Xuân về nơi 'rốn lũ' Mù Cang Chải

GD&TĐ - Hơn 700 nhà mới ở 'rốn lũ' Mù Cang Chải, Yên Bái đã nhanh chóng được dựng lên thể hiện quyết tâm chính trị cao của cấp ủy chính quyền địa phương.

Toàn cảnh khu tái định cư của đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai.
Toàn cảnh khu tái định cư của đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai.

Tết này, niềm vui của đồng bào vùng cao nơi đây như được nhân lên gấp bội...

Niềm vui nhân đôi...

Từ trung tâm huyện lỵ Mù Cang Chải (Yên Bái), sau gần 1 tiếng đồng hồ vượt qua những con dốc khúc khuỷu, dưới cái lạnh thấu xương của mùa Đông, chúng tôi đã đến bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà mới san sát nhau.

Gia đình anh anh Thào A Dê ở bản Hồng Nhì Pá là hộ nghèo, lại là một trong những hộ có nhà bị ảnh hưởng nặng nề do lũ quét xảy ra hồi tháng 8/2023. Thời điểm lũ về, nhà và nhiều tài sản của gia đình anh Dê trôi theo bùn đất.

Lũ rút, cả nhà anh Dê phải ở nhờ nhà hàng xóm nhiều ngày. Đó cũng là chuỗi ngày anh Dê tuyệt vọng nhất, bởi toàn bộ tài sản vợ chồng anh tạo dựng đã bị nước lũ cuốn đi. Nhưng hôm nay, nỗi tuyệt vọng ấy đã không còn, mà thay vào đó là niềm vui và sự phấn khởi trong ngôi nhà mới.

Anh Dê cho biết, sau khi được chính quyền cấp đất, hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình đã nhanh chóng mua vật liệu dựng lại nhà mới. Những ngày cuối năm 2023, ngôi nhà đã hoàn thành với tiêu chí 3 cứng (khung cứng, nền cứng và mái cứng), có thêm cả nhà vệ sinh và bếp.

“Gia đình tôi nghèo, lũ về càng khó khăn hơn khi nhà bị sập. Tôi thấy rất may mắn khi được Đảng, Nhà nước quan tâm cấp đất và hỗ trợ làm nhà. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình sẽ cố gắng sắm sửa chuẩn bị các điều kiện đón xuân mới như các gia đình khác. Cảm ơn Đảng đã mang mùa Xuân đến người dân vùng rốn lũ chúng tôi”, anh Thào A Dê nói.

Lao Chải là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ hồi đầu tháng 8/2023. Cả xã có 35 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 53 ngôi nhà bị thiệt hại nặng và 38 nhà phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.

Để giúp cho những gia đình bị ảnh hưởng nhanh chóng làm lại nhà ở, ổn định đời sống, chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm kiếm quỹ đất để san gạt, phân lô cho các hộ không có đất ở. Đồng thời, phối hợp với các ngành huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân dựng nhà.

Xã cũng huy động các nguồn xã hội hóa, tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân. Đến nay, 100% các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai đều đã làm lại nhà ở, đảm bảo 3 cứng với đầy đủ các hạng mục phụ trợ khác. Điều này đã tạo cho bộ mặt nông thôn mới của xã Lao Chải thêm khởi sắc.

Người dân nghèo ở huyện Mù Cang Chải bị ảnh hưởng bởi thiên tai chuẩn bị Tết.

Người dân nghèo ở huyện Mù Cang Chải bị ảnh hưởng bởi thiên tai chuẩn bị Tết.

Để ai cũng có Tết...

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa, giúp đỡ các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai để người dân được vui xuân đón Tết một cách đầm ấm. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng sẽ rà soát xem các hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai thực sự thiếu đói, không có thịt trong dịp Tết để hỗ trợ.

Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để đảm bảo cho các hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai đều được đón Tết”, anh Giàng A Vàng, Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải chia sẻ.

Rời xã Lao Chải, đến với các bản làng của xã Hồ Bốn trên những cung đường hở hàm ếch do lũ, sạt lở đất và những vết tích của trận lũ gây ra, chúng tôi không còn thấy cảnh những ngôi nhà xiêu vẹo, ngổn ngang. Thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang, cùng niềm vui và những nụ cười của người dân nơi đây.

Gia đình ông Giàng A Chống là một trong những hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Ông Chống cho biết, khi cơn lũ đi qua là lúc ông tuyệt vọng nhất, bởi toàn bộ tài sản cùng ngôi nhà đã trôi theo dòng lũ. Bản thân ông cũng không ngờ có thể làm lại nhà cửa nhanh đến thế để gia đình ổn định lại cuộc sống như hôm nay.

“Tết cổ truyền đang đến gần và tôi rất vui vì hiện nay đã làm lại được nhà ở khang trang hơn trước. Dù nhiều tài sản đã cuốn trôi, nhưng đã có nhà nên thời gian tới tôi sẽ cố gắng gây dựng lại cuộc sống, tích cực tham gia phát triển phát triển kinh tế cho gia đình để có cuộc sống ấm no như trước”, ông Chống bày tỏ.

Trận lũ hồi đầu tháng 8/2023, xã Hồ Bốn có 91 nhà bị ảnh hưởng. Trong đó, có 21 nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn; 27 căn bị thiệt hại nặng và 13 ngôi phải di dời khẩn cấp.

Với sự hỗ trợ của các cấp, hiện nay xã đã khắc phục và giúp nhân dân làm lại nhà ở, cuộc sống người dân vùng lũ đã cơ bản ổn định. Đặc biệt, khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, việc chăm lo cho đồng bào vùng lũ lại được cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm và chú trọng hơn.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao với trên 90% là đồng bào Mông, đời sống khó khăn. Nơi đây còn thường xuyên hứng chịu thiên tai. Gần đây nhất là đầu tháng 8/2023, Mù Cang Chải chịu thiệt hại nặng nề do lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại trên 400 tỷ đồng. Có 729 nhà dân bị ảnh hưởng, trong đó 57 nhà bị sập và cuốn trôi hoàn toàn; 87 ngôi bị hư hỏng nặng, 65 hộ phải di dời khẩn cấp và 520 nhà bị hư hỏng nhẹ.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã kịp thời hỗ trợ và có những chính sách phù hợp giúp đỡ các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, tạo điều kiện cho các hộ nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

“Mù Cang Chải đã hoàn thành việc khắc phục 729 nhà với tổng kinh phí 5,97 tỷ đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng do lũ. Để người dân yên tâm đón Tết, huyện đã thành lập các đoàn công tác đi thăm hỏi, có phương án tặng quà các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai với tổng số hơn 6.700 suất quà. Cùng với đó, bố trí kinh phí từ nguồn dự trữ để mua 5,4 tấn gạo cấp cho 82 hộ, với 363 khẩu có nguy cơ thiếu lương thực dịp Tết Nguyên đán”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.