Xuyên thủng pháo đài

GD&TĐ - Tính đến ngày 15/5, Triều Tiên ghi nhận hơn 290.000 trường hợp có triệu chứng “sốt” và 15 ca tử vong trong đợt bùng phát dịch đầu tiên sau 2 năm với tốc độ lây lan nhanh chóng.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Được ví như “pháo đài” phòng chống Covid-19, Triều Tiên đang lâm vào tình cảnh xáo trộn lớn nhất kể từ khi thành lập đất nước.

Từ tháng 1/2020, Triều Tiên đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19. Nước này thậm chí từ chối tham dự Thế vận hội Tokyo 2021 và Thế vận hội Bắc Kinh 2022 để ngăn virus Covid-19 xâm nhập vào đất nước. Kiên trì với biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, Triều Tiên được ví như “pháo đài” chống Covid-19 khi chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào, bất chấp quốc gia láng giềng Hàn Quốc nhiều lần rơi vào tình huống nguy hiểm.

Tuy nhiên, sau hai năm, pháo đài đã bị Omicron xuyên thủng. Đến nay, chính quyền Bình Nhưỡng chưa công bố nguyên nhân dịch bùng phát nhưng đã phong tỏa toàn bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước từ ngày 12/5 để phòng dịch.

Theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 8/5 khi giới chức y tế xét nghiệm các thành viên một tổ chức tại Bình Nhưỡng do họ xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau họng. Những người này được xác nhận nhiễm biến chủng Omicron BA.2.

Triều Tiên đang tập trung tập huấn tuyên truyền về dịch bệnh cùng các biện pháp phòng chống dịch cho đội ngũ tuyên truyền viên trên toàn quốc. Bên cạnh đó, nước này tăng cường cung cấp thuốc điều trị khẩn cấp, y bác sĩ hỗ trợ các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại số ca nhiễm Covid-19 tại Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe có thể bị quá tải. Ngành y tế cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị xét nghiệm, trang thiết bị đối phó với bệnh truyền nhiễm, từ đó gây “thảm họa” trên toàn quốc.

Dù sở hữu số lượng bác sĩ vững tay nghề, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Triều Tiên thường xuyên thiếu nguồn nhân lực. Theo Chỉ số An ninh Y tế toàn cầu vào tháng 12/2021, Triều Tiên xếp hạng cuối cùng về khả năng ứng phó nhanh chóng và giảm thiểu lây lan của dịch Covid-19.

Hiện nay, nguy cơ dịch lan rộng ở Triều Tiên lớn hơn hầu hết các quốc gia khác vì người dân nước này chưa được tiêm chủng. Để kiểm soát tình hình, chính quyền Bình Nhưỡng có thể sẽ phải áp đặt lệnh phong tỏa gần như tuyệt đối.

Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa sẽ tác động lớn tới nền kinh tế Triều Tiên vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Điều này có thể cũng ảnh hưởng tới kế hoạch tái khởi động các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Giới chuyên gia cũng bày tỏ nghi ngại liệu Triều Tiên có chấp nhận viện trợ nhân đạo vì dịch Covid-19 từ các quốc gia, tổ chức y tế thế giới hay không.

Ông Kim trước đó đã ca ngợi phản ứng của Trung Quốc trước đại dịch và đề nghị các quan chức Bình Nhưỡng rút kinh nghiệm. Điều này có thể thấy, Triều Tiên sẵn sàng nhận sự trợ giúp từ Trung Quốc. Nhưng Triều Tiên đã từ chối đề nghị cung cấp vắc-xin từ Trung Quốc và chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới.

“Thời gian tới, Triều Tiên có thể sẽ cần sự hỗ trợ quốc tế để vượt qua khủng hoảng Covid-19. Nếu sự trợ giúp của Trung Quốc là chưa đủ, Triều Tiên sẽ phải nhờ đến các tổ chức quốc tế”, ông Cheong Seong-jang, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong, Hàn Quốc, bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