Rồi bà con đi chợ bằng tiền đô. Miền (mình) không thích ai khen kiểu đó. Nhưng có điều muốn nói thật lòng với chú mi, đó là tính siêng năng, chịu khó trong nghề biển thì không nơi nào bằng ngư dân thôn An Bằng, Hà Úc quê anh".
Chung đời ngư phủ
Các lao động người Việt cùng đồng nghiệp đang lao động trên tàu có chủ là người An Bằng |
Tưởng eng Thành chủ tịch xã "nói dốc", tui cuốc bộ vào thăm "ngôi làng triệu đô". Đằng sau dáng vẻ hào nhoáng của những ngôi mộ được làm với muôn vàng nét kiến trúc từ Đông sang Tây là một làng chài bé nhỏ, luôn hồn nhiên, e ấp bên sóng vỗ mạn thuyền. Nơi đó vẫn còn những con người dìu dắt nhau qua những tháng ngày nghề biển gặp gian khó.
Tới làng chài ven biển An Bằng đúng lúc cả nhà anh Nguyễn Thiếc vừa từ lên Huế đón người thân qua Mỹ làm biển về, trong nhà mọi người đang háo hức chuẩn bị làm lễ Tế cá ông (tế cá voi) vì đã góp công đưa con em làng chài sang Mỹ đánh bắt cá trở về được thuận buồm xuôi gió.
Để giữ nghề đánh bắt cá truyền thống bà con quê Vinh An, Hà Úc thông qua những người đồng hương ở Mỹ gia đình lâu năm rồi kết nối xuất ngoại làm công nhân đánh bắt cá cho các chủ tàu người Việt gốc ở An Bằng (đã nhập Quốc tịch Hoa Kỳ).
Vừa trở về sau chuyến qua đảo Hawaii Mỹ đánh cá hơn 2 tháng, anh Nguyễn Thiếc (thôn An Bằng), đã có đủ khoản tiền nhỏ để sửa lại căn nhà mình ở cho khang trang. Hỏi chuyện, đánh bắt cá xứ người, anh Thiếc cười hiền: “ Mấy tháng nay ngư dân ở quê đánh bắt khó khăn quá, nên miền (mình) quyết định sang Mỹ đánh bắt cá ở tàu của bà con trong thôn đang định cư ở Mỹ. Cứ chịu khó làm rồi tích góp từ bên đó 3 tháng là có tiền. Không thôi mấy bữa ni ở đây đây nghề biển cũng không đi được, kiếm tiền mô mà trang trải cuộc sống”.
Anh Nguyễn Tuấn (trái) cùng các cộng sự làm việc trên tàu cá |
Cũng giống như nhiều bà con làng An Bằng, Hà Úc xã Vinh An, anh Thiếc sang lao động cho chủ tàu là bà Nguyễn Thị Bông (người An Bằng) thông qua một công ty xuất khẩu lao động ngoài Hà Nội, Anh Thiếc tâm sự: “Trước đây nghề đi biển vốn là nghề truyền thống của gia đình mình. Mấy tháng nay nghề biển khó khăn. Thấy mấy anh em làm bên đó gọi điện về, bảo làm tuy có cực nhọc chút nhưng lương rất cao, chủ tàu là người cùng quê mình nên anh em bà con đùm bọc nhau đánh bắt cá nơi xứ người nên không phải lo chi. Thế là mình quyết định theo tàu ra nước ngoài đánh cá.”
Hành trình “xuất ngoại” đầu tiên của anh Thiếc là từ Hà Nội đi máy bay qua Hồng Kông rồi qua các địa danh như Fidi, makiti, rồi đáp xuống tàu cá đi thêm 7 ngày 7 đêm lênh đênh trên biển mới tới đảo Hawaii.
"Thú thật, từ nhỏ đi biển rồi, mà chưa khi nào mình đi xa và lâu như thế. Chuyến đi đầu tiên mình vừa hồi hộp, vừa lo. Nhưng qua đây rồi công việc lại quen. Ngư dân mình còn làm giỏi, siêng năng hơn các lao động nước khác.” anh Thiếc khoe
Đến đảo Hawaii, anh Thiếc cùng những bạn thuyền mỗi tháng đi được 20 ngày với nhiệm vụ chính là móc lưới câu cá ngừ đại dương với thù lao từ 800- 1.000 đô/tháng. Trên tàu bà Nguyễn Thị Bông có thường xuyên từ 6-7 lao động, trong đó có 2 lao động người Việt.
Tuy có thu nhập đều đặn, có khi làm siêng năng, chủ tàu thưởng thêm từ 100-200 đô/chuyến đi biển, nhưng nghề đánh cá ở hải ngoại cũng vô cùng gian nan, vất vả, anh Thiếc cho biết: “Đi trên tàu lớn, trang bị hiện đại gió cấp 7 cấp 8 vẫn chạy như thường nên rất an toàn.
