Yêu cầu cấp bách!

GD&TĐ - Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa là 92 tại 8 văn bản quy phạm pháp luật.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa là 92 tại 8 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay lên 2.234 tại 179 văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, chỉ có 2 bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Một số bộ, ngành, cơ quan chưa trình phương án; chưa cập nhật chưa đầy đủ, còn nhiều quy định cập nhật chưa chính xác, chậm công khai so với thời gian có hiệu lực của quy định.

Bên cạnh đó, chưa thực hiện nghiêm việc tính toán chi phí tuân thủ nên chưa bảo đảm xác định chính xác tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa số quy định và chi phí tuân thủ theo yêu cầu của Chính phủ.

Cần nhấn mạnh rằng, Nghị quyết 68/NQ-CP đã yêu cầu không chỉ cắt giảm những quy định đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn nâng cao chất lượng thể chế, hạn chế tình trạng ban hành quá nhiều văn bản, không để “cắt” quy định này lại “mọc” quy định khác.

Mặt khác, theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, phải có ít nhất 20% số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; phát triển công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cải cách, đánh giá nỗ lực cải cách quy định của các bộ, ngành phải được cắt giảm... Vậy nhưng thực tế, như đánh giá của đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thì chưa bảo đảm tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa theo yêu cầu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do các yếu tố chủ quan. Đó là thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong tổ chức thực hiện; thiếu chủ động trong công tác phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan, đơn vị.

Chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gắn kết, hỗ trợ, tương tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Thực tế, những rào cản về điều kiện, môi trường kinh doanh không chỉ cản trở sự phát triển của doanh nghiệp mà còn gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực thi.

Dẫn chứng cho nhận định này, tại Hội thảo Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp diễn ra mới đây, đại diện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, về mặt số lượng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện có giảm trong những năm qua nhưng lại dẫn chiếu đến các quy định khác nên việc cắt giảm chưa khẳng định được là thực chất.

Có những điều kiện kinh doanh cắt giảm ở nơi này, nhưng lại dẫn chiếu đến nơi khác, phức tạp hơn, ví dụ như với ngành nghề kinh doanh bất động sản, đây chỉ một ngành nghề nhưng lại có 9 ngành nghề bên trong.

Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, theo đại diện Bộ KH&ĐT, dù số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm nhưng nội hàm của ngành nghề lại mở rộng hơn, bao trùm hơn - cùng với các quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kèm theo.

Một số bộ, ngành tiếp tục ban hành và thực thi các điều kiện kinh doanh với mức độ chặt chẽ hơn. Nếu tình trạng này không được khắc phục có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn là yêu cầu cấp bách, thậm chí được coi là “gói” hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp. Và để thực hiện được và thực hiện hiệu quả, điều quan trọng là cần có cơ chế, chính sách cụ thể.

Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng, tránh tình trạng bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào cũng có quyền đưa ra quy định và có quyền thanh tra, kiểm tra, gây khó cho doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.