Ý tưởng sáng tạo thân thiện với thiên nhiên

GD&TĐ - Ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên được nhiều bạn trẻ hiện thực hóa bằng những dự án cụ thể, từ tận dụng các phế phẩm để làm vật liệu trong xây dựng, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời…. phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Bộ biến đổi năng lượng mặt trời cấp cho tải một chiều của nhóm bạn Huỳnh Văn Quân
Bộ biến đổi năng lượng mặt trời cấp cho tải một chiều của nhóm bạn Huỳnh Văn Quân

Dồi dào ý tưởng về nguồn năng lượng mới

Có rất nhiều đề tài NCKH, đồ án tốt nghiệp của các bạn trẻ khai thác năng lượng gió và mặt trời - được đánh giá là hai nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng nhất, cho dù trên thực tế hiện nay nó ít được khai thác nhất cả về công suất và hiệu quả. Với công trình NCKH “Thiết kế xe năng lượng SC4” của nhóm Tạ Ngọc Thiên Bình, Huỳnh Kim Trang và Phạm Nguyên Sơn đã được Bộ GD&ĐT trao giải Nhất cuộc thi Sinh viên NCKH năm 2010. 

Nhóm có ý tưởng sản xuất xe du lịch 2 chỗ sử dụng năng lượng mặt trời, đạt tốc độ tối đa 40 - 50km/h, di chuyển phù hợp trong nội thành và các khu du lịch. Thời điểm đó, nếu hoàn thiện mẫu mã theo đúng yêu cầu, giá thành của mỗi chiếc xe khoảng 60 triệu đồng.

Với đề tài tốt nghiệp Thiết kế lắp ráp bộ biến đổi năng lượng mặt trời cấp cho tải một chiều, nhóm SV Huỳnh Văn Quân, Nguyễn Khắc Trường Tân và Ngô Văn Dương, lớp 09D1 và 09D3, khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã thiết kế bộ nạp ắc quy dùng năng lượng mặt trời để thắp sáng đèn đường. 

Cụ thể, với bộ nạp ắc quy (12V) cấp cho tải một chiều công suất 40W, khi năng lượng mặt trời chiếu qua những tấm pin mặt trời, được nạp liên tục cho ắc quy. Nhóm đã dùng phương pháp xạc mới pic - là chip vi xử lý, tối ưu hơn cách xạc hiện nay cho bộ xạc này. Nguồn năng lượng này đủ để đèn đường chiếu sáng liên tục trong 5 giờ. Theo bạn Huỳnh Văn Quân, nếu các gia đình muốn sử dụng nguồn năng lượng vô tận này để thắp sáng và dùng cho các thiết bị điện khác thì phải chuyển đổi sang dòng điện xoay chiều. 

Cho dù những ý tưởng, sáng tạo liên quan đến ứng dụng nguồn năng lượng sạch vô cùng phong phú và dồi dào nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở ý tưởng hoặc rất hạn chế trong ứng dụng. 

Ngay tại Trường ĐH Bách khoa, dù sở hữu một trạm phát điện năng lượng mặt trời với 56 tấm pin mặt trời với công suất cực đại của mỗi tấm là 120W và cho điện áp đầu ra là 6,7kW nhưng cũng chỉ được sử dụng cho 5 bóng đèn cao áp chiếu sáng vào ban đêm ở khu vực xung quanh trạm phát điện. Nguyên nhân của tình trạng này được giải thích là do giá thành những thiết bị để biến đổi năng lượng mặt trời thành nguồn năng lượng có thể sử dụng được khá đắt, nên ít doanh nghiệp cũng như hộ gia đình đầu tư.

Câu chuyện vật liệu tái chế

Từ ý tưởng tận dụng những nguyên liệu bỏ đi vốn là các phế thải nông nghiệp như xơ dừa, rơm rạ, bã mía… để làm tấm panel cách nhiệt hoàn toàn từ thiên nhiên, đề tài “Sản xuất tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp” đã xuất sắc vượt qua 160 đề tài dự thi của 7 trường đại học dự thi để giành giải Bảo vệ môi trường Cuộc thi về phát triển bền vững “Holcim Prize 2013”. Nhóm SV khoa Nhiệt lạnh Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng gồm Đoàn Nguyễn Vân Hiếu, Trương Thế Minh, Tạ Bảo Long cho biết: “Một số nơi người nông dân sử dụng các phế thải nông nghiệp để làm chất đốt nhưng không hiệu quả, hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng, thậm chí ở một số nơi chúng không được sử dụng rất lãng phí.

Trong khi đây là nguồn nguyên liệu rất rẻ tiền để có thể tận dụng sản xuất thành tấm panel cách nhiệt trên trần nhà. Vấn đề còn lại là tìm chất keo để kết dính các phế phẩm này lại với nhau”. Cách sản xuất tấm panel từ phế phẩm nông nghiệp cũng khá đơn giản: Rơm rạ, xơ dừa và bã mía, vỏ trấu... được trộn với nhau bằng chất keo kết dính, sau đó, cho vào máy ép thành tấm và đem phơi khô. Sản phẩm tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp có nhiều ưu điểm như chống cháy, chống mối mọt, tạo xốp không khí trong tấm cách nhiệt và giá thành không cao.

Theo tính toán của nhóm, với ưu điểm tận dụng nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp sẵn có, nên đơn giá của 1m2 panel thành phẩm (dày 20 mm) có giá thành chỉ khoảng 175.000 VNĐ, rẻ gần 1/2 so với 1m2 trần thạch cao và trần nhôm. Điều đặc biệt là sản phẩm tấm panel cách nhiệt không chỉ hạn chế việc thải và đốt bừa bãi các phế phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập của người nông dân khi được sản xuất rộng rãi. Cho dù ý tưởng này được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, thậm chí có một số doanh nghiệp muốn dùng sản phẩm này để chống nóng cho nhà xưởng của họ nhưng hiện vẫn chưa được sản xuất rộng rãi do hạn chế về khả năng đầu tư sản xuất của nhóm.      

Ông Trần Quang Thông, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách khoa miền Trung (Đà Nẵng) có một lưu ý rằng, để doanh nghiệp cùng vào cuộc trong việc triển khai ứng dụng rộng rãi sản phẩm tiết kiệm năng lượng thì buộc sản phẩm đó phải đảm bảo những tính năng về mẫu mã, giá thành, kiểu dáng công nghiệp và công năng sử dụng… Đây là điều mà các sinh viên cũng cần lưu ý trong sáng chế để tránh lãng phí nguồn chất xám.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.