Xúc động với những gia đình hiếu học

Xúc động với những gia đình hiếu học

(GD&TĐ) - UBND TPHCM vừa tổ chức “Đại hội tuyên dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và khu dân cư khuyến học TPHCM lần thứ V (2011 -2013)” với sự tham gia của 214 gia đình hiếu học (GĐHH) đại diện cho 210.270 GĐHH trên toàn thành phố. Phóng viên báo GD&TĐ ghi nhận một số tấm gương sáng về chăm sóc, nuôi dạy con cháu thành con ngoan, trò giỏi, thành đạt và cũng không ngừng phấn đấu học tập suốt đời…

Giao lưu các gia đình hiếu học tiêu biểu
Giao lưu các gia đình hiếu học tiêu biểu

Chạy xe ôm nuôi con học thành tài

Trường hợp xúc động nhất, gây được sự chú ý nhiều nhất trong đại hội là gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng (khu phố 4, phường Bến Thành, quận 1) đã có những lúc ăn cháo trắng, thậm chí từng nhờ cậy gia đình bán đất hương hỏa để nuôi bốn người con ăn học, và bây giờ bốn người con của bà đã không phụ lòng mẹ, người thì ra trường, người thì tiếp tục vào đại học...

Chị Hồng vừa gạt nước mắt vừa kể: Chồng chị lại bị bệnh mất sớm khi con đứa đầu lòng mới 10 tuổi và con trai út được 2 tuổi, gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chị vừa phải chăm sóc 4 đứa con còn nhỏ dại, vừa phải làm đủ mọi nghề để tạo thu nhập có tiền nuôi con ăn học. Không có nghề nghiệp ổn định, chị đành chạy xe ôm vừa tăng thêm thu nhập vừa tạo điều kiện đưa đón các con đến trường. Hằng ngày, chị thức giấc lúc 3 giờ sáng chở mối gạo, 6 giờ 30 về chở con đi học, 5 mẹ con sống nhờ chiếc xe hon đa cà tàng. Cứ thế chị trở thành nữ xe ôm chuyên nghiệp 15 năm nay. Chị Hồng vừa phải chăm lo việc nội trợ, vừa phải làm thêm bất cứ việc gì ở nhà để có thêm một số ít thực phẩm, một ít tiền trợ nuôi con. Có lúc, chị bán xôi, tàu hủ dọc ở các cổng trường gần nhà, lại có lúc chị bán cháo ở lề đường...

Những lúc ấy, các con chị cùng lao động với mẹ. Cảm nhận được sự vất vả của ba, mẹ nên những đứa con của gia đình này đều cố gắng học tốt, cho dù cái ăn, cái mặc chưa đầy đủ. "Những lúc không đủ gạo nấu cơm, tôi ứa nước mắt khi nhìn chúng ăn một cách ngon lành cháo trắng với rất nhiều rau muống. Tôi phải lao động cật lực, lại thường xuyên nhường cái ăn cho các con nên người gầy xọp và mỗi người mang một chứng bệnh đeo đẳng đến bây giờ, tôi thường xuyên bị chứng đau bao tử hành hạ..." – chị Hồng kể tiếp. Dù khó khăn là vậy, nhưng chị vẫn không quên giáo dục con cái những điều hay, lẽ phải. Đối với việc học, chị vẫn thường căn dặn các con: “Ba, mẹ nghèo chẳng có gia tài chi. Gia tài cho các con là cái chữ. Các con phải tự giữ lấy”. Ý thức được điều đó, các con chị cố gắng rất nhiều. Sách giáo khoa, áo quần đi học, chúng đều dùng lại của người khác.

