(GD&TĐ) - Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) luôn đòi hỏi rất cao từ phía người thầy. Không đơn giản chỉ là truyền đạt tri thức, người thầy phải là người truyền lửa, thổi vào mỗi học sinh niềm đam mê cháy bỏng, sự khát khao chinh phục – chia sẻ từ những người thầy đã có thương hiệu với hàng loạt thành tích đỉnh cao.
->> “Gà nòi” trường không chuyên ->> Băn khoăn hậu đỉnh caoThầy Trần Văn Nga – Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An):
Để làm tốt công tác bồi dưỡng HSG, trước hết phải tuyển chọn được những HS có năng khiếu môn chuyên cũng như lòng đam mê khoa học. Với giáo viên, giảng dạy môn chuyên theo tài liệu nâng cao có bổ sung các chuyên đề theo yêu cầu kiến thức trong các kỳ thi HSG hoặc theo tài liệu chuyên. Cần dạy thật kỹ các kiến thức ở SGK và tốc độ dạy vừa phải. Tránh tình trạng nghĩ HS đã giỏi nên chỉ cần dạy thật nhanh và tập trung vào bài tập khó. Làm như vậy, chỉ một phần nhỏ HS tốp đầu nắm được, còn phần lớn học sinh sẽ mất gốc và đương nhiên không đạt kết quả tốt ở các kỳ thi.
Cần tăng cường kiểm tra lý thuyết và bài tập SGK cũng như các bài nâng cao để biết HS có nắm được kiến thức và vận dụng ra sao. Điểm kiểm tra, hỏi bài cần đánh giá chính xác mới tạo ra động lực để HS phấn đấu. Đề kiểm tra nên có phần cơ bản và phần nâng cao tương đương các đề thi HSG, trong đó phần nâng cao có thể chỉ cho 2 đến 3 điểm. Tránh tình trạng giáo viên (GV) cho điểm quá cao, không phân loại được trình độ học sinh, khiến động lực học của HS bị giảm sút. Các HS có điểm môn chuyên tốt cần được tôn vinh và thưởng học bổng ở mức cao.
Bên cạnh đó, có thể giới thiệu và phô tô các tài liệu hay để HS tự học ở nhà. Việc định hướng các nội dung HS tự soạn và tự học là vô cùng quan trọng. Trong mỗi chuyên đề, GV cần hướng dẫn HS nghiên cứu thêm tài liệu như các chuyên đề thi ĐH, các chuyên đề bồi dưỡng HSG, các giáo trình đại cương…để HS giải các bài hay và khó từ đó soạn vào vở. GV nên đôn đốc, kiểm tra HS soạn thêm lý thuyết cũng như bài tập và cập nhật các đề thi từ mạng internet, các tạp chí chuyên ngành...
Đồng thời, tạo ra phong trào thi đua giải bài trên các tạp chí chuyên ngành cũng có tác động tích cực; qua đó, HS sẽ nâng cao kiến thức và giao lưu với HS ở các trường chuyên, tạo ra sân chơi trí tuệ bổ ích. Cuối kỳ GV nên căn cứ số lượng bài HS giải để trích từ các nguồn quỹ tặng phần thưởng và tôn vinh HS có nhiều đóng góp cho lĩnh vực này. GV có thể tổ chức các kỳ thi Olympic chuyên hàng tháng hoặc quý ở trong lớp rồi suy tôn những HS đạt kết quả xuất sắc nhất...
Giờ tin học tạiTrường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) |
Thầy Phạm Văn Quốc – Tổ trưởng bộ môn Toán Trường THPT chuyên ĐH KHTN (ĐHQG HN):
Phát hiện và bồi dưỡng các học sinh giỏi là một trong những nhiệm vụ có tầm quan trọng trong các trường chuyên. Công tác này luôn được chú trọng đối với chúng tôi. Sau khi nhập học một thời gian, các học sinh giỏi thành lập đội dự tuyển để được bồi dưỡng liên tục. Trong quá trình học, học sinh luôn được kiểm tra, đánh giá qua các bài kiểm tra và qua kết quả từ các kỳ thi học sinh giỏi. Cùng với nhận xét của từng giáo viên giảng dạy, chúng tôi có thể biết khá rõ trình độ của từng em, các học sinh xuất sắc sẽ có các cơ hội bồi dưỡng thêm.
