Xuất ngoại lần thứ 4, Công Phượng có thay đổi được 'số phận'?

GD&TĐ - Công Phượng đã chính thức gia nhập câu lạc bộ Nhật Bản, Yokohama FC theo hợp đồng có thời hạn 3 năm. 

Công Phượng là cầu thủ xuất ngoại nhiều nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Công Phượng là cầu thủ xuất ngoại nhiều nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.

Trong chuyến xuất ngoại thứ 4 này, tiền đạo sinh năm 1995 liệu có thay đổi được “số phận”?

Những bài học sâu sắc

Yokohama FC là đội bóng non trẻ và ít kinh nghiệm nhất trong 18 câu lạc bộ sẽ thi đấu ở giải vô địch Nhật Bản J-League 1 mùa 2023. Sân Mitsuzawa của Yokohama FC có sức chứa 15.046 ghế, ít nhất giải đấu hạng cao nhất của Nhật Bản.

Dẫn dắt Yokohama FC hiện là huấn luyện viên 49 tuổi Shuhei Yomoda. Ông Yomoda chưa từng là cầu thủ chuyên nghiệp, mà đi lên từ việc làm huấn luyện viên Trường Đại học Tsukuba. Đáng chú ý, vừa chuyển sang dẫn dắt Yokohama FC đầu năm 2022, ông Yomoda đã giúp đội bóng lên hạng.

Theo trang chủ của Yokohama FC, Nguyễn Công Phượng sẽ thi đấu cho đội bóng này tại J-League 1 (giải đấu cao nhất Nhật Bản) kể từ mùa giải 2023. Tiền đạo đội tuyển Việt Nam đã ký bản hợp đồng 3 năm với đội bóng Nhật Bản.

Theo thống kê, đây là thời hạn hợp đồng dài nhất giữa cầu thủ Việt Nam với một đội bóng nước ngoài. Như vậy, Công Phượng trở thành cầu thủ Việt Nam thứ 2 sau thủ môn Đặng Văn Lâm được chơi bóng tại giải đấu số 1 của Nhật Bản.

Phát biểu trên trang chủ Yokohama FC, Công Phượng cho biết: “Tôi rất hạnh phúc khi gia nhập Yokohama FC. Đây là chương mới trong sự nghiệp của tôi. Khởi đầu cùng câu lạc bộ mới, đồng đội mới, tôi luôn nỗ lực để cống hiến mọi thứ khi khoác lên người màu áo này. Tôi luôn mong Yokohama FC thành công. Tôi xin cảm ơn chú Ba Đức, các thầy, đồng đội cùng toàn thể câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai”.

Với việc khoác áo câu lạc bộ Yokohama, Công Phượng trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu cho 4 đội bóng nước ngoài, bao gồm Mito Hollyhock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc), Sint-Truidense (Bỉ) và Yokohama FC hiện tại. Tuy nhiên, trong cả 3 lần xuất ngoại trước đó, với nhiều lý do, Công Phượng đều không thành công ở góc độ chuyên môn. Thế nên, anh không cảm thấy thoải mái và tự hào về kỷ lục này.

Năm 2016, vừa mới bước sang tuổi 21, Công Phượng được Mito Hollyhock (J-League 2, Nhật Bản) mượn về với mức giá 100 nghìn USD cho một năm thi đấu. Tuy là giải hạng 2 Nhật Bản, song trình độ chuyên môn của sân chơi này vượt xa V-League, đặc biệt là với cầu thủ còn non kinh nghiệm như Phượng.

Phải trải qua gần 5 tháng tập luyện, Phượng mới có cơ hội thi đấu trận đầu tiên trong màu áo đội bóng Nhật Bản. Tại vòng 12 (7/5/2016), trong trận gặp Giravanz Kitakyushu, tiền đạo Việt Nam được tung vào sân ở phút 87 thay thế Hosokawa Junya.