Chị Hồng cho biết: "Các con tôi không bỏ học, cố gắng học tốt bằng nghị lực, bằng sự động viên của gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè, tổ chức xã hội… Nhờ chính sách Xóa đói giảm nghèo, các con tôi được miễn, giảm học phí trong suốt các năm học phổ thông. Hơn thế nữa, chúng còn được các cô trong Hội Liên hiệp Phụ nữ phường xét tặng học bổng Nguyễn Thị Minh Khai trong nhiều năm liền..”. Cho dù khó khăn vẫn còn rất nhiều, nhưng chị Hồng vẫn rất vui vì con cái vẫn tiếp tục đi học và có những quyết định đúng đắn cho con đường học tập của mình. Ba đứa lớn sau khi tốt nghiệp THPT đã bỏ đi những ước mơ riêng để lần lượt bước vào cổng trường ĐH Mỹ thuật TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, CĐ Sư phạm - nơi mà sinh viên không phải quan tâm đến vấn đề học phí. Cậu con út đang tiếp bước anh chị khi hiện là học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi.

Âm thầm làm công tác khuyến học

Gia đình bà Lâm Thị Lang (phường 7, quận 11) cũng là một gương điển hình về gia đình hiếu học. Làm người mẹ đơn thân, không nghề nghiệp để nuôi 2 con ăn học thành tài không hề dễ dàng. Cuộc sống với những lo toan vì miếng cơm manh áo, vì những nhu cầu thiết thực hằng ngày, nhiều lúc làm cho bà thực sự mệt mỏi muốn buông tay mặc cho số phận, nhưng rồi nghĩ đến các con đang tuổi ăn tuổi học, bà lại tiếp tục. Hằng ngày, bà nhận lãnh gia công dán phong bì với thu nhập 1,5 triệu/tháng, bên cạnh đó, bà còn làm thợ đụng trong xóm. Hễ ai kêu gì là làm ngay, từ sáng sớm đến tối mịt, bà tất bật ngược xuôi kiếm tiền, quyết không để con thất học.

Bà chia sẻ về bí quyết giúp con vượt qua khó khăn: “Ngoài giáo dục con về tính chuyên cần, đến lớp chăm chú nghe giảng, chăm chú phát biểu, ghi chép bài đầy đủ, về nhà học và làm bài xong mới được đi ngủ… Những lúc xem phim, đọc báo, hoặc thấy những hoàn cảnh sự việc có liên quan đến bài học, những gương phấn đấu vượt khó để học, để sống, tôi đều cho con xem, hoặc kể lại cho hai con nghe để con thấy mình tuy học cực, học mệt, nhưng nhiều người xung quanh còn khó khăn, khổ cực hơn nhiều, nên lấy đó làm gương...”. May mắn thay, 2 con gái của bà đều hiểu được hoàn cảnh của mẹ nên học rất chăm chỉ, ngoài giờ học còn biết phụ mẹ việc nhà. “Đó cũng là liều thuốc tinh thần giúp tôi vượt qua khó khăn để nuôi con được đến ngày hôm nay” – Bà Lang chia sẻ. Hai con bà hiện đã ổn định, con lớn hiện là bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng 2, còn con nhỏ cũng đang là sinh viên của Trường ĐH Bách khoa. Không chỉ thế, bà còn tham gia vào Hội Khuyến học của phường, tiết kiệm nuôi heo đất để đóng góp cho các em HS trong phường. Bà còn đến từng gia đình khuyên nhủ để họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc học, và chỉ có học giỏi mới là cánh cửa tương lai...

Bây giờ, gia đình bà Lang, bà Hồng tương đối đầy đủ, không còn lo bữa no, bữa đói nhờ các con bà đã đi làm. “Chúng tôi thật hạnh phúc, thật sung sướng và vô cùng an tâm khi các con lần lượt bước vào đời bằng những tri thức, bằng những tình cảm mà chúng học được từ gia đình, nhà trường.” – bà Lang bộc bạch. Chia sẻ hạnh phúc của bà Lang cũng là niềm hạnh phúc chung của biết bao gia đình hiếu học ở TPHCM này!

Thái Khuê

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