Yêu thương học sinh, gửi ước mong con khôn lớn

GD&TĐ - Đọc những dòng tâm sự của cô giáo mầm non Lã Hải Vân - vợ chiến sĩ cảnh sát biển Ngô Vĩnh Hòa, mắt cứ cay, cảm xúc nghẹn không thành lời.

Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc cho chiến sĩ cảnh sát biển Ngô Vĩnh Hòa
Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc cho chiến sĩ cảnh sát biển Ngô Vĩnh Hòa

Mỗi dòng chữ trải ra trang giấy là lát cắt đong đầy cảm xúc về trường lớp, chăm con, sửa nhà dột… nhưng xuyên suốt là tình yêu vợ chồng, yêu nghề dạy học - ngọn lửa mà cô giáo - người mẹ đã thắp lên niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn.

“Ngày…: Trò ốm như chính con ruột mẹ đang đau

Hôm nay, Trường Mầm non 1/5 tổng kết, bạn Sóc hơi sốt làm mình lo quá, suốt từ sáng tới trưa, con chẳng ăn gì ngoài chút sữa và nước.

Các cô đo nhiệt độ và phải làm phương pháp hạ sốt cho con. Khuôn mặt hàng ngày vẫn cười nói hồn nhiên, giờ ỉu xìu khiến mình không khỏi thương xót như chính con trai ở nhà đang đau vậy.

May thay, được nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý, đến chiều, con cũng đỡ hơn và được bố mẹ đón về.

Trong buổi lễ tổng kết tại Trường Mầm non 1/5, cô Hiệu trưởng đọc tên những giáo viên đạt thành tích cao trong công tác giảng dạy và trong đó có tên mình:

“Năm học vừa qua, cô Vân đã rất tích cực trong công tác giảng dạy, đặc biệt, không có hôm nào muộn giờ làm hay vi phạm nội quy nhà trường dù nhà cách trường khá xa. Đồng thời, nhà trường cũng nhận được những phản hồi tích cực của phụ huynh về cách chăm sóc và giảng dạy của cô Vân…”.

Vui và xúc động quá, mình cứ chực khóc. Thành quả của những ngày miệt mài chăm sóc, dạy dỗ các con cũng được ghi nhận. 7 năm liền gắn bó với trường, cũng là suốt 7 năm được gần gũi với các con, đó là nguồn động viên lớn để mình bước tiếp trong công tác giáo dục.

Mỗi ngày đến trường, được nhìn thấy khuôn mặt ngây thơ của các con, những nụ cười, lúc các con vui chơi, tập múa hát… đều làm mình nhớ mãi. Có những bạn lười ăn làm mình xót ruột, nên lúc nào cũng cố dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, đưa 2 con đến trường, rồi vội vàng đến lớp cho kịp giờ.

Đón các con từ tay bố mẹ, mình vẫn luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn để phụ huynh yên tâm gửi gắm các con tới trường.

May thay, đến chiều con cũng đỡ hơn một chút và lại về nghỉ hè với gia đình. Chúc con mau khỏe nhé, cô cũng về với 2 tình yêu bé nhỏ ở nhà đây! Hẹn năm học mới với nhiều niềm vui mới. Nhớ các con nhiều!

Ngày…: Vì con, mẹ cũng là mẹ thiểu năng

Hạnh phúc khi được làm mẹ, tình yêu của hai vợ chồng đã có kết quả. Con trai đầu tiên ra đời trong niềm vui lớn của gia đình được đặt tên Ngô Quang Hưng.

Chăm con từ bỉm, sữa, ăn, ngủ, ốm đau… Rồi không lâu sau, bằng kinh nghiệm của một giáo viên mầm non, mình chợt thấy con có những phát triển không bình thường.

Thật kinh khủng khi phải nghe tin con bị thiểu năng trí tuệ. Đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, sóng gió nhưng có lẽ đây là nỗi xót xa lớn nhất trong cuộc đời.

