Yên Bái đưa "Khắp cọi" vào "trường làng"

GD&TĐ - Trải qua quá trình phát triển, “Khắp cọi” – nghệ thuật ứng tác tinh tế của người Tày ở huyện Lục Yên (Yên Bái) trở thành loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc.

Thành viên CLB “Khắp cọi” chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ nhân sau một buổi biểu diễn.
Thành viên CLB “Khắp cọi” chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ nhân sau một buổi biểu diễn.

Loại hình này đang được đưa vào “trường làng” với mong muốn giáo dục cho thế hệ trẻ biết gìn giữ, phát huy.

Thêm giá trị tinh thần cho trường học

Cách trung tâm huyện Lục Yên khoảng hơn 10 cây số về phía Đông Nam, xã Mường Lai có 9 dân tộc cùng chung sống. Ở đây, người Tày chiếm tới 97%. Họ sinh sống ở đây từ lâu đời và còn giữ gìn được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Đáng phải kể đến, đó là loại hình văn nghệ dân gian “Khắp cọi”. Đây được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Tày.

Đứng chân trên một kho tàng giá trị đời sống tinh thần đặc sắc, Trường TH và THCS Mường Lai đang cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ra sức gìn giữ. Mới thành lập từ tháng 10/2021, Câu lạc bộ (CLB) “Khắp cọi” của trường đã sớm trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều học sinh. Trong khuôn viên, nhà trường đã dành riêng một căn phòng làm nơi lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật gắn với những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tày ở địa phương.

Ban giám hiệu (BGH) nhà trường cho biết, phòng trưng bày là địa chỉ giáo dục học sinh, giúp các em thêm hiểu biết, tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Đó cũng nhằm góp phần tạo sân chơi bổ ích, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

“Hiện nay, CLB có hơn 100 học sinh tham gia. Hàng tuần, CLB sẽ tập hợp thành viên để sinh hoạt và học tập. Mỗi tháng sẽ có ít nhất một buổi biểu diễn để giới thiệu các tiết mục mới. Với mong muốn các em có thể hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc, chúng tôi thường xuyên mời nghệ nhân trong xã đến giao lưu, truyền cảm hứng, hướng dẫn. Từ đó, giúp các em nâng cao kỹ thuật hát “Khắp cọi” và sử dụng nhạc cụ dân tộc”, thầy Nguyễn Ngọc Tuân – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Quang Nhạn, xã Mường Lai, chia sẻ: Đồng bào Thái cũng có hát Khắp. Tuy nhiên, cách hát, giai điệu Khắp Thái có phần đơn giản hơn Khắp Tày. Trong mỗi câu hát của Khắp Tày Lục Yên có sự uyển chuyển, giai điệu ngọt ngào, phong phú hơn, đặc biệt là đòi hỏi cách hát khó hơn. Suốt mấy chục năm qua, ông Nhạn đã mày mò, tìm hiểu và sưu tầm về Khắp, Cọi. Ông viết ra nhiều cuốn sách chỉ với mong muốn lưu giữ lại cho thế hệ trẻ. Từ ngày thành lập CLB “Khắp cọi” ở Trường TH và THCS Mường Lai, bản thân ông cứ thế say sưa qua từng trang giáo án những mong gửi gắm hết cho lớp lớp học sinh nơi đây.

Qua một thời gian ngắn kể từ khi CLB hoạt động, nhiều học sinh đã mạnh dạn thể hiện được năng khiếu và niềm yêu thích của bản thân. Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của các nghệ nhân, nhiều em ban đầu chưa biết gì thì nay đã có thể hát thành thạo các làn điệu “Khắp cọi” của dân tộc mình. Đa số thành viên đã tự tin tham gia biểu diễn trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.

“Lúc đầu tham gia CLB em còn thấy bỡ ngỡ, ngại ngùng khi đứng trước đám đông. Nhưng đến nay thì em thấy tự tin hơn. Được mặc trên mình bộ quần áo dân tộc Tày, được hát bài hát Tày, em cảm thấy rất vui và tự hào. Em muốn học được nhiều bài hát hơn nữa để có thể dạy lại cho các em của mình”, Nguyễn Văn Bảo – học sinh lớp 3C chia sẻ.

Các thành viên CLB “Khắp cọi” nghe nghệ nhân dân gian truyền dạy.
Các thành viên CLB “Khắp cọi” nghe nghệ nhân dân gian truyền dạy.

Nơi lưu giữ nhiều nét truyền thống

Mường Lai không chỉ biết đến bởi vùng đất giàu truyền thống cách mạng khi là nơi thành lập Đội du kích Cổ Văn - Lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên ở huyện Lục Yên. Nơi đây còn được biết đến là mảnh đất mang nhiều nét đẹp truyền thống của đồng bào Tày. Những giá trị đó vẫn đang được lưu giữ và phát huy.

Ông Triệu Văn Huấn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai - cho biết: Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Tày được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân quan tâm. Chính quyền địa phương luôn chú trọng duy trì tổ chức các hoạt động lễ hội. Vừa qua, xã còn tổ chức thành công “Ngày hội bản Mường lần thứ I”. Trong khuôn khổ của ngày hội, nhân dân mang đến các gian hàng trưng bày những sản vật đặc trưng của địa phương để giới thiệu với du khách. Rất nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống như: Hát Khắp, hát Cọi…, các trò chơi dân gian đã được tổ chức.

“Rất nhiều cuộc thi đã diễn ra, đơn cử như: Gói bánh chưng gù, đan xoỏng đựng đồ, giã bánh giầy.... Các hoạt động thực sự đã tạo ra ngày hội mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc Tày. Cùng với đó, chúng tôi còn khuyến khích nhân dân tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều CLB văn hóa văn nghệ đã được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên”, ông Huấn nói.

“Sống trong cảnh sắc thiên nhiên nên thơ cùng với khả năng ngôn ngữ phong phú, “Khắp cọi” của người Tày có nội dung phong phú. Thông qua “Khắp cọi” tình yêu quê hương, đôi lứa, tình yêu cuộc sống, lao động được lan tỏa. Qua đó góp phần xua tan mệt nhọc sau thời gian lao động vất vả, tạo tinh thần hứng khởi để bà con hăng say lao động, sản xuất. Hiện nay, nhiều hội viên chi hội của chúng tôi cũng rất nhiệt tình tham gia các hoạt động này”, chị Chu Thị Sinh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Lai nói thêm.

Bao đời nay, làn điệu “Khắp cọi” vẫn vang lên trên khắp các bản làng. Đây được xem như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây. “Khắp cọi” có mặt trong “trường làng” cũng là lúc bà con yên tâm hơn khi những giá trị tốt đẹp đang từng ngày “ăn sâu, bám rễ” vào tư duy con trẻ. Để rồi, những nét đặc sắc, mang đậm chất dân tộc đang từng ngày được gìn giữ và phát huy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