Xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ 1/5

Xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ 1/5

Nguồn cung gạo xuất khẩu dồi dào

Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 2976 do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đồng thời là Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo có kiểm soát mà Chính phủ đã quyết định trước đó, để xuất khẩu trở lại bình thường từ ngày 1/5 tới. 

Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất trên của Bộ Công Thương, đồng thời chỉ đạo rõ để duy trì, bảo đảm an ninh lương thực trong trạng thái bình thường trong giai đoạn hiện nay, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu điều hành xuất khẩu gạo, phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không). 

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an, Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ quy định tại điều 12 của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu. 

Đồng thời, đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất một hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp thương nhân không thực hiện việc duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết theo thỏa thuận đã ký, hoặc khai báo không trung thực, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, Bộ Công Thương được phép thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân đó...

Xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ 1/5 ảnh 1

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Riêng vùng ĐBSCL, vụ Đông Xuân tới nay về cơ bản đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn thóc. 

Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Bộ Công Thương cho biết, đến cuối tháng 4/2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên.

Tránh tình trạng “tay không bắt giặc”

Cũng tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho hay, tính đến thời điểm 11 giờ 30 ngày 26/4, theo thống kê tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, đã thực xuất khẩu được 185.634,59 tấn (chiếm 46,41% tổng lượng hạn ngạch 400.000 tấn), còn 214.365,14 tấn đã đăng ký nhưng chưa xuất khẩu (chiếm 53,59%). 

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính tại Công văn số 5005/BTC-TCHQ ngày 23/4/2020 về hạn ngạch xuất khẩu gạo thì số lượng gạo đã được đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký được tờ khai là 17.380,02 tấn. Số lượng gạo đã được đưa vào cảng từ ngày 24/3 đến hết ngày 21/4 nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan, được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng và cơ quan hải quan là 55.446,68 tấn.

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có công văn hỏa tốc về việc hủy tờ khai hơn 53.300 tấn gạo xuất khẩu do quá 15 ngày doanh nghiệp không xuất trình gạo để kiểm tra, làm thủ tục xuất khẩu. Số gạo 53.300 tấn mà các doanh nghiệp mở tờ khai nhưng không khai báo hàng để kiểm tra chiếm hơn 13,3% hạn ngạch xuất khẩu được Chính phủ cho phép trong tháng 4. 

Tổng cục Hải quan cho biết, số 53.300 tấn gạo trong hạn ngạch nói trên sẽ được đưa trở lại vào hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn. Trước đó, các doanh nghiệp, Hiệp hội lương thực Việt Nam cùng một số chuyên gia đã cảnh báo có hiện tượng doanh nghiệp mở được tờ khai, khai khống số lượng gạo hiện có để xuất khẩu trong hạn ngạch. 

Điều này khiến cho công tác quản lý xuất khẩu gạo của các bộ, ngành hữu quan gặp khó khăn, gây nên tình trạng thiếu minh bạch, bất công... Doanh nghiệp có gạo nhưng không mở được tờ khai khiến nhiều doanh nghiệp có lúa gạo đang bảo quản tại cảng, kho bị thiệt hại nặng, kế hoạch xuất khẩu gạo bị phá vỡ...

Có thể thấy, việc Tổng cục Hải quan hủy tờ khai hơn 53.300 tấn gạo khai khống đã được một số chuyên gia cảnh báo trước. Một số ý kiến cho rằng phương thức điều hành “đăng ký tờ khai trước được xuất trước” (FCFS) là bất cập. 

Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai khống để giữ chỗ...

Về vấn đề này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát Nghị quyết 107 để đề xuất sửa đổi, khắc phục các bất cập đã và đang phát sinh trong thực tế, trong đó, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” của một số doanh nghiệp, “không có kho, không có cơ sở gì hay vừa qua, có tình trạng, qua khai tờ khai hải quan, có một số doanh nghiệp không làm xuất khẩu tranh thủ đăng ký hạn ngạch”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