Xuân về trên dải biên cương

Xuân về trên dải biên cương

Mường Nhé đang “thay da, đổi thịt”

Thành phố Điện Biên Phủ cách trung tâm huyện lỵ Mường Nhé tròn 200km. Ngày trước, chặng đường dài, xóc đến “lộn ruột”, quanh co chóng mặt bởi những khúc cua “tử thần”, bởi cả những đoạn đèo dốc giữa một bên là núi cao, bên kia là vực thẳm.

Giờ đây, nhiều “điểm đen” đã được xử lý, cua được mở rộng, đèo, dốc được hạ thấp, nhựa đường được trải. Nếu như trước kia, từ thành phố Điện Biên đến Mường Nhé phải mất hai ngày, thì nay người ta chỉ mất có già nửa ngày.

Với người và phương tiện không đi quen là như thế, chứ với những “tay lái lụa” vùng cao, họ thuộc từng mét đường rồi thì chỉ mất chừng 4 tiếng “xuyên mây, xé trời” để đến Mường Nhé.

Con đường trải nhựa hai chiều, sáng bừng đèn cao áp vào mỗi tối ấy, trung tâm huyện Mường Nhé không khác gì một thị tứ ở dưới xuôi. Trung tâm mua sắm hàng hóa mọc lên ngay cạnh bến xe giúp đồng bào các dân tộc thuận tiện trong giao thương. Rồi hàng quán, nhà nghỉ... những dịch vụ thời hiện đại đã xuất hiện ở chốn địa đầu Tổ quốc này.

Trong không gian hanh hanh nắng, se se lạnh ngày xuân, những sắc màu váy áo của “sơn nữ” Thái, Mông, Hà Nhì, Si La... giữa trốn đại ngàn đèo nhau bằng xe máy ra chợ ấy khiến tôi nhớ lại ngày đầu đến trung tâm hành chính huyện.

Ngày ấy, cũng độ cuối năm 2007, trước ngổn ngang của sự chia tách, di chuyển, bao nhiêu nỗi lo dồn lên. Nhưng với quyết tâm chính trị là đưa huyện về gần dân, để tăng sự chỉ đạo, tăng sự quan tâm tới một khu vực gọi là “điểm khuất” này mới thấy đó là một cái nhìn có tầm của nhà quản lý.

Huyện lỵ di chuyển từ Chà Cang vào khu vực trung tâm của các xã (cách xa trung tâm cũ 80km). Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc đồng bào dân tộc thiểu số ở 16 xã, có tới 90% hộ đói nghèo ấy đã được đưa về gần huyện.

Cán bộ gần dân, dân gần cán bộ. Các hình thức giao lưu văn hóa… đã được lan tỏa. Người dân không còn phó mặc, bắt đầu học hỏi thêm cách làm ăn cùng với những sự quan tâm của các cấp lãnh đạo.

Tôi nhớ ngày đầu “chân ướt, chân ráo” lọc cọc chiếc xe máy cũ mò đường vào huyện mới. 80km đường rừng, lác đác có một, hai nóc nhà nằm tít xa phía bên kia suối nên chẳng thể hỏi thăm đường đi, lối lại; nhớ như in những ngày đầu tiên thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé. Những tâm sự của đồng chí Văn Sỹ Đặng, Phó trưởng Công an huyện vẫn còn hiện rõ trong đầu.

Đồng bào dân tộc ở Mường Nhé làm bánh trôi nước trong dịp Tết cổ truyền
 Đồng bào dân tộc ở Mường Nhé làm bánh trôi nước trong dịp Tết cổ truyền
 

Mường Nhé ngày ấy đâu đâu cũng thấy đặc quánh sương mù, đói nghèo. Ngày đầu thành lập huyện, vào năm 2002, đường ô tô vào trung tâm huyện bây giờ cũng chưa có.