Công Phượng chính thức gia nhập câu lạc bộ Yokohama.

Công Phượng chính thức gia nhập câu lạc bộ Yokohama.

Trong một năm trên đất Nhật, Công Phượng chỉ được ra sân 5 trận tổng cộng 80 phút và 0 bàn thắng. Thậm chí, tiền đạo được coi là tài năng nhất của lứa đầu Học viện HAGL Arsenal JMG thường xuất hiện ở nhà ga, phát tờ rơi trước mỗi vòng đấu tại J-League 2.

Nhiều cổ động viên Việt buồn khi thấy “thần tượng” phải làm công việc này, để mời chào người dân cổ vũ trước trận đấu, thay vì được ra sân đá thường xuyên. Sau khi mùa giải khép lại, chân sút sinh năm 1995 lặng lẽ trở lại Hoàng Anh Gia Lai.

3 năm sau chuyến đi được coi là “du học”, Công Phượng ở độ tuổi 24 chín chắn và vững vàng hơn chính thức trở thành cầu thủ Việt Nam xuất hiện ở K-League (giải nhà nghề Hàn Quốc) trong màu áo Incheon United, cũng theo hợp đồng cho mượn. Việc huấn luyện viên Jorn Andersen đưa Công Phượng vào sân ở phút 90+6, trong trận Incheon gặp Gyeongnam, và tiền đạo Việt Nam không có cơ hội chạm bóng trên sân là dấu hiệu về hành trình khó khăn trên đất Hàn Quốc.

Trong 3 tháng sau đó, Công Phượng chỉ được sử dụng trong 8 trận đấu (1 ở FA Cup), nhưng anh không thể để lại quá nhiều dấu ấn (0 bàn thắng). Có lẽ đoán được tương lai không mấy sáng sủa của Công Phượng, nên chỉ sau nửa mùa giải bầu Đức chủ động kéo anh về. Nhìn nhận về sự đổ vỡ này, huấn luyện viên Yoo Sang-chul của Incheon United lý giải rằng, Phượng không phải là mẫu cầu thủ có khả năng giải cứu cả đội bóng. Cậu ấy thất bại ở Hàn Quốc còn có nguyên nhân từ khả năng giao tiếp và lối chơi không phù hợp với bóng đá Hàn Quốc.

Tan mộng ở Hàn Quốc, bầu Đức tiếp tục xoay xở tìm hướng đi cho Công Phượng và lần này là Sint-Truidense (Bỉ).

Vào ngày 3/8/2019, khi đội nhà đang thua 0-4, huấn luyện viên Marc Brys đã tung tiền đạo xứ Nghệ ra mắt đội bóng mới, chung cuộc họ thất bại 0-6 trước Club Brugge. Sau đó, Phượng chỉ có thêm 3 lần ngồi dự bị ở giải vô địch quốc gia Bỉ, nhưng không được ra sân lần nào và rồi anh không còn có tên trong danh sách thi đấu.

Ngay cả khi ông Nicky Hayen nắm quyền huấn luyện viên trưởng, thay Marc Brys bị sa thải, Công Phượng vẫn không được ngó ngàng đến. Và kết cục, cầu thủ ngôi sao của bóng đá Việt Nam ngậm ngùi xuống đội trẻ thi đấu để rèn thể lực và tích lũy kinh nghiệm.

Khi được hỏi về việc “bỏ rơi” Công Phượng, ông Nicky Hayen cho biết: “Bóng đá Bỉ đòi hỏi mọi cầu thủ phải hoạt động tích cực trên sân, ngay cả khi mất bóng. Công Phượng không quen nhiệm vụ này khi còn ở Việt Nam. Cậu ấy chỉ nghĩ đến tấn công, chứ không nghĩ đến phòng ngự và không phù hợp với sơ đồ 5-4-1 tôi sử dụng”.

