Theo nhiều chuyên gia ngôn ngữ học, xưng hô là một phần quan trọng trong giao tiếp hàng ngày của mỗi cá nhân.
Loạn xưng hô ở trẻ
Diễn đàn làm cha làm mẹ trên mạng xã hội bàn luận về cách xưng hô của nhiều con trẻ.
Nickname Thu Hằng Nguyễn bày tỏ: “Các đại từ nhân xưng thường gặp như ông, bà, cha, mẹ, con cái… được trẻ vận dụng một cách vô tư, như thể chuyện đó quá đỗi bình thường. Chẳng hạn như “trả đồ chơi lại cho con đi ba”, “thôi đi bố/mẹ”, “các ông, các bà nghe con nói đây”…”.
Một phụ huynh khác cho hay khi đưa con đi học, chị vô tình bắt gặp cách con xưng hô với bạn không giống như cách gọi truyền thống “cậu - tớ”. Chị thật sự thất vọng khi chính tai nghe con gái mình quay xuống bàn dưới nói với một bạn trai “cho tôi mượn quyển sách đi ông nội!”.
Chị chia sẻ: “Từ lúc có mặt ở lớp học đến lúc ra về, tôi hình như không nghe tiếng xưng hô của con một cách tôn trọng và lịch sự. Con gái tôi ở nhà rất lễ phép, ngoan ngoãn, bé xưng hô với các bạn lối xóm rất đúng mực. Với các anh chị lớn, bé xưng em, gọi anh/chị, đồng trang lứa thì gọi bạn xưng tôi, với các em nhỏ thì gọi bằng em”.
Buổi chiều đón con đi học về, chị hỏi tại sao con lại có thể sử dụng cách xưng hô như thế với chúng bạn, con gái thẹn thùng đáp “bạn bè ai cũng nói như thế cả, con thấy vui nên chỉ nói với các bạn ở trường thôi”. Bé nghĩ rằng, chỉ nói ở lớp, nói cho vui, chắc là không sao. Bé hoàn toàn chưa hiểu việc “gieo thói quen, gặt nhân cách”. Dạng ngôn ngữ “rác” ấy, sử dụng như một thói quen, sẽ gặm nhấm dần nhân cách trẻ.
Nhiều bạn trẻ còn gọi nhau bằng những biệt danh rất khó nghe và không ngại gọi nhau bằng những biệt danh đó mọi nơi, mọi lúc ví như Tâm “chó”, Hương “cave”… hoặc những cái tên được đính kèm thêm một từ để khi nói lái sẽ mang ý nghĩa bậy bạ.
Nói về cách xưng hô được cho là “không đúng mực” của con trẻ ngày nay, phụ huynh khác trên diễn đàn cho rằng: “Xưng hô cũng là cách thể hiện văn hóa giao tiếp. Vì thế, ngay từ nhỏ, trẻ phải được thầy cô, bố mẹ giúp xác định đúng mối quan hệ để trẻ có cách xưng hô phù hợp.
Ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú, thầy cô cần giúp trẻ xác định rõ nghĩa của câu, từ; chúng được sử dụng trong những trường hợp nào là hợp lý và lịch sự, vừa có thể phát huy ý nghĩa của câu, từ một cách tối ưu nhất.
Rõ ràng, trong trường hợp trên, các bé đã dùng lối xưng hô không phù hợp, dù chỉ là cách xưng hô cho… vui. Bạn bè là bạn bè, làm sao có thể chuyển đổi mối quan hệ, chuyển đổi tình cảm từ bạn sang ông/bà nội, sang cha/mẹ được, điều đó còn gây một sự hiểu lầm tai hại”.
Cô Lê Thùy Dương, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) lưu ý: “Thói quen xấu trong cách xưng hô của trẻ cần được uốn nắn kịp thời. Không nên nghĩ rằng lối xưng hô vô thức ấy sẽ được loại bỏ khi trẻ lớn dần. Phụ huynh và thầy cô cần có sự kiên trì để giúp trẻ hiểu xưng hô như thế là không nên. Khi các bé đối thoại với nhau bằng lối xưng hô bừa bãi quen miệng ở lớp, về nhà bé có thể áp dụng với bạn bè, người thân là điều khó tránh khỏi”.
