Theo các giáo viên, học sinh rất hào hứng tham gia với những sản phẩm vô cùng sáng tạo. Những tình tiết hay, lời thoại, nội dung… của một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 9 đã được các em “biến hóa” thành những cuốn truyện tranh công phu, hấp dẫn.
Phát huy sự sáng tạo của trò
Nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh với môn Ngữ văn, giúp các em vừa tiếp thu được kiến thức, vừa phát huy được năng lực, sở trường của mình, đầu năm học 2020 - 2021, nhóm Ngữ văn 9 Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, TPHCM đã triển khai dự án Tác phẩm văn học qua nét vẽ của em. Tham gia dự án có hơn 300 học sinh khối 9 của trường cùng sự hướng dẫn của các giáo viên Ngữ văn gồm cô Nguyễn Thị Hiền, cô Đinh Thị Luyến, cô Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc, thầy Võ Kim Bảo.
Không còn là những tiết học thông thường trong lớp, đọc, phân tích, ghi chép về tác phẩm, các em được chia theo nhóm (mỗi lớp 4 nhóm) và cùng nhau bốc thăm những tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 9 để “tranh hóa”.
Đó là những tác phẩm: Hoàng Lê nhất thống chí (hồi thứ 14), Lặng lẽ Sa Pa, Những ngôi sao xa xôi, Chuyện người con gái Nam Xương, Làng, Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích “Truyện Lục Vân Tiên”), Chiếc lược ngà.
Thầy Võ Kim Bảo, một trong 4 giáo viên hướng dẫn cho hay, các em được chia nhóm và cùng nhau phân công công việc như đọc kĩ tác phẩm, tìm những đoạn hội thoại hay, những nét chính của tác phẩm và bắt đầu vẽ truyện tranh. Khi hoàn thành các em nộp file về cho giáo viên, sau đó sẽ thuyết trình trước lớp về tác phẩm. Những tác phẩm của các em cũng được thầy giáo chia sẻ trên trang cá nhân và nhận được rất nhiều lời khen.
Đơn cử như với truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long trong chương trình Ngữ văn lớp 9, nhóm học sinh đã có 5 tuần để hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, để biến tác phẩm thành một cuốn truyện tranh là điều không dễ dàng, đòi hỏi học sinh phải nghiên cứu kĩ tác phẩm, các em còn tìm hiểu bối cảnh, ngoại hình nhân vật, trang phục… trong thời điểm mà tác giả đã viết tác phẩm. Đặc biệt, đây là cơ hội để các thành viên của nhóm “bung” sở trường vẽ của mình.
Thầy Võ Kim Bảo chia sẻ, điều đặc biệt trong những sản phẩm của học sinh, đó là các em không đi theo lối mòn, mà đầy sáng tạo. Cụ thể, nhóm 3 của lớp 9A3 gồm 11 thành viên đã chuyển thể tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (hồi 14) thành một đoạn phim ngắn. Các thành viên của nhóm cho hay, lúc đầu yêu cầu là vẽ truyện tranh về tác phẩm này, nhưng nhóm nghĩ chỉ thể hiện qua truyện tranh thì chưa thể truyền tải hết những thông điệp, cảm xúc cũng như nội dung cốt truyện. Nên sau khi bàn bạc nhóm đã có ý tưởng là sẽ biến tấu câu chuyện thành bộ phim với mong muốn là sẽ giúp cho các bạn tiếp thu bài một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Các em đã hoàn thiện sản phẩm của mình trong 4 tuần. Tuần 1 triển khai, tuần 2 nộp bản thảo để thầy góp ý, tuần 3 và 4 là thời gian để tóm tắt chuyện, thiết kế nhân vật, lồng tiếng và dựng phim. “Tên nhóm “Xỉu lên xỉu xuống” đã phần nào phản ánh được tinh thần hăng hái chạy “deadline” của các thành viên nhóm”, em Trần Song Hà Vy một thành viên của nhóm cho hay.
Qua thực hiện dự án, việc đổi mới học tập môn Văn giúp học sinh hiểu bài một cách cặn kẽ hơn, nội dung bài học trở nên phong phú và không khí học tập rất vui vẻ khiến cho các em càng thêm yêu thích môn Văn.
“Đây cũng là cơ hội để tụi con thể hiện tài năng của bản thân. Như nhóm của con, đây là lần đầu tiên tụi con được tiếp xúc với nghệ thuật dựng phim, ảnh. Lúc đầu tuy gặp khá nhiều khó khăn nhưng tụi con đã cùng tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Việc này không chỉ giúp tụi con tiếp thu bài nhanh mà còn chuẩn bị cho mình thêm những kĩ năng mới”, Hà Vy, thành viên nhóm nói.
Thầy cô hài lòng
Liên quan đến dự án này, thầy Võ Kim Bảo cho hay, dạy học theo dự án đã được thực hiện từ nhiều năm qua, đây là một trong những cách đổi mới trong dạy học, tiệm cận với Chương trình GDPT 2018 hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Việc thực hiện dự án học sinh không chỉ hiểu về tác phẩm sâu sắc, mà còn thể hiện được sở trường vẽ, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, ứng dụng CNTT… Bên cạnh đó, cách học này còn giúp học sinh có những nhìn nhận đúng về vai trò của các môn học, về việc vận dụng những gì đã học để giải quyết một vấn đề trong thực tiễn, đặc biệt là phát huy sự sáng tạo của các em vào mỗi sản phẩm. “Thầy cô rất bất ngờ với các sản phẩm của học sinh, điều đó cho thấy các em nghiêm túc, chỉn chu và bỏ nhiều công sức dành cho dự án”, thầy Bảo nói.
Tương tự, qua các sản phẩm của học sinh, cô giáo Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc cho hay, các em đã biết lựa chọn các sự việc tiêu biểu, các chi tiết đắt giá của tác phẩm để thể hiện kết quả tự học theo hướng nghiên cứu bài học. Không chỉ sáng tạo trong viết lời thoại cho nhân vật, có nhóm còn chọn truyện thơ hoặc thơ để làm sản phẩm. Phần trình bày tranh vẽ có thẩm mĩ, sáng tạo, thể hiện năng khiếu hội họa của học sinh, qua đó phát triển năng lực thẩm mĩ. Trong phần thuyết trình học sinh cũng đã rất tự tin, đồng thời các em phát huy được năng lực làm việc nhóm, phát huy các kĩ năng cần thiết khi phân chia công việc, tổng hợp và biên tập.
Qua đổi mới trong daỵ học, nhóm Ngữ văn 9 của Trường THCS Nguyễn Du cũng đã có những thay đổi trong đánh giá, kiểm tra học sinh phù hợp. Việc thực hiện dự án giúp giáo viên đánh giá toàn diện hơn quá trình học tập, tiếp thu kiến thức, năng lực, phẩm chất của từng học sinh.