Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Nhiều giải pháp giúp giảm nghèo nhanh và bền vững

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo tại huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã đạt được những kết quả tích cực.

Mô hình nuôi cá mang lại thu nhập cao của hộ anh Nguyễn Văn Sức ở thị trấn Yên Lạc.
Mô hình nuôi cá mang lại thu nhập cao của hộ anh Nguyễn Văn Sức ở thị trấn Yên Lạc.

Qua đó, giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sự vào cuộc của hệ thống chính trị

Yên Lạc là huyện nằm ở phía nam tỉnh Vĩnh Phúc với tổng số 17 xã, thị trấn. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Yên Lạc đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác giảm nghèo, huyện đã triển khai thực hiện các văn bản của trung ương, của tỉnh; xây dựng và chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện kế hoạch của huyện về thực hiện chính sách giảm nghèo.

Theo đó, huyện tập trung tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu giảm nghèo với nhiều hình thức. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức tốt việc tuyên truyền về chế độ, chính sách giảm nghèo, gương điển hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao..., giúp hộ nghèo có thể vận dụng, làm theo. Vì vậy, nhận thức của hộ nghèo nói riêng, nhân dân trong huyện nói chung về chính sách của Đảng, nhà nước được nâng lên, nhiều hộ nghèo đã chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến cơ sở cũng được quan tâm, đảm bảo đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện hiệu quả. Phát huy vai trò của người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, ban công tác mặt trận,... tập trung phổ biến các cơ chế, chính sách, nhất là thủ tục vay vốn giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, lao động xuất khẩu, kinh nghiệm làm ăn, kiến thức về sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển ngành tiểu - thủ công nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp các xã, thị trấn tổ chức thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, bảo đảm tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện đều được hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng, nhà nước.

Thống kê giai đoạn 2016 đến 2020 toàn huyện đã cho vay ưu đãi 2.125 lượt hộ nghèo để phát triển kinh tế gia đình với tổng mức kinh phí dư nợ đến gần 120 tỷ đồng. Gần 1.000 lượt hộ cận nghèo được ưu tiên vay vốn để phát triển kinh tế gia đình với tổng mức dư nợ là hơn 52 tỷ đồng; 237 lượt học sinh, sinh viên khó khăn được vay vốn ưu đãi với tổng mức kinh phí thực hiện là gần 107 tỷ đồng.

Công tác khám chữa bệnh cho người nghèo được triển khai đến tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn huyện; 100% người thuộc hộ nghèo đều được cấp thẻ BHYT được thanh toán 100% chi phí các dịch vụ khám chữa bệnh; người nghèo được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng giống như các đối tượng khác…Ngoài ra, hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn làm nhà ở, hỗ trợ điện nước...

Ngoài ra, huyện chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào địa bàn huyện theo quy hoạch, nhất là các nhà đầu tư lớn, công nghệ cao, hiện đại để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tạo nhiều việc làm cho người lao động tại chỗ theo hướng “ly nông bất ly hương” chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện giảm dần qua từng năm. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 4,37%, hộ cận nghèo là 3,96%; đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,99%, hộ cận nghèo còn 2,1%, đến cuối năm 2021, toàn huyện chỉ còn 720 hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều, chiếm 1,6% tổng số hộ dân trên toàn huyện (không có hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công).

Nhiều hộ nghèo nhờ được thụ hưởng các chính sách, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, cộng đồng, xã hội đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Người dân đã tích cực áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi.

Người dân đã tích cực áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi.

Định hướng trong giai đoạn mới

Có thể thấy, kết quả giảm nghèo bền vững của Yên Lạc có được là do các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở luôn kiên trì thực hiện mục tiêu đề ra, không chủ quan, nóng vội, không chạy theo thành tích. Chương trình giảm nghèo đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo với các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị xã hội được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Công tác điều tra rà soát, bình xét hộ nghèo, cận nghèo hàng năm được chỉ đạo chặt chẽ chính xác, dựa trên các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh, đồng thời trên cơ sở thực tiễn về tình hình giảm nghèo của từng địa phương trên địa bàn huyện đảm bảo tính khách quan và trung thực. Nhưng thành quả lớn nhất trong công tác giảm nghèo nơi đây đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước của cán bộ, nhân dân không còn, thay vào đó là tinh thần, khát vọng vươn lên xóa nghèo và làm giàu chính đáng cho gia đình, quê hương.

Để tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch công tác giảm nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 0,8% tổng số hộ trên địa bàn huyện. Lãnh đạo huyện Yên Lạc cho biết, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, lồng ghép các chính sách, chương trình dự án để tạo nhiều nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách, mục tiêu về giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn lao động một cách hợp lý, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng dẫn hộ nghèo cách áp dụng các kỹ thuật khoa học tiên tiến, khuyến nông, đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo nhiều chỗ làm việc mới tại chỗ, khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Từng bước xã hội hóa, gắn trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đây là cơ sở để giai đoạn 2022-2025, huyện Yên Lạc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo hướng chú trọng nâng cao thực chất đời sống người dân, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