Đội ngũ giảng dạy là các giáo viên giàu tâm huyết, có năng lực chuyên môn giỏi, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn truyền nhiều kinh nghiệm và cả niềm say mê cho học sinh. Trong quá trình giảng dạy các thầy cung cấp các tài liệu liên quan giúp các em tự học, tự nghiên cứu, khi cần sẽ có sự hỗ trợ của giáo viên.
Nhìn chung, sau quá trình bồi dưỡng, ngoài các kiến thức ở bậc THPT, kiến thức chuyên môn thu được, các em còn có được những phẩm chất quý khác: năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề, khả năng tự học tự nghiên cứu, khả năng đọc các tài liệu nước ngoài, đam mê lao động, ý thức trách nhiệm, tính kỷ luật … Đó là những kỹ năng sẽ giúp ích cho các em nhiều ở cuộc sống sau này.
Sau khi ra trường, với năng lực đã có này cùng với đam mê bản thân, nhu cầu và thực tế của xã hội, các em sẽ có nhiều cơ hội tốt để lựa chọn trường đại học trong và ngoài nước sao cho phù hợp. Thực tế cho thấy, đa phần học trò chuyên trường chúng tôi thành công ở lĩnh vực họ lựa chọn và đã có những nhà khoa học đỉnh cao, nhà lãnh đạo cao cấp (cả lĩnh vực giáo dục và kinh doanh).
Cô Chu Thị Thanh Hiền - Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Sử, Giáo dục công dân Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội):
Đào tạo được những học sinh giỏi, có niềm say mê với môn học có lẽ là mong ước của tất cả những ai làm nghề dạy học. Để làm được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của học sinh, sự quan tâm động viên của gia đình, vai trò của người thầy là hết sức quan trọng. Qua thực tế giảng dạy nhiều năm ở trường THCS, tôi đã rút ra cho mình một vài kinh nghiệm trong việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn.
Học sinh giỏi Văn là những học sinh có niềm say mê, yêu thích văn học, có vốn tri thức phong phú, có khả năng cảm thụ và thẩm thấu văn chương, có khả năng sáng tạo. Vì vậy, để phát hiện được những học sinh có tố chất, tôi thường tìm hiểu qua điểm tổng kết, tham khảo ý kiến giáo viên trực tiếp giảng dạy, qua các giờ dạy, đối thoại văn học và qua các bài kiểm tra.
Với công tác bồi dưỡng, cần có kế hoạch cụ thể và có sự đầu tư về thời gian. Điều quan trọng là phải khơi dậy được niềm đam mê ở các em. Đây là một việc làm không dễ.
Trước hết, cần giúp các em hiểu và nhớ những kiến thức cơ bản, trọng tâm trong chương trình bởi không có kiến thức, kĩ năng cơ bản sẽ không có chuyên sâu; tổ chức đối thoại đa chiều để tạo hứng thú cho học sinh; khuyến khích học sinh trình bày những suy nghĩ, phát hiện độc đáo bằng những so sánh, đối chiếu cũng như đọc thêm các tác phẩm có nội dung liên quan hoặc những bài viết có giá trị.
Cùng với đó, cho học sinh làm quen với nhiều dạng đề để rèn khả năng phân tích và nhận diện, định hướng cho bài viết. GV cần chấm chữa bài cẩn thận để chỉ ra điểm mạnh, yếu cơ bản của mỗi học sinh; có hình thức động viên với những bài viết tốt, có những đột phá trong ý tưởng và cách thể hiện. Điều cuối cùng rất quan trọng, là người "truyền lửa", người thầy phải giữ vững ngọn lửa nhiệt tình và đam mê văn học, không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người.
Đan Thảo (ghi)