Sau 15 trận đấu liên tiếp không được huấn luyện viên Nicky Hayen điền tên trong danh sách đăng ký thi đấu của Sint-Truidense, tiền đạo sinh năm 1995 quay về Việt Nam, nối dài những chuyến xuất ngoại thất bại.

Công Phượng (10) trong màu áo đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Nhật Bản ở vòng loại World Cup. 2022 khu vực châu Á. Ảnh: INT.

Công Phượng (10) trong màu áo đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Nhật Bản ở vòng loại World Cup. 2022 khu vực châu Á. Ảnh: INT.

Thử thách nhân đôi

Sau những chuyến đi thất vọng, cứ ngỡ Công Phượng và gia đình nhỏ của mình sẽ kết thúc sự nghiệp “quần đùi, áo số” ở V-League và xuất ngoại trở thành nỗi ám ảnh với anh. Thế nhưng, cầu thủ chuẩn bị bước vào tuổi 28 đã khiến tất cả ngỡ ngàng bằng hợp đồng kỷ lục với Yokohama FC.

Nhiều nhà chuyên môn tin tưởng, lần thứ 4 Phượng sẽ thành công bởi anh đang ở độ chín nhất của đời cầu thủ. Kinh nghiệm và bản lĩnh của Phượng đã được tích lũy đủ cho một cuộc phiêu lưu mới.

Đặc biệt, so với 3 lần trước gần như ở vào tình thế bị động thì lần này, tiền đạo xứ Nghệ ở vào tâm thế chủ động. Ra nước ngoài thi đấu, điểm đến cụ thể là Nhật Bản dường như được anh và gia đình tính toán kỹ. Quyết định đặt tên ở nhà cho con trai là Mito giống như một sự trân trọng anh dành cho câu lạc bộ Mito Hollyhock, đồng thời cũng có thể báo hiệu cho quyết tâm trở lại bóng đá xứ sở Mặt trời mọc của chân sút này sau chuyến đi thất bại, đầy bỡ ngỡ của năm 2016.

Yokohama biết rõ chất lượng cầu thủ Việt Nam, cụ thể là Công Phượng. Bản hợp đồng 3 năm với chân sút xứ Nghệ cho thấy, đội bóng này vẫn có niềm tin vào sự thành công của cầu thủ Việt Nam, như cách Consadole Sapporo đã thành công với Chanathip Songkrasin.

Năm 2017, cũng vừa mới từ J-League 2 lên chơi J-League 1, Consadole Sapporo mượn “Messi Thái” từ Muangthong United trong 2 năm, sau đó mua đứt tiền vệ này. Chanathip đã chinh phục bóng đá Nhật Bản và đầu mùa giải 2022 chuyển sang Kawasaki Frontale với giá chuyển nhượng 4 triệu USD.

Mặc dù vậy, hợp đồng giữa Yokohama và Công Phượng được đánh giá là “mạo hiểm” cho cả 2 bên. Công Phượng mới trở lại sau chấn thương và phong độ thi đấu giảm sút cùng thành tích của Hoàng Anh Gia Lai khiến anh mất luôn suất đội tuyển quốc gia.

Chấp nhận đến Yokohama FC đồng nghĩa Công Phượng đối mặt với thử thách khắc nghiệt nhất trong sự nghiệp cầu thủ, nhất là khi đội bóng này vừa giành quyền thăng hạng J-League 1 khốc liệt hơn rất nhiều J-League 2 mà anh từng thất bại 6 năm trước.

Tại Yokohama, huấn luyện viên trưởng Shuhei Yamoda đã xây dựng thành công sơ đồ chiến thuật 3-4-2-1. Trong sơ đồ này, Công Phượng có thể chơi được ở 3 vị trí trên hàng công, nhưng anh có giành được suất đá chính không lại là câu chuyện khác. Vị trí tiền đạo mũi nhọn có lẽ là vị trí Công Phượng khó chiếm nhất. Chân sút số một của Yokohama là Koki Ogawa đã thể hiện phong độ “hủy diệt” ở mùa giải 2022. Ở J-League 2, Ogawa đã đoạt danh hiệu “Vua phá lưới” với 26 pha lập công, bỏ xa người thứ 2 là Tiago Alves đến 10 bàn.

