Ký ức khó quên
Dù đã hơn 3 năm chuyển đến nơi ở mới, nhưng trong ký ức của những người dân bản Sáng Tùng (xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ) sẽ không thể nào quên ngày “định mệnh” khi 26 nóc nhà trong bản bị vùi lấp sau trận sạt lở.
4 giờ sáng 27/6/2018, cả một sườn núi khổng lồ đã ập xuống, vùi lấp hoàn toàn 26/28 căn nhà trong bản. Cũng may trước đó, một số người dân đi làm nương phát hiện vết nứt lớn ở trên núi đã báo chính quyền địa phương. Huyện Sìn Hồ và xã Tả Ngảo đã khẩn cấp di dời toàn bộ người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm nên mới không có thiệt hại về người.
Bản Sáng Tùng sau một đêm đã bị xóa sổ hoàn toàn. 162 người Mông trong bản lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất.
Theo lời kể của anh Hạng A Binh, Trưởng bản Sáng Tùng, sau nhiều năm ở trong căn nhà đất chật hẹp, anh quyết định tích góp tiền dựng nhà sàn để có không gian sống rộng và thoáng hơn. Đến năm 2017, khi tài chính ổn định, anh bắt đầu bắt tay vào dựng những cột gỗ đầu tiên. Giữa năm 2018, khi chuẩn bị cất nóc, cả gia đình phấn khởi, đợi ngày chuyển sang nhà mới thì trận sạt lở xảy ra.
“Tôi vẫn nhớ như in trưa 26/6, khi tôi và vợ đang đi cấy thì anh em trong bản gọi về vì cả bản bị nứt hết rồi. Vội vàng chạy về sơ tán thì cũng chẳng kịp cầm theo gì nhiều. Vợ tôi khi đó khóc nhiều lắm, vì căn nhà mới chưa kịp ở đã bị cuốn trôi. Lợn gà nuôi cũng bị chết hết”, anh A Binh nhớ lại.
Sau đó, cả nhà anh Binh cũng như dân bản Sáng Tùng dựng lán để ở tạm. Họ sống trong lán lá xập xệ suốt gần 1 tháng trước khi chuyển đến nhà mới được Nhà nước và những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ.
Khoảng thời gian đầu ở trong nhà mới, con gái lớn của anh Binh - bé Hạng Thị Thụy thường xuyên đòi bố được về nhà cũ. Những câu hỏi của bé về cây lê trong sân nhà cũ, về chiếc xích đu gỗ và cả 2 con lợn… khiến tim anh Binh đau nhói.
“Nhờ có sự giúp đỡ từ Nhà nước và các đoàn từ thiện, đến nay, các hộ dân bị thiệt hại đã dựng xong nhà mới tại khu Hán Là, bản Lò Lử Đề. Cuộc sống người dân cũng đã dần ổn định”, anh Binh bày tỏ.
Ông Giàng A Chinh, già làng của bản cũng không thể mường tượng ra cảnh dân bản phải sống cảnh màn trời, chiếu đất chỉ sau vài cơn mưa lớn. Từ trước đến nay, sinh sống ở Sáng Tùng, trời cũng mưa, đất cũng sạt nhưng không ai ngờ cả bản sẽ bị vùi lấp, xóa sổ.
Cuộc sống mới...
Sau sạt lở, người dân bản Sáng Tùng đã được di tản đến nơi ở mới có vị trí thấp hơn, gần đường đi. Tại đây, họ cũng đối diện và đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả để cùng nhau bắt đầu một cuộc sống mới.
Anh Binh cho biết: “Hiện nay, cả bản có 30 hộ đồng bào Mông, với 166 nhân khẩu đang sinh sống ở khu tái định cư. Sau hơn 3 năm sinh sống ở đây, đời sống của bà con trong bản từng bước ổn định, đồng bào yên tâm phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cải thiện cuộc sống”.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bản Sáng Tùng đang giảm dần qua các năm. Thu nhập bình quân đầu người cũng dần tăng lên. Người dân vẫn chủ yếu sống nhờ vào trồng lúa, chè, thảo quả kết hợp với chăn nuôi.
Bà Mùa Thị Pà, người dân bản Sáng Tùng, cho biết: “Từ khi chuyển về nơi ở mới, gia đình tôi và người dân trong bản bắt đầu làm lại từ đầu. Đất sản xuất thì vẫn ở gần bản cũ. Đời sống của gia đình tôi đã dần ổn định. Dân bản cũng yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế”.
Niềm vui nữa của bản là đã có điểm trường mầm non được xây dựng bán kiên cố, khang trang hơn. Trẻ con trong bản được vui đến trường.
Cô Phạm Thị Hà là giáo viên dạy tại điểm Sáng Tùng (Trường Mầm non Tả Ngảo). Sau sự cố sạt lở, điểm trường ở khu tái định cư này cũng được đầu tư khang trang hơn. Việc dạy - học của cô trò cũng vì thế mà bớt khó khăn đi nhiều.
“Lớp học ngày trước thì bằng gỗ, nền đất. Trẻ không có sân chơi. Từ khi chuyển ra bản mới, được hỗ trợ xây bán kiên cố, đẹp và khang trang, thuận tiện cho việc dạy và học của cô và trẻ”, cô Hà chia sẻ.
Lớp học có 17 trẻ đủ 4 độ tuổi từ nhà trẻ đến mẫu giáo, nên việc chăm sóc giáo dục trẻ cũng đôi phần khó khăn. Nhưng với cô Hà, niềm vui lớn nhất là dân bản đã sống tập trung, biết chăm lo đến việc học hành của con em mình nên không còn cảnh giáo viên đến tận nhà đón học sinh đi học như trước nữa.
“Ngày trước ở bản cũ, đường đi lại khó khăn, khi trời mưa thì phải đi bộ. Từ khi bị sạt lở, dân bản được Nhà nước hỗ trợ di chuyển ra ngoài gần đường, thuận lợi cho việc đi lại. Người dân cũng không còn đói nghèo như trước nữa, dân cư được sống tập trung”, cô Hà nói.
Theo lời Trưởng bản Hạng A Binh, nơi ở mới đã có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà bằng gỗ lụp xụp giờ đã chuyển thành nhà bán kiên cố. Bản có đường bê tông được mở đến tận nhà. Tuy nhiên, khó khăn của dân bản vẫn còn, nhất là về nước sinh hoạt và bản mới cách xa nơi sản xuất.
Trong tiết trời se lạnh, trên vùng đất rẻo cao này, người Mông bản Sáng Tùng đang xúng xính váy áo xuống chợ để mua sắm. Ai ai trong bản cũng mong sẽ có một cái Tết no ấm hơn. Chỉ có như thế, dân bản mới phần nào nguôi ngoai trước nỗi đau “tan cửa, nát nhà” ngày trước.