Nhưng đánh cá ở vùng biển băng giá như California như đợt vừa rồi mình đi thì gian nan thật. Lạnh đến nỗi máu mũi chảy mà đông như băng tuyết luôn. Làm việc cường độ cao, trong môi trường khắc nghiệt như thế nhờ mình có sức khỏe, chịu khó mới đảm đương được”
Đoàn kết thoát nghèo nơi xứ người
Anh Tuấn (bìa phải) cho biết người Việt lao động biển ở nước ngoài rất đoàn kết và đùm bọc nhau |
Không chỉ lao động người Việt qua hải ngoại tham gia đánh cá, họ còn là những tài công khéo léo khi điều khiển tàu lớn vươn khơi. Anh Phạm Tuấn (thôn Hà Úc), đã làm tài công cho chủ tàu cá là ông Trương Phẩm (người gốc An Bằng) ở Hawaii được 5 năm. Với vốn tiếng Anh anh học được từ thời phổ thông cùng những kinh nghiệm đi biển truyền thống của gia đình, anh Tuấn được chủ tàu tin tưởng, giao cho điều kiển con tàu lớn.
Những ngày đầu qua lao động với các “cộng sự” người nước ngoài, trên con tàu hiện đại, anh Tuấn được mở mang tầm mắt. “Bên đó toàn tàu sắt, chứ không làm bằng gỗ như ở xứ mình. Tàu lớn có chiếc bề ngang 7m, bề dài trên 30m, được trang bị các thiết bị máy móc hiện đại như định vị toàn cầu, máy dò cá, chỉ cần mình nắm vững kỹ thuật là điều khiển rất “lụa”.
Đặc biệt, trên tàu có thể sản xuất được nước ngọt, đá cấp đông hải sản nên tàu đi liên tục, đó là những máy móc mà ngư dân Việt Nam mình chưa có. Mỗi tháng làm 25 ngày nên mọi sinh hoạt của anh em ngư dân đều diễn ra trên tàu cá cả.”
Ngư dân An Bằng ở đảo Hawaii đánh bắt cá cùng các bạn nước ngoài |
Ngoài làm tài công, anh Tuấn còn tham gia buông câu, gỡ lưới câu cá ngừ đại dương với thời gian làm việc gần 20 tiếng/ngày đêm, anh Tuấn được chủ tàu trả 1.200 đô/ tháng. Theo anh Tuấn, quy định đánh bắt của chính quyền sở tại cũng có nhiều sự khác biệt các nơi khác bởi các tiêu chí nghiêm ngặt. Các con tàu thường có thiết bị dò cá, đo mực nước, nhiệt độ, dòng hải lưu rất chuẩn nên mỗi chuyến biển có hiệu suất đánh bắt cao. Mỗi chuyến tàu anh Tuấn đánh được chừng 1,2-1,5 tấn cá ngừ, thu nhập từ 150-170 nghìn đô/tàu.
Ngư dân An Bằng ở đảo Hawaii đánh bắt cá cùng các bạn nước ngoài |
Với nhiều ngư dân Việt “xuất ngoại” đánh cá, đoàn kết, đùm bọc nhau trong công việc và cuộc sống khi lao động ở nước ngoài được xem như thứ tình cảm thiêng liêng, không thể thiếu. Có lần, anh Tuấn đang gỡ lưới thì bị sóng va đập bị thương ở mũi. Sau khi được các đồng nghiệp người Việt hỗ trợ sơ cứu trên tàu, anh được chuyển vào đất liền chữa trị kịp thời. “Lao động bên này giúp đỡ, thăm viếng nhau là chuyện thường xuyên. Ơ trên biển xứ mình, ngư dân con giúp nhau được. Huống chi qua đây.”- anh Tuấn trải lòng.
Cá ngừ ở Hawaii được chế biến trên thuyền sau khi các ngư dân vừa đánh bắt |
Ở Hawai, ngư dân không ai “không biết tiếng” bà Minh Hạnh (người gốc Việt), chủ 23 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ, một siêu thị và hệ thống cung cấp xăng dầu, dịch vụ hậu cần nghề cá cho những tàu cá người Việt đánh bắt bên đó. Cơ sở bà Minh Hạnh cùng hàng chục hệ thống tàu cá đã trở thành nơi quen thuộc cho ngư dân Việt tham gia đánh bắt ở hải ngoại. Nhiều ngư dân khó khăn, hoặc gặp các tai nạn biển đều được chủ cơ sở này giúp đỡ tận tình…