Xuân về nơi biên cương Tổ quốc

Xuân về nơi biên cương Tổ quốc

Vượt lên mọi thử thách, gác lại hạnh phúc riêng… Tết của những người lính Biên phòng luôn hướng tới miền sâu thẳm, thiêng liêng nhất mang tên: Tổ quốc.

Tết của Tổ quốc, nhân dân

Rất nhiều người lính đã nói với tôi rằng: Tết của họ là dành cho Tổ quốc, là đón khoảnh khắc thiêng liêng bên đồng đội, chung vui với nhân dân trên địa bàn… Điều đó hoàn toàn chính xác khi tất cả các đơn vị vẫn phải duy trì trực từ 70-80% quân số, mọi công việc nhiệm vụ diễn ra như hàng ngày. Thậm chí, ở nhiều đơn vị còn tăng cường hơn về lực lượng để đấu tranh tránh kẻ xấu lợi dụng thời điểm nhạy cảm gia tăng hoạt động phạm pháp, gây rối, mất trật tự…

Thiếu tá Bàn Văn Thắng - Quyền đồn trưởng Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu – Sơn La cho biết: Đồn Biên phòng Chiềng Sơn quản lý 2 xã Tân Xuân (huyện Vân Hồ) và Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu) với tổng số 13.609 khẩu/3.250 hộ dân và với 7 dân tộc anh em (Kinh, Thái Mường, Mông, Khơ Mú, Dao, Tày) cùng sinh sống.

Địa bàn quản lý khá rộng với 11,096km đường biên giới, 5 cột mốc (từ mốc 265 đến 269). Tại 2 xã biên giới Tân Xuân và Chiềng Sơn bên cạnh các loại hình tội phạm khác thì nổi lên 2 loại hình tội phạm đặc biệt phức tạp và nguy hiểm: Học và truyền đạo; Tội phạm ma túy…

Theo thiếu tá Bàn Văn Thắng: “Hiện nay, Đồn BP Chiềng Sơn là đơn vị trọng điểm của tỉnh Sơn La, khu vực, địa bàn trong công tác đấu tranh, chống tội phạm vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới. Đặc thù của loại hình tội phạm này vô cùng phức tạp, nguy hiểm. Đáng nói, trong dịp trước và sau Tết tội phạm ma túy hay lợi dụng để tăng cường hoạt động. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn chúng tôi càng phải cảnh giác, nâng cao tinh thần chiến đấu, kiểm soát chặt chẽ tình hình tội phạm...”.

Có thể nói, người lính nói chung và lính Biên phòng nói riêng, không hình thành khái niệm nghỉ Tết. Và như Trung tá Tạ Duy Chính - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Diêm (BĐBP tỉnh Ninh Thuận) tâm sự: Do đặc thù công việc nên gia đình, vợ con cán bộ chiến sĩ cũng quen với việc người chồng, người cha vắng nhà thường xuyên ngay cả dịp Tết lễ.

“Chúng tôi cũng biết gia đình cần đến mình lắm chứ, nhưng với tất cả những người lính thì hạnh phúc cá nhân vẫn được đặt sau sự bình yên của Tổ quốc…”  
Trung tá Tạ Duy Chính

Thế nhưng từ điều kiện hoàn cảnh thực tế ấy cũng tạo ra cho hậu phương người lính sự chịu đựng bền bỉ, tính tự lập nhiều hơn; những đứa con phải quen với việc bố xa nhà triền miên, công việc trong nhà cơ bản mẹ gánh vác, giải quyết chính.

Hạnh phúc bên đồng đội, nhân dân

Nói về câu chuyện lính Biên phòng và ngày Tết, thiếu tá Nguyễn Văn Thắng - Chính trị viên đồn Trịnh Tường, Bát Xát (Lào Cai) chia sẻ: Đã 25 năm công tác nhưng số lần đón Tết của anh bên gia đình chưa quá “10 đầu ngón tay”. Năm nay, lại một Tết nữa anh xa gia đình, vợ con để hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm công tác và đón Tết cùng đồng đội. Thế nhưng, việc đón Tết xa gia đình từ lâu đã thành chuyện thường của người lính. Trong lòng anh những ngày Tết bên đồng đội vẫn thật thân thương, gần gũi như đang ở với gia đình.

“Tết xa nhà, nhưng người lính đón Tết tại đơn vị cũng không khí lắm. Đã vào lính, sống xa gia đình thì ai cũng biết làm mọi việc. Anh em chiến sĩ nhiều người còn nhanh và khéo léo hơn các bà, các cô ở thành thị. Cứ 27, 28 Tết anh em chiến sĩ tự thịt lợn, thịt gà, gói bánh chưng, gói giò, nấu thịt đông. Tết cổ truyền có món ăn nào thì cơ bản đơn vị đều làm đầy đủ món ăn đó. Đơn vị cũng có bữa cơm Tất niên cho cán bộ chiến sĩ, sau đó đón giao thừa, nghe chúc Tết của Chủ tịch nước và cùng chúc nhau bước sang năm mới mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ…” - Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng hồ hởi nói.

Có thể thấy, Tết lính có thể không tươm tất, đầy đủ như ở gia đình, song không khí ấm cúng và thiêng liêng luôn lan tỏa. Đêm giao thừa lính tự xông đất. Ai cũng sẵn sàng gọi điện về nhà chúc Tết bố mẹ, vợ con, người thân. Từ mùng 1 Tết, ai có nhiệm vụ trực gác, đi địa bàn vẫn tiến hành bình thường, còn lại tổ chức liên hoan văn nghệ, kẻ đàn người hát mang tới cho nhau những niềm vui giản dị ấm cúng. Đặc biệt, người lính còn xuống nhà dân vừa để nắm bắt tình hình vừa cùng đón Tết.

Với thủ trưởng đơn vị, Tết đến xuân về cũng mang theo lo toan nhiều hơn. “Làm sao để bố trí lịch trực Tết cho anh em hợp lý nhất; nắm bắt thông tin từng hoàn cảnh gia đình chiến sĩ để có sự ưu tiên hoàn cảnh khó khăn, gia đình ở xa; ai nghỉ trước Tết, ai nghỉ sau Tết... Còn với những cán bộ chiến sĩ trực Tết tại đơn vị phải lo lắng chu tất, ấm cúng nhất. Trước Tết hàng tháng Đồn trưởng đã phải lên kế hoạch tổ chức cho anh em tự tăng gia sản xuất, nuôi trồng... phụ thêm bữa ăn ngày Tết. Mặt khác, đảm bảo việc đón Tết cho anh em vui vẻ nhưng vẫn phải đảm bảo tốt nhiệm vụ…”- Trung tá Tạ Duy Chính – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Diêm (BĐBP tỉnh Ninh Thuận) cho biết.

Tết đến xuân về, những người lính khó tránh khỏi cảm giác nao nao nhớ gia đình, người thân và mong được đoàn tụ trong thời khắc thiêng liêng. Song tất cả chỉ như thoáng qua hoặc nén sâu tận đáy lòng người lính. Trong tâm khảm của họ, sự bình yên của Tổ quốc, nhân dân mới chính là những cái Tết, mùa xuân ấm áp, hạnh phúc và ý nghĩa nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.