Trao quyền cho con trong xưng hô gia đình?
Bây giờ đến chơi nhiều gia đình, không khó gặp các bạn nhỏ mang tên gọi ở nhà chẳng khác nào Tây như Bin, Bob, Ken… Nhiều gia đình không chỉ đặt nickname cho con mà ngay cả bố mẹ, ông bà cũng có tên riêng khi ở nhà để xưng hô với nhau.
Kèm theo đó, nhiều cha mẹ cũng trao quyền cho con được tự chọn cách xưng hô với các thành viên trong nhà. Ví dụ như “Con thích gọi cha là “Bố” hay “Ba” đều được”. Hoặc nếu không, con có thể gọi hẳn tên của cha mẹ, ông bà khi xưng hô như “bố Nam”, “ông Tuấn”… thay vì gọi là “bố”, “ông nội”, “ông ngoại”…
Nhiều cha mẹ, ông bà cho hay, lâu dần họ chuyển từ ngạc nhiên, nghi ngại sang thích thú. Mỗi lần nghe con cất giọng trong vắt gọi “Bố Nam ơi, cho Ốc ăn kem được không?” hay “Ông Tuấn ơi, cho Bob đi sang nhà Kem chơi được không?”… thì cha mẹ lại thấy có điều gì đó vô cùng mới mẻ, đáng yêu.
Họ cũng nhận thấy, áp dụng cách xưng hô không theo kiểu truyền thống này dường như giúp các bé có phần tự lập hơn. Đôi khi các bé coi cha mẹ, ông bà như những người bạn và tâm sự những điều mà trước đây con không dám nói.
Anh Nguyễn Huy Hoàng (cán bộ Ngân hàng Agribank) cho hay, với cách xưng hô truyền thống, khi sinh ra, trẻ con đã được dạy gọi những người thân lớn tuổi là ông bà, cha mẹ, anh chị. Khi gặp người lạ cũng phải xưng hô sao cho phải phép. Chính những cách xưng hô như vậy vô hình trung tạo ra sự phân chia thứ bậc. Người ít tuổi hơn thì bị coi là bậc dưới, phải nghe lời người nhiều tuổi hơn. Cách xưng hô phức tạp này khiến trẻ con thiếu tự tin, rụt rè, sợ sệt khi muốn bày tỏ suy nghĩ cá nhân của mình.
Ngược lại, với cách xưng hô sáng tạo, không phân chia thứ bậc như cậu tớ, bạn mình, thân mật gọi cha mẹ là Mami, Daddy… sẽ khiến cho mọi đứa trẻ đều cảm thấy bình đẳng ngay cả với cha mẹ chúng. Trẻ em được coi là những thành viên khác trong gia đình, có chăng là nhỏ tuổi hơn và được ưu ái hơn trong một số công việc nhất định.
Từ đó, trẻ ý thức được rằng, mình hoàn toàn có quyền được bày tỏ ý kiến, thể hiện sở thích cá nhân và được người khác tôn trọng, lắng nghe. Cách xưng hô gần gũi, thân mật giữa các thành viên gia đình cũng khiến các bé thêm tự tin, thoải mái khi đặt câu hỏi cho cha mẹ nhằm thỏa mãn trí tò mò khám phá thế giới trong độ tuổi này. Điều đó sẽ giúp trẻ phát triển đầy đủ về trí tuệ bởi trẻ con càng hỏi nhiều thì càng thông minh.
Anh Hoàng chia sẻ thêm, cách xưng hô mới không theo kiểu truyền thống còn giúp xóa nhòa khoảng cách giữa cha mẹ, con cái và khiến mối quan hệ này bớt bị ràng buộc bởi nhiều nguyên tắc đạo đức. Bố mẹ hoàn toàn có thể làm bạn với con thông qua cách xưng hô hàng ngày đầy sáng tạo như vậy.
Cha mẹ cần làm gương
Xưng hô cũng là một cách thể hiện tình cảm của bố mẹ với con cái, theo đó có những phụ huynh xưng hô với con rất tình cảm, ngọt ngào. Nhưng cũng có người gọi con là “mày – tao”.
