Yêu nước bằng “Trái tim nóng, cái đầu lạnh“

GD&TĐ -Trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt dàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, học sinh cần có “trái tim nóng, cái đầu lạnh”. Cô Trần Minh Tuyết – Giáo viên dạy Văn trường THPT Phan Đình Phùng hướng dẫn học sinh bày tỏ quan điểm trong các bài thi.

Cô Trần Minh Tuyết – Giáo viên dạy Văn, Trường THPT Phan Đình Phùng
Cô Trần Minh Tuyết – Giáo viên dạy Văn, Trường THPT Phan Đình Phùng

Hiện nay vấn đề chủ quyền biển đảo đang được cả nước và quốc tế quan tâm. Từng ngày, từng giờ người dân Việt Nam dõi theo tin tức và mọi diễn biến trên Biển Đông. 

Với lòng yêu nước và tinh thần yêu chuộng hòa bình, chúng ta mong muốn Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 về nước, trả lại bình yên cho biển đảo Việt Nam. Nhưng cho đến giờ phút này điều đó vẫn chưa xảy ra. 

Vậy , nếu như đề nghị luận xã hội yêu cầu học sinh nói lên suy nghĩ của mình về biển đảo, về chủ quyền dân tộc, học sinh nên trình bày như thế nào ?

Theo tôi, trước hết các em nên nói cụ thể về thực trạng đang diễn ra: Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm chủ quyền về lãnh thổ ...

Từ đó các em nêu lên suy nghĩ của mình. Trong phần này, các em nên mạnh dạn bộc lộ quan điểm của bản thân. Trên hết là sự bất bình, phẫn nộ trước hành động sai trái của Trung Quốc. 

Các em nên trích dẫn, nêu ra các dẫn chứng , chứng cứ xác thực mà các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã có được để chứng tỏ Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.

Đồng thời mở rộng bàn bạc: Trung Quốc sẽ được gì , mất gì khi hạ đặt giàn khoan trái phép vào lãnh hải Việt Nam? Nhấn mạnh Trung Quốc chỉ có mất mà không có được: Mất thời gian, công sức, mất tình bang giao, mất niềm tin của bạn bè quốc tế, và xa hơn Trung Quốc sẽ bị thế giới cô lập nếu như vẫn cứ theo đuổi mưu đồ đen tối của mình.

Mặt khác, chúng ta bày tỏ niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chính phủ: Đấu tranh ôn hòa trên mặt trận ngoại giao, tôn trọng tình hữu nghị nhưng “không đánh đổi chủ quyền lấy một thứ hữu nghị viển vông” (Trích câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

Phần liên hệ bản thân, các em cần nêu ra những hành động thiết thực. Ví dụ như đang tuổi học sinh, chúng ta cần tập trung hơn nữa cho việc học, bởi chỉ có học mới cho ta tri thức, tri thức sẽ cho ta sức mạnh. Sức mạnh đó sẽ giúp ta bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ dân tộc mình. 

Trong bối cảnh chính trị như hiện nay, chúng ta cần phải có lập trường kiên định, không để cho kẻ xấu lôi kéo. Thể hiện tình yêu với biển đảo thông qua các hoạt động ý nghĩa mà nhà trường và chính quyền địa phương phát động, tổ chức . 

Hãy viết về biển đảo quê hương, hãy viết về tinh thần Việt Nam , sức mạnh Việt Nam bằng tất cả trái tim mình. Có như vậy bài viết của các em mới có sức thuyết phục cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