Hầu như chỉ vào dịp Tết đến người dân mới dám đi chợ, bởi rất nhiều khó khăn. Huyện chưa được đưa về, người dân phải đi qua bản Mù Cả, Mường Tè của tỉnh bạn Lai Châu để đi chợ.

Mỗi khi thời tiết thuận, có sức khỏe, băng rừng, vượt núi nhanh cũng phải mất 4 ngày. Còn nếu chẳng may gặp đợt thời tiết xấu, chợ Tết có khi phải kéo dài đến cả chục ngày. Đến chợ, đôi khi cũng chỉ để bán con gà, quả trứng hay ít mật ong. Khi về mua lít dầu hỏa, cân muối, ít đường phên về làm bánh là cùng.

Để xua đi đói nghèo và thiệt thòi cho 13 dân tộc ở khu vực này, Chính phủ đã phê duyệt và cho ra đời huyện Mường Nhé trên cơ sở 16 xã của hai huyện Mường Tè (Lai Châu) và huyện Mường Lay (nay là Mường Chà của tỉnh Điện Biên).

Sự quyết đoán của Chính phủ đã tạo ra cơ hội cho các dân tộc nghèo ở miền cực Tây của Tổ quốc, kéo dài từ A Pa Chải - Tá Miếu - Chà Cang vươn lên trong cuộc sống và có niềm vui mỗi mùa xuân về.

Vui xuân trong tình đoàn kết

Vào Mường Nhé, tôi lại tìm đến những bản mà đói nghèo cứ đeo đẳng mãi như: Huổi Ban, Pá Mỳ, Huổi Lếch, Sen Thượng, Suối Voi... bởi cũng muốn xem cuộc sống của đồng bào giờ đây đã ra sao? Hay lại như những năm trước đây “túm năm, tụm ba” uống rượu từ sáng cho đến tối.

Men theo sườn đồi hướng thẳng về điểm bản sắp xếp dân cư Huổi Ban, tôi gặp trưởng bản Sùng A Giàng đang đèo ngồn ngộn phía sau xe máy những măng, cùng miến, lại thêm cành đào phai mà người bạn ngoài huyện gửi tặng để đem về vui Tết, đón xuân cùng gia đình.

Anh Giàng vui vẻ nói: Bây giờ thì đời sống đồng bào đã ấm no hơn. Bà con có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới, có ruộng nương để sản xuất, có trâu bò cày ruộng. Ơn Đảng, ơn Chính phủ nhiều lắm!

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, gia đình anh Vàng A Anh ở bản Nậm Pố 1, xã Mường Nhé đang khẩn trương sửa sang nhà cửa để đón Tết. Sau nhiều năm vất vả trong ngôi nhà tranh, vách đất, ít ai trong gia đình này lại nghĩ rằng sẽ được ở trong ngôi nhà gỗ vững chắc như bây giờ.

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 là cái Tết thứ 8 gia đình anh được ăn Tết tại khu sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79 của Chính phủ. “Được ăn Tết trong ngôi nhà mới do Đảng, Nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi rất vui và phấn khởi. Lên điểm bản mới này, gia đình và các bà con đều có điện thắp sáng, có đường đi rộng rãi. Mỗi nhà đều được hỗ trợ tiền làm nhà mới.

Anh em trong bản sống đoàn kết. Chúng tôi sẽ tập trung làm ruộng, làm nương, tăng gia sản xuất để có tiền nuôi con cái ăn học và sẽ không di cư như trước nữa”, Vàng A Anh hồ hởi nói.

Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé hay còn gọi là Đề án 79 được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu bố trí sắp xếp, ổn định đời sống hơn 11.900 hộ với trên 6,7 vạn người tại 210 bản được định canh, định cư sau thời gian triển khai đã có những kết quả nhất định. Đồng bào nghèo đã có điều kiện thuận lợi để tập trung phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Trong mấy chục căn nhà đầm ấm của đồng bào Hà Nhì ở điểm bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu, ngôi nhà ông Pờ Xè Chừ được đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước hiện lên vững chãi nơi chân đồi.

