Yemen: 60% trẻ em bỏ học vì xung đột vũ trang

GD&TĐ - Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) mới đây công bố báo cáo chỉ ra hơn 60% trẻ em được khảo sát tại Yemen buộc phải bỏ học từ năm 2020 sau khi trường bị tấn công trong các cuộc xung đột vũ trang.

Yemen: 60% trẻ em bỏ học vì xung đột vũ trang

Số liệu được công bố trong Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về Tuyên bố Trường học An toàn, diễn ra từ 25 - 27/10. Mục tiêu của hội thảo nhằm bảo vệ giáo dục trong xung đột vũ trang đang tăng cao tại một số quốc gia như Yemen.

1/5 số trẻ em được khảo sát thừa nhận phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh trên đường đi học khiến cuộc sống và việc học hành gặp nguy hiểm. Những vấn đề này bao gồm bị bắt cóc, bị quấy rối bởi người lạ, bạo lực leo thang…

Tham gia khảo sát, em Omar, 8 tuổi, cho biết: “Ở trường, chúng cháu nghe thấy những tiếng nổ. Chúng cháu vội chạy vào trong lớp chờ đến khi tiếng nổ kết thúc rồi lại ra ngoài chơi. Nhưng một người bạn của cháu đã bị thương trong vụ nổ”.

Trong 5 năm qua, hơn 460 trường học tại Yemen đã bị tác động bởi con người hoặc thảm họa tự nhiên nhưng số lượng trường học chịu thiệt hại từ các cuộc xung đột vũ trang là nhiều hơn hết.

Hơn 2.500 trường đã bị hư hại hoặc được sử dụng làm nơi trú ẩn tập thể cho các gia đình di tản hoặc bị chiếm đóng bởi các nhóm vũ trang. Hơn 40% trường học đã đóng cửa hơn một năm. Điều này khiến khoảng 400 nghìn trẻ em buộc phải nghỉ học.

Khoảng 45% trẻ em cho biết bắt gặp các nhóm vũ trang trên đường đến trường hoặc trên đường đi học về. Điều này là đặc biệt lo ngại vì gần 90% trẻ em tham gia khảo sát đi bộ đến trường. Các em có thể gặp nguy hiểm trong khi di chuyển.

Chị Lamia, 30 tuổi, giáo viên tại thị trấn Taiz, một trong những khu vực có nguy cơ bạo lực cao tại Yemen, cho biết: “Tình hình ở đây rất đáng lo ngại. Các nhóm vũ trang tự tin đi lại thường xuyên và trẻ em bắt gặp họ hàng ngày”.

Theo chị Lamia, các nhóm này đã biến trường học thành mục tiêu quân sự khiến an toàn của trẻ em bị đe dọa. Họ thậm chí ăn cắp vật liệu xây dựng, trang thiết bị của trường học. Giáo viên, học sinh luôn đến trường trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi.

Ông Xavier Joubert, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, chia sẻ: “Những đứa trẻ mà chúng tôi nói chuyện đã vẽ nên một bức tranh vô cùng ảm đạm. Những mái nhà bị pháo xuyên thủng, những bức tường đổ sập và các lớp học thành đống đổ nát chính là thực tế trường học của trẻ em Yemen hiện nay. Trường học phải là nơi trú ẩn an toàn thay vì là vùng chiến tranh”.

Theo ông Xavier, chiến tranh đã làm đảo ngược lợi ích giáo dục của trẻ em Yemen trong nhiều thập kỷ. Trẻ em là tương lai của đất nước nên cần đảm bảo giáo dục dành cho trẻ em được bảo vệ.

Khảo sát của Tổ chức Cứu trẻ Trẻ em cũng chỉ ra, những đứa trẻ bỏ học vì bạo lực ít có khả năng trở lại trường hơn những người khác. Gần 75% trẻ em phải chuyển nhà do khu vực bị tấn công.

Nhiều em trong số này hiện đang sống trong các trại tập trung nên không thể tiếp tục việc học. Ngay tại những khu vực trường học không bị phá hoại, do lo sợ bị tấn công, phụ huynh cũng không cho con đến lớp.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em kêu gọi các bên tham gia xung đột ngừng tấn công nhằm vào trường học, bảo vệ trẻ em trong thời gian xảy ra xung đột vũ trang và đảm bảo quyền tiếp cận nhân đạo để trẻ em được học tập an toàn. Tổ chức cũng kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ can thiệp khẩn cấp để trẻ em Yemen có thể xây dựng tương lai của mình.

Theo Reliefweb

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.