Ý kiến trái chiều về phương án nghỉ Tết dài ngày

Phương án thứ nhất - nghỉ 9 ngày được chọn nhiều nhất, nhưng một số người đề xuất áp dụng “công thức” nghỉ của phương án thứ hai.

Ý kiến trái chiều về phương án nghỉ Tết dài ngày
Theo tờ trình về việc nghỉ Tết Nguyên đán và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2015 với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1, nghỉ 9 ngày (từ 15/2 - 23/2/2015) và phương án 2, nghỉ 7 ngày (từ 18/2 - 24/2/2015).

Với mong muốn có một kỳ nghỉ dài để sum họp gia đình, gặp mặt người thân, phương án nghỉ 9 ngày được độc giả lựa chọn với tỷ lệ gần như tuyệt đối 93,35 %.

Tuy nhiên, do phương án thứ nhất nghỉ trước Tết Nguyên đán quá nhiều (từ 27 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Mùi) so với phương án 2, nghỉ dài ngày sau Tết (từ 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến hết mùng 6 tháng Giêng năm Ất Mùi), nhiều người cho rằng nên hòa trộn cả hai phương án: Nghỉ 9 ngày và thời gian nghỉ sau Tết Nguyên đán nhiều hơn.

Độc giả Dương Hoài Nam lựa chọn phương án thứ nhất nhưng lại ủng hộ việc hoán đổi nghỉ của phương án 2. "Nghỉ nhiều ngày sau Tết sẽ tạo khoảng thời gian dài dễ chịu, kích thích người dân đi du lịch và tham gia các hoạt động lễ hội, du xuân".

Anh Nam phân tích thêm, nếu chọn cách tính nghỉ của phương án 1 thì kế hoạch của mỗi người sẽ khó hơn khi phần lớn việc thăm hỏi gia đình, du xuân thường vào đầu năm. 

Bên cạnh đó, các công ty du lịch sẽ “khóc ròng” vì ngày nghỉ sau Tết quá ít, nhiều gia đình sẽ phải cân nhắc việc đi du lịch, nhất là các tour quốc tế do thời gian ngắn.

“Gia đình tôi thường ăn tất niên, đón năm mới ở Hà Nội với gia đình nội, sau đó mùng 2 Tết di chuyển vào Đà Nẵng chúc mừng bố mẹ vợ. Tôi chỉ mong được nghỉ sau Tết dài ngày để vui chơi. 

Nghỉ trước Tết nhiều cũng tốt, có thời gian mua sắm, song thực tế việc chuẩn bị bây giờ đơn giản hơn và đồ thường có sẵn" độc giả Nhã Nam ủng hộ phương án nghỉ 9 ngày nhưng thời gian nghỉ sau Tết nhiều hơn.

Đưa ra khái niệm “chơi Tết”, độc giả Thành Nam phân tích, Tết thực sự chỉ sau mùng 1 vì trước đó mọi người ngược - xuôi lo Tết. Thời gian sau Tết, ai cũng thảnh thơi thăm họ hàng có ý nghĩa hơn nhân đầu năm mới, hay đi du xuân, tới các điểm vui chơi cũng hồ hởi. “Tết lúc đó mới thực sự Tết. Nghỉ thêm một ngày là rất quý”.

Dẫu vậy, với những người đi làm ăn xa thì phương án 1 được ủng hộ hoàn toàn. Bạn đọc Be Optimistic cho hay, việc nghỉ trước Tết nhiều ngày là vui nhất, bởi mọi người đón Tết là đón không khí nô nức của việc dọn dẹp nhà cửa, mua sắm quần áo mới cho bản thân, con cháu, trang trí nhà cửa, cùng nhau tận hưởng cảm giác ấm cúng của bữa cơm đoàn viên gia đình… Mùng 1, 2 và 3 sẽ nghỉ ngơi hoàn toàn để chuẩn bị tinh thần cho mùng 4, 5 bắt đầu công việc của năm mới là rất hợp lý.

Trong khi đó, theo quan điểm của bạn Nguyên Trường, nghỉ dài ngày hay ngắn ngày đều có ưu và nhược điểm riêng. Nếu nghỉ trước Tết dài, những người làm công ăn lương xa quê có đủ thời gian để sắp xếp về nhà sum họp, hạn chế ùn tắc giao thông dịp Tết, tránh tình trạng o ép giá xe của các hãng vận tải.

“Những người xa quê phải chấp nhận nghỉ sau Tết ngắn ngày vì mọi năm vẫn vậy. Tôi thấy việc sum họp gia đình 3 ngày là đủ”, một bạn đọc góp ý. Hơn nữa, nghỉ sau Tết ít ngày sẽ hạn chế được việc uống bia rượu, tai nạn giao thông, sức ì của người lao động khi trở lại làm việc, ảnh hưởng tiến độ công việc của các công ty có đơn hàng dịp Tết.

Theo afamily.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

GD&TĐ - Giá vàng trong nước hôm nay (27/11), tiếp tục giảm 1,4 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng nhẫn giảm; Vàng thế giới nhích nhẹ so với phiên trước.