc sống, con người yêu thương nhau đã đành, nói rộng ra, con người còn yêu thương sự sống dưới mọi dáng vẻ, từ một con vật, một cái cây, một bông hoa, một ngọn cỏ - chính tình yêu thương mọi biểu hiện của sự sống ấy mang lại hạnh phúc cho chính chúng ta.
Để truyền đạt được nội hàm khá lớn và sâu này cho trẻ em chưa nhiều tuổi lắm, tôi nghĩ các thầy cô cứ để các em đọc thật chậm, thật kỹ, dừng lại ở các hình ảnh và từ ngữ gợi cảm xúc để tất cả thấm vào tâm hồn các em một cách tự nhiên nhất. Và có vài điều tôi muốn lưu ý:
Trước hết, tính cách đối lập - khi một mặt tôi tả con mèo như đứa trẻ bé bỏng và ngây thơ, một mặt lại nói đến cái phía dữ tợn, ghê gớm của con mèo như “hàm răng dài nhọn hoắt, nỗi kinh hoàng của bầy chuột nhắt, móng vuốt của đêm đen, con hổ con kiêu hãnh…”. Điều này khá khó lý giải nhưng lại bao hàm một ý tưởng sâu kín: Trong thực tế, một cái gì đó có thể ghê gớm với đối tượng khác nhưng lại bé nhỏ, thân gần với ta, và vì thế sự bé bỏng, thân gần càng tăng lên. Có thể nói ví dụ như một em bé nhỏ xíu và ngây thơ trong lòng người mẹ lại có thể là một người khổng lồ đối với một con kiến, con giun và điều mâu thuẫn đó làm nên sự thú vị của bản chất cuộc sống. Cũng như chúng ta có thể hình dung hình ảnh Phù Đổng Thiên Vương – Thánh Gióng ba tuổi đã có thể vùng lên đánh đuổi quân giặc Ân nhưng chắc chắn lúc trở về bên mẹ thì lại trở về là một em bé bé bỏng.
Điều thứ hai là với mệnh đề “một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” - tôi đã lặp lại nhiều lần nhưng thơ không cho phép lặp nguyên như vậy, nên tôi đã cắt ra và đánh tráo các đoạn thành “Trên ngực tôi một con mèo nằm ngủ” hay “Trên ngực tôi nằm ngủ một con mèo”…, cách đánh tráo như vậy vẫn giữ nguyên lời cần nói mà lại có tính bất ngờ gây thú vị…
Đại khái như vậy. Mời mọi người cho thêm ý kiến theo nhận thức của chính mình.
Sách Ngữ văn lớp 7 tập hai. |
- Đọc bài thơ, tôi thấy đây là tiếng thơ của một người trưởng thành hóa thân để viết những vần thơ cho con trẻ. Cuộc hóa thân này có gì thú vị và liệu có dễ dàng trong việc sáng tác thơ thiếu nhi của ông không, nhất là khi ông là một nhà thơ quân đội?
- Thật ra, nói đây là một bài thơ viết cho thiếu nhi cũng được, nhưng bản thân tôi thì coi nó là bài thơ viết cho tất cả mọi người, không riêng gì thiếu nhi. Những hình ảnh và cảm xúc trong bài thơ có thể có ở tất cả mọi người, dĩ nhiên trong đó có thiếu nhi. Tất nhiên câu chuyện cụ thể của bài thơ thì rất gần với thế giới trẻ em và điều đó là rất thú vị. Tôi viết không nhiều về thiếu nhi, chỉ có mấy bài thơ và một vài cái truyện ngắn nhỏ, nên thú thật không có kinh nghiệm gì nhiều.
- Từ năm học 2021 - 2022, các em học sinh THCS được học SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, môn Ngữ văn có nhiều sự đổi mới, nhất là việc chọn lựa tác phẩm giảng dạy và nhận được sự quan tâm của dư luận. Là một nhà thơ có tác phẩm được chọn in trong sách giáo khoa, ông dành sự quan tâm của mình với vấn đề này như thế nào?
- Tôi không nắm vững lắm về cách chọn bài và cách giảng dạy môn Ngữ văn trong trường phổ thông, nên không dám có ý kiến gì nhiều. Nhưng tôi nghĩ một điều thôi là một mặt chúng ta phải chọn những tác phẩm giản dị, dễ hiểu để giảng dạy cho học sinh, tùy theo lứa tuổi, nhưng đôi lúc chúng ta đánh giá hơi thấp các em. Nên có những tác phẩm thực hay, thực có giá trị, nhưng chúng ta sợ các em không tiếp thu được nên không chọn đưa vào chương trình. Đó là một điều đáng tiếc. Theo tôi, chúng ta nên có những tác phẩm thuộc loại tham khảo để thăm dò sức hiểu, sự yêu thích của các em và từ đó sẽ rút ra điều nên làm để ngày càng nâng cao hiệu quả cho những tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường.
- Trân trọng cảm ơn nhà thơ Anh Ngọc!
Nhà thơ Anh Ngọc tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh năm 1943 tại Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp khóa 6 khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ 1964 – 1971 ông giảng dạy ở Trường Trung cấp Thương nghiệp Thanh Hóa và sau đó là Trường Đại học Thương nghiệp Hà Nội. Ngày 6/9/1971, ông nhập ngũ, làm lính thông tin, chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972. Từ 1973 đến tháng 9/1979, ông trở thành phóng viên báo Quân đội nhân dân, có mặt trong Chiến dịch Mùa Xuân 1975 ở cực Nam Trung Bộ và Sài Gòn... Từ tháng 9/1979 đến lúc nghỉ hưu (2008), ông công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội.
Ông là tác giả của 6 tập thơ, 4 tập trường ca; 4 tập ký và tùy bút; 3 tập phê bình, tiểu luận, tạp bút và 2 tập dịch thuật. Trong đó, một số tác phẩm thơ tiêu biểu của ông như: “Hương đất màu cờ” (1977); “Ngàn dặm và một bước” (1984); “Thơ tình rút từ nhật ký” (1993); “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” (1997); “Mạnh hơn tuyệt vọng” (2001); “Gửi lại thời gian” (tuyển thơ - 2008)...
Nhà thơ Anh Ngọc hai lần được Giải thưởng các cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (Giải nhì, 1972 - 1973 và giải A, 1975); Giải thưởng văn học sông Mekong của Hội Nhà văn ba nước Đông Dương (2009); Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2012.