Yên Bái: Thi thử tốt nghiệp THPT năm 2021 vào 2 giai đoạn

GD&TĐ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Yên Bái năm 2021 Vũ Thị Hiền Hạnh, đã chỉ đạo Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và chất lượng.

Giờ học ôn của HS Trường THPT Chu Văn An, tỉnh Yên Bái
Giờ học ôn của HS Trường THPT Chu Văn An, tỉnh Yên Bái

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh Yên Bái tổ chức 1 Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì với 26 điểm thi. Hiện nay, thí sinh đã hoàn thành công tác đăng ký dự thi. Dự kiến toàn tỉnh có khoảng 350 phòng thi với 8.109 thí sinh.

Dự kiến huy động trên 1.500 người tham gia công tác thi. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

Theo ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT, để thực hiện công tác điều hành, Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức công tác cam kết chất lượng ở tất cả các bậc học, trong đó, chú trọng đối tượng học sinh cuối cấp, học sinh lớp 12; tổ chức chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT năm 2021 vào 2 giai đoạn. 

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị Kỳ thi tại các địa phương cũng như các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác thi đã được lên kế hoạch đầy đủ.

Trong thời gian nghỉ giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, với các địa phương nghỉ để phòng chống dịch, các nhà trường chuyển từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến đảm bảo 100% học sinh lớp 12 được tham gia học tập. Công tác tập huấn, triển khai quy chế, nghiệp vụ, cơ sở vật chất tổ chức thi cũng đã được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh triển khai kịp thời...

Để đảm bảo công tác tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và chất lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Vũ Thị Hiền Hạnh đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền về các điểm mới của Kỳ thi một cách nhanh chóng, chính xác đến người dân; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các thành phần tham gia công tác thi; chỉ đạo thực hiện tốt các điều kiện chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất thiết bị.

Công tác in sao, vận chuyển đề thi phải được ưu tiên số 1, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Công tác coi thi phải được đảm bảo, cán bộ coi thi phải được lựa chọn, tập huấn thật kỹ về nghiệp vụ. Công tác chấm thi phải được thực hiện nghiêm túc theo quy chế ở tất cả các khâu; duy trì chế độ trực, nắm tình hình để giải quyết các phát sinh trong Kỳ thi.

Sở GD&ĐT cần có kịch bản hết sức chi tiết, cụ thể phòng, chống dịch Covid – 19 trong kỳ thi. Phải chỉ đạo ngay các cơ sở giáo dục tuyên truyền học sinh thực hiện tốt yêu cầu 5K và yêu cầu toàn bộ học sinh khối 12 không được đi ra khỏi tỉnh.

Sở GD&ĐT phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế, Công an tỉnh xây dựng kịch bản chi tiết đảm bảo các điều kiện, chuẩn bị các phương án đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự; an toàn giao thông…

Đồng thời phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức thanh, kiểm tra theo quy định để Kỳ thi đạt hiệu quả cao nhất; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo tốt thông tin liên lạc. Phối hợp với các địa phương rà soát các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ kịp thời…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.