Biết vượt qua thế nào đây? Ước gì mình có thể chịu đựng thay con, ước gì mọi nỗi đau mình có thể gánh hết cho con.

Mình tưởng chừng như tuyệt vọng. Bao đêm nằm ôm con mà khóc, nước mắt chảy dài, nhiều khi muốn chết đi…

Nhưng nếu không tiếp tục đứng dậy thì ai sẽ chăm con, ai sẽ giúp đỡ con và con sẽ ra sao nếu không có mình? Và lại tiếp tục sống, sống mạnh mẽ kiên cường hơn gấp nhiều lần để truyền sức mạnh cho con trai bé bỏng.

Vẫn tin rằng một ngày nào đó, con sẽ khỏi, hay ít ra cũng lớn khôn và trở thành người có ích.

Càng lớn, con càng ngô nghê, không như những bạn cùng trang lứa. 14 tuổi vẫn bàn tay mẹ chăm từng thìa cơm, tắm cho hàng ngày, thậm chí không thể tự rửa mặt, đi vệ sinh cũng không tự ý thức được.

Nhưng đó cũng là thời gian mình đóng vai người bị thiểu năng để làm bạn, trò chuyện với con, để cùng con vượt qua khó khăn lớn này. Có đôi lúc, mình cảm thấy mình cũng như một người mẹ thiểu năng.

Điều mình hạnh phúc nhất chính là sự kiên trì đã phần nào có hi vọng. Suốt 3 năm 4 tháng chỉ tập trung việc rèn con cầm bút viết chữ, có những lần con cầm bút đâm xuyên qua trang giấy, hay đâm cả vào tay mẹ, giờ con đã có thể cầm và viết được vài chữ.

Tuy nét chữ không được tròn trĩnh, còn nguệch ngoạc nhưng lần đầu nhìn thấy con viết được chữ “Mẹ” thì đó là hạnh phúc lớn đối với một người mẹ như mình.

Ngày…: Mong trời đừng mưa nhé!

Mùa mưa…. Thế là lại một mùa mưa nữa và nỗi lo lại tăng lên gấp bội. Căn nhà suốt bao nhiêu năm tiết kiệm mới sửa sang được nhưng vẫn bị dột.

Trời nắng xuyên qua mái ngói chiếu vào ba gian nhà chói chang như đang ở ngoài sân. Nhưng cũng còn đỡ hơn mùa mưa, nước lênh láng khắp nhà, chẳng đủ xoong, nồi để mà hứng nữa.

Dù sao cũng là căn nhà hai vợ chồng chắt chiu bao nhiêu năm, vừa thuê nhà ở, vừa đi làm, ăn uống tiết kiệm để có thể sửa lại căn nhà bố mẹ cho.

Nhưng cũng chỉ sửa được phần nào, tiền không đủ để xây dựng lại cho đàng hoàng.

Tự động viên rằng: Gia đình mình có chỗ ra vào cũng là may lắm rồi, đi thuê nhà thì không biết sống sao, chi tiêu thế nào khi hai con trai nhỏ còn đi học.

Và tiền thuốc cho con trai lớn bị thiểu năng trí tuệ, con nhỏ lúc ốm, lúc đau.

Chỉ lo lắng bãi tha ma bên cạnh nhà, mưa đến lại đẩy bùn vào tận sân, lơ đễnh vài phút là con lại đầy bùn đất trên người.

Nhiều hôm còn bận đi dạy ở trường mầm non nên không biết làm sao để dọn dẹp. Con trai lớn cũng chẳng thể trông em nên cứ mưa đến là vừa lo tìm chậu hứng dột, vừa để mắt trông con.

Ban ngày còn biết cách xoay xở, chứ đêm đến, ba mẹ con đang ngủ mà phải dậy hứng nước mưa, có khi nước bắn lên đến tận giường, ướt cả chiếu.