Thiếu nữ Hà Nhì nơi ngã ba biên giới sắm váy áo chơi Xuân
 Thiếu nữ Hà Nhì nơi ngã ba biên giới sắm váy áo chơi Xuân

Trên bếp lửa hồng rực, chảo mỡ lợn đang rán, mở chiếc can đầy ngập rượu để dành đón khách, đón bạn cho mùa Xuân mới, ông Xè Chừ tâm sự: Ở đây dân bản chúng tôi thuần và đoàn kết lắm.

Mỗi khi có kẻ lạ đến phá rừng hay tuyên truyền xấu thì bà con đều xua đuổi hoặc dẫn giải lên xã trình báo. Thế nên chẳng kẻ nào dám bén mảng đến để lôi kéo đồng bào mình di cư, chẳng kẻ nào dám tuyên truyền luận điệu xấu để dân tộc mình phải chia rẽ nhau đâu cán bộ ạ!

Chén rượu ngô thơm nồng do người phụ nữ cất ủ, chuẩn bị cho chồng đãi khách, cho con trai sắp đến tuổi cập kê tiếp bạn vào dịp Tết, được ông Chừ đem ra mời mới được hai lần nâng lên, hạ xuống thì bất chợt nhà ông lại có khách.

Người bạn mới đến của Xè Chừ là ông Sùng A Mua. Trong hơi thở, ông Mua đem theo thoang thoảng mùi rượu Tết vừa được ai chúc trước khi đến. Bếp lại thêm củi, thức ăn lại được đem ra, rượu lại được rót. Thay lời chủ nhà, ông Mua bảo, vừa ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè thăm người quen.

Nhân tiện ông Mua tuyên truyền giúp cán bộ để người dân không nghe theo lời kẻ xấu nữa. Ông Mua kể thêm: Hồi trước, người Huổi Khon mình mang tiếng xấu quá. Bản có 7 người thuộc 7 hộ bị cưỡng bức tham gia tụ tập đông người chứ có phải cả bản đâu. Toàn người nơi khác kéo đến, thế mà họ cứ bảo là người Huổi Khon, Nậm Kè mới khổ chứ!

Có lẽ, trong 54 dân tộc anh em thì người Mông thích và trọng Tết nhất. Tết không chỉ là lúc để người ta dành thời gian đi chơi, thăm nhau mà Tết còn là cơ hội để cho nam thanh, nữ tú đi tìm chồng, vợ. Vì cái sự “thích” và “trọng” Tết này nên đồng bào chưa bao giờ bỏ Tết.

Mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thêm vào đó là việc các hộ chăm chỉ làm ruộng, nương, tăng gia nên thóc gạo ngày càng nhiều, trâu bò của nhà ông Chừ, ông Mua và bà con chòm xóm cũng đầy sân. Như một cái cớ để mừng, năm nay hai ông đã quyết định dành cho gia đình một cái Tết to hơn mọi năm và thời gian đi chơi cũng được kéo dài hơn.

Mường Nhé đã dần sáng hơn với những màu mái lợp của những căn nhà làm bằng nguồn vốn 167. Lối mở A Pa Chải (Việt Nam) - Long Phú (Trung Quốc) đang ngày càng đông vui, phát triển khi nông sản ba bên (Việt Nam - Lào -Trung Quốc) được thông thương.

Đời sống nhân dân các dân tộc ở Mường Nhé đang dần khởi sắc. Từ khắp các bản vùng cao như Tá Miếu, Tả Ko Khừ, Tả Ko Ki, Sen Thượng đến Pá Mỳ, xuân đã ngần ngật đong đầy các sườn núi, ngọn cây. Ai cũng thầm nhủ rằng, mầu xanh và mùa xuân mãi mãi đến cùng với đồng bào 13 dân tộc nơi vùng phên dậu cực Tây của Tổ quốc!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