Tác phẩm báo chí chất lượng cao phản ánh kịp thời vấn đề nóng

GD&TĐ - Các tác phẩm báo chí chất lượng cao đã phản ánh kịp thời vấn đề xã hội quan tâm, phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi.

Sáng 30/9, tại Vĩnh Phúc, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 và triển khai chương trình hỗ trợ giai đoạn 2021-2025.

Dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Toàn Thắng, Quyền Chánh Văn phòng Hội; ông Trần Thái Sơn, Phó Trưởng Ban nghiệp vụ cùng các ông bà là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà Báo Việt Nam.

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở TT&TT Vĩnh Phúc…

Hội nghị lần này được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí trong 5 năm vừa qua. Ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, quán triệt, triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tặng hoa chúc mừng hội nghị.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tặng hoa chúc mừng hội nghị.

Báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Đề án hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí (TPBC) chất lượng cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục thực hiện giai đoạn 2016 – 2020, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với sự nghiệp đổi mới báo chí cả nước nói chung, đối với hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao của các cấp Hội nói riêng. Qua đó, báo chí cả nước đã có thêm một nguồn lực mới, động lực mới và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, tạo diện mạo mới cho nền báo chí nước ta trong thời kì hội nhập đổi mới, phát triển.

Hiện 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố có 15.500 hội viên sinh hoạt ở trên 300 Chi hội. Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam làm đầu mối hỗ trợ cho gần 10.500 hội viên công tác trong các cơ quan báo chí ở Trung ương, sinh hoạt tại 20 Liên chi hội và 205 Chi hội Nhà báo trực thuộc.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, đối với Hội Nhà báo các địa phương, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao là 31,163 tỷ đồng.

Đối với khối báo chí Trung ương, kinh phí hỗ trợ theo kế hoạch là 4,075 tỷ đồng/năm (gồm hỗ trợ báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 3,500 tỷ đồng, cho công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương là 575 triệu đồng). Tổng kinh phí 5 năm theo kế hoạch là 20,375 tỷ đồng, thực tế nhận được 18,338 tỷ đồng (năm 2016 được 50% kinh phí là 2,038 tỷ đồng); các năm còn lại nhận 4,075 tỷ đồng/năm. Trong đó, hỗ trợ báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 15,750 tỷ đồng và phục vụ cho công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương là 2,588 tỷ đồng.

Kết quả đạt được cả giai đoạn, đã hỗ trợ 1.850 lượt tác giả, nhận được 4.145 tác phẩm báo chí chất lượng cao (thuộc các loại hình báo chí: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, ảnh báo chí). Tổ chức 5 cuộc hội thảo nghiệp vụ báo chí toàn quốc để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Hỗ trợ nghiên cứu, biên soạn, xuất bản 10 đầu sách phổ biến tác phẩm chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 2020" đã hoàn thành trọn vẹn và đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội.

Các tác phẩm báo chí được hỗ trợ là những tác phẩm tiêu biểu, có sự đầu tư công phu, có tính phát hiện, nêu bật những vấn đề được dư luận quan tâm, mang tiếng nói xây dựng, phản biện tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các quyết sách của Đảng và Nhà nước. Từ nguồn hỗ trợ sáng tạo, nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao đã đoạt Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí các địa phương và giải báo chí các bộ, ban, ngành, đoàn thể.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, mặc dù kinh phí được cấp hằng năm còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm nhưng Đề án đã thực sự tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tập hợp, đoàn kết hội viên, làm cho mối quan hệ giữa tổ chức Hội với hội viên ngày càng thêm gắn bó. Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ, hằng năm nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức.

Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày theo cách vừa làm vừa học đã giúp các nhà báo, hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp và công nghệ làm báo hiện đại. Qua đó đã khơi dậy đam mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của những người làm báo Việt Nam.

Đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị.

Đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị.

Tiếp nối thành công của Đề án hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020, ngày 08/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 2025”.

Chương trình tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng như: Đề tài về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, về tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng; đề tài về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn an ninh, chính trị, đề tài về lịch sử cách mạng, kháng chiến, về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, xóa đói giảm nghèo, về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số,...

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận về các vấn đề như: Phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hiệu quả hỗ trợ của Đề án trong việc nâng nội dung, đổi mới hình thức thể hiện các tác phẩm báo chí; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hội viên, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của cao chất lượng đơn vị và nhiệm vụ chính trị được giao.

Tạo nguồn tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác. Các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; thủ tục ký hợp đồng, thanh quyết toán và các vấn đề tài chính - kế toán. Bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện Đề án, phương hướng triển khai hiệu quả mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