Những sự lựa chọn tiếp theo trên hàng công sẽ là Kleber, Saulo Mineiro, 2 chân sút người Brazil. Trong đó, Kleber từng có 2 lần khoác áo đội tuyển quốc gia Brazil, chơi cho Porto trong giai đoạn 2011 - 2015 và ghi được 9 bàn thắng cho đội bóng Bồ Đào Nha.

Mineiro cũng là đối thủ đáng gờm với Công Phượng. Anh có 4 bàn thắng sau 19 lần ra sân ở J-League 2 mùa giải vừa qua và có thể đá được nhiều vị trí trên hàng công. Mineiro cũng còn trẻ, sinh năm 1997 và sở hữu tốc độ, kỹ thuật tinh quái.

Điểm chung của Ogawa, Kleber và Mineiro là thể hình ấn tượng. Họ lần lượt cao 1,86m, 1,87m và 1,84m. Bên cạnh đó, hồi tháng 8, Yokohama cũng chiêu mộ thêm tiền đạo người Brazil Marcelo Ryan, cao 1,88m, trong khi Công Phượng ước tính 1,68m. Thế nên, nếu không có kỹ năng đặc biệt và sự đột biến thần kỳ, tiền đạo Việt Nam gần như không có cơ hội giành suất đá chính trong sơ đồ chiến thuật chỉ có 1 tiền đạo cắm của Yokohama. Nhất là đội bóng này bước vào J-League 1 năm 2023 trong vai trò tân binh, cần đá chắc cho cuộc chiến… trụ hạng.

2 vị trí chơi phía sau trung phong cắm, Công Phượng cũng sẽ đối mặt với cuộc đua rất khó khăn. Tatsuya Hasegawa và Kazuma Watanabe là những nhân tố được tin dùng. Bộ đôi này lần lượt có 37, 23 lần đá chính mùa trước. Trong đó, Hasegawa, đứng thứ 2 trong danh sách kiến tạo của J-League 2 với 11 đường chuyền thành bàn, chỉ kém Vua kiến tạo của giải là So Kawahara 1 lần. Vì thế, Công Phượng cần nỗ lực nhiều để được ra sân trong lần xuất ngoại thứ 4 và có thể, tiền đạo sinh năm 1995 cần rất nhiều thời gian, bước đệm như đá ở các giải cúp trước khi có thể được đá chính ở J-League 1.

Cơ hội dành cho Công Phượng không phải là không có. Thành công của cầu thủ Thái Lan tại J-League 1 và những bài học kinh nghiệm trước đó sẽ giúp anh tự tin, chững chạc hơn. Ngoài ra, hợp đồng 3 năm với Yokohama sẽ giúp tiền đạo xứ Nghệ có nhiều thời gian, cơ hội để thích nghi hơn với lối chơi, văn hóa của đội bóng mới.

Cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở Nhật Bản là Lê Công Vinh, cho Consadole Sapporo tại J-League 2 theo dạng cho mượn năm 2013. Anh cũng là cầu thủ duy nhất của Việt Nam ghi bàn ở một giải chuyên nghiệp Nhật Bản đến nay.

Công Phượng là cầu thủ Việt Nam thứ hai khoác áo một câu lạc bộ J-League 1, sau thủ môn Đặng Văn Lâm cùng Cerezo Osaka, dù thủ môn đội tuyển Việt Nam không được chơi trận nào tại giải này trong hai mùa giải.

Công Phượng cũng là cầu thủ Đông Nam Á thứ ba trong lịch sử Yokohama FC, sau Satoshi Otomo (Philippines) giai đoạn 2004 - 2005 và Nguyễn Tuấn Anh năm 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.