Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, toàn tỉnh đã có 142 trạm đo mưa tự động, 5 trạm đo thủy văn, 1 trạm đo cảnh báo lũ sông Hồng, 2 hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất.
Vì vậy, năng lực dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn được nâng lên rõ rệt, nhất là khả năng dự báo sớm về mưa, lũ đạt độ chính xác từ 80-85%.
Tỉnh đã theo dõi, đánh giá thử nghiệm Hệ thống thông tin thời tiết và cảnh báo thiên tai ở 4 huyện, thị xã phía Tây. Đây là hệ thống có phần mềm kết hợp với công nghệ hiện đại trên thế giới để thu thập dữ liệu thời tiết, ảnh vệ tinh quan sát mặt đất, công nghệ GIS, viễn thám…
Một tuyến đường của TP Yên Bái bị ngập do ảnh hưởng mưa bão. |
Yên Bái cũng đã xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét và trượt lở đất đá.
Theo kết quả điều tra, Yên Bái có 2.326 điểm trượt lở; 2.333 công trình và cụm công trình thủy lợi, trong đó có 133 hồ chứa, 2.166 đập dâng. Tỉnh có hơn 1.300 hộ dân cần sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, tập trung nhiều nhất ở các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ.
Đến nay, 173/173 đơn vị hành chính cấp xã thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, với hơn 13.000 người tham gia. Lực lượng dự bị có trên 62.000 người sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trên toàn tỉnh.
Yên Bái đang hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều hành, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, đồng bộ.
Trong đó có Đề án xây dựng và ban hành quy định chính sách về tổ chức; chính sách xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng phó sự cố thiên tai.
Tỉnh xây dựng phương án huy động nhân lực từ lực lượng vũ trang, nhất là các đơn vị Quân đội đóng chân trên địa bàn.
Chỉ đạo ngành Y tế bố trí đủ lực lượng y, bác sĩ thường trực tại các huyện, sẵn sàng tăng cường cho tuyến xã.
Đảm bảo đẩy đủ thuốc men, vật tư y tế, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và xử lý môi trường trong và sau thiên tai.