Theo cô Lê Thùy Dương, xưng hô thực ra không chỉ đơn giản là một ngôi xưng, mà đằng sau đó là cả tình cảm, sự trìu mến của cha mẹ dành cho con. Bên cạnh đó, việc xưng hô mẹ - con, hay cha - con còn là văn hóa giao tiếp trong gia đình.
Trong khi đó, mày - tao là cặp ngôn xưng hay được dùng nhiều hơn cho những đối tượng ngang hàng, không phù hợp dành cho vai trên, vai dưới và ngược lại. Do đó, khi con được sử dụng đúng ngôi xưng của mình, con sẽ học được cách sử dụng ngôi xưng có văn hóa, đồng thời hiểu được vị trí của mình trong mối quan hệ đó ra sao.
Khi người lớn trong gia đình xưng hô với con là mày - tao, phần lớn trẻ sẽ không hề thích cách xưng hô này. Hơn nữa, con sẽ cảm thấy buồn khi cha mẹ bỗng gọi mình bằng cái cách nghe xa lạ, thiếu gần gũi. Lúc này con sẽ thấy hụt hẫng, và cảm nhận dường như cha mẹ không dành tình cảm cho mình.
Ngoài ra, trẻ sẽ nhận thấy bản thân mình không được bố mẹ tôn trọng. Lâu dần, con sẽ xem vấn đề xưng hô này của cha mẹ là bình thường, kéo theo việc trẻ bắt chước cách xưng hô này với những người xung quanh.
“Cách chúng ta xưng hô với con ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức cũng như sự phát triển của trẻ. Xét về mặt tình cảm, khi xưng với con là mày - tao, con sẽ cảm nhận có một khoảng cách với cha mẹ. Về mặt văn hóa, đại từ nhân xưng mày tao thực chất không được khuyến khích sử dụng, đặc biệt là trong mối quan hệ gia đình. Cho nên, khi thường xuyên nghe cách xưng hô này trẻ sẽ xem đây là điều hết sức bình thường, và nghiễm nhiên sử dụng, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp của con với những người xung quanh”, cô Dương bày tỏ.
Cô giáo này cũng cho biết thêm, chúng ta luôn yêu cầu con phải chuẩn mực, nhưng chính bản thân lại xưng hô sai, vì vậy trẻ sẽ xuất hiện tư tưởng rằng, bố mẹ dạy là một chuyện còn không nhất thiết phải nghe theo. Theo đó, trong những tình huống khác bố mẹ giáo dục con chưa chắc đã hiệu quả, và chưa chắc con đã tiếp nhận lời bố mẹ.
Trong gia đình, không nên xuất hiện cặp đại từ nhân xưng mày - tao, hơn nữa, mỗi gia đình nên có những quy tắc chuẩn mực trong quy định xưng hô, tránh tình trạng xưng hô như bằng vai phải lứa, phá vỡ trật tự trong gia đình. Điều đó không chỉ tạo nên sợi dây gắn kết với con, thể hiện tình cảm, mà còn là văn hóa chúng ta trao cho con.
Trong trường hợp không thể kìm nén sự nóng giận, hãy lựa chọn cách gọi đích danh tên con. Lúc ấy, trẻ sẽ dễ dàng nhận ra, cách gọi này khác với mọi ngày, cảm xúc của mẹ cũng không bình thường nên sẽ tự biết cách điều chỉnh hành vi.
Bố mẹ là tấm gương phản chiếu để con cái noi theo và học tập, do đó mọi hành vi ứng xử của cha mẹ nên có cách xưng hô chuẩn mực. Khi đó, trẻ chắc chắn sẽ có văn hóa giao tiếp, ứng xử hay.
“Trong trường hợp, nếu lỡ vô tình xưng hô mày - tao với con, khiến con đặt ra câu hỏi “Tại sao cha/mẹ lại xưng hô như thế”, tốt nhất nên bình tĩnh lại, thừa nhận chuyện xưng hô như thế không phù hợp, tiếp đến nên trò chuyện với con bắt đầu bằng câu xin lỗi”, cô Dương lưu ý.