Khó khăn thế nào mình cũng có thể vượt qua, thương hai con nhỏ còn thơ dại chịu thiệt thòi, làm người mẹ có nỗi buồn nào khi không mang lại những đủ đầy cho con, để con từ tấm bé đã phải chịu khổ.

Nhiều đêm, tiếng ếch nhái, côn trùng bên bãi tha ma nghe não lòng, lại nén nước mắt ôm con vào lòng để chở che. Cố gắng lên các con, tương lai sẽ tươi sáng đang ở phía trước!

Ngày…: Anh yên tâm nhé, em không cho phép mình ốm

Yêu nhau tròn 10 năm thì cưới, tình yêu dường như đủ lớn để có thể hiểu và thông cảm cho những khó khăn, vất vả mà hai vợ chồng vượt qua.

Anh là chiến sĩ cảnh sát biển, thời gian không có nhiều để dành cho gia đình, bởi anh còn làm nhiệm vụ, phục vụ Tổ quốc. Mỗi lần về nghỉ phép, anh đều dành thời gian chăm sóc con cái, tranh thủ sửa lại mái nhà dột hay cái ống nước hỏng.

Nhìn khuôn mặt rám nắng, làn da đen sạm vì nắng biển lại thấy thương anh biết nhường nào.

Hạnh phúc là sau mỗi chuyến đi, anh đều gọi điện về động viên ba mẹ con. Chỉ cần nghe tiếng anh nói, dù có vội vàng nhưng cũng đủ để nhen lên nghị lực sống vững vàng, là hậu phương vững chắc, chỗ dựa cho các con.

Tình yêu suốt 10 năm, rồi 15 năm cuộc sống hôn nhân, bao khó khăn vẫn động viên nhau vượt qua.

Những khi nhà hàng xóm sáng ánh đèn sum vầy cả gia đình bên mâm cơm, tiếng cười nói rộn ràng, cũng đôi chút tủi thân, và hơn tất cả đó là sự nhớ thương da diết. Ngày tháng qua đi cũng là những ngày mong ngóng anh về. Dù ngày phép ngắn ngủi 2, 3 ngày cũng đủ lắm rồi.

Chỉ lo những ngày tháng lênh đênh trên biển, hiểm nguy quanh mình, ở nhà cũng thấy lo lắng từng phút. Lúc nào anh cũng động viên: Anh không sao, em và con cứ yên tâm. Nhưng có khi nào thôi nghĩ về anh, về những ngày gian khổ mà hai vợ chồng cùng nhau trải qua?

Anh cũng yên tâm làm nhiệm vụ, vững tay lái con tàu ra khơi anh nhé. Em sẽ chăm sóc các con chu đáo, sẽ không cho phép mình ốm, bởi em còn vai trò của một người mẹ, người vợ, có lúc là người cha, và cả trách nhiệm của một giáo viên chăm sóc “đàn con” thơ…”.

Cô giáo Lã Hải Vân sinh năm 1978 (quê ở Hải An, Hải Phòng), công tác tại Trường Mầm non 1/5 (Đông Khê - TP Hải Phòng). Chồng cô Vân là Đại úy Ngô Vĩnh Hòa (SN 1975) - thủy thủ trưởng tàu Cảnh sát biển 8001, đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Những dòng nhật ký đầy yêu thương và chân thành của cô giáo Vân khiến người đọc không kìm lại những giọt nước mắt. Không ít người cảm phục về nghị lực sống và những vất vả mà chị vượt qua. Hoàn cảnh của chị thật sự rất khó khăn, nhưng chị vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường, vẫn chăm sóc con chu đáo và là bến bình yên để chồng toàn tâm canh biển trời Tổ quốc.

Khi được hỏi: Gia đình chị có cần cộng đồng xã hội giúp sức gì không? Cô giáo mầm non ôm con cười hiền dịu: Còn nhiều gia đình khó khăn hơn, chúng tôi vẫn có thể cố gắng được…
Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