Khoảng 350 triệu học sinh trên khắp thế giới được học trong các trường ngoài công lập. Trong đó có trường học do tổ chức phi chính phủ (phi lợi nhuận) và trường hoạt động vì lợi nhuận.
Sự hiện diện của tư nhân trong giáo dục
Tham gia vào lĩnh vực tư nhân trong giáo dục còn có các bên như phục vụ xe buýt học sinh, hãng cung cấp đồng phục, nhà xuất bản sách giáo khoa và quản lý căng tin trường học. Các công ty công nghệ cũng đạt nhiều tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là khi có đại dịch Covid-19 với những thử nghiệm từ trực tuyến tới lớp học ảo.
Có nhiều lý do giải thích tại sao khu vực tư nhân đang đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục. Một trong những điểm hấp dẫn là có một thị trường tiềm năng cho họ trong lĩnh vực giáo dục. Trên toàn cầu, 1,6 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên đến lớp mỗi ngày và 5 nghìn tỷ USD được chi cho giáo dục mỗi năm.
Không thể phủ nhận, nhiều tổ chức giáo dục tư nhân đang hoạt động ở những nơi có nhu cầu cấp thiết: Nơi có xung đột, khủng hoảng, ở nhiều quốc gia có hệ thống giáo dục công hoạt động không hiệu quả. Nhưng có một thực tế, trong khi các chính phủ bị ràng buộc bởi cam kết phải bình đẳng trong giáo dục, khu vực tư nhân lại không bị ràng buộc.
Để điều tra vai trò và tác động của các bên tư nhân đối với lĩnh vực giáo dục trên thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tổng hợp Báo cáo Giám sát Giáo dục toàn cầu năm 2021-2022.
Báo cáo này nêu vai trò ngày càng mạnh của chủ thể tư nhân có thể gây tổn hại đến mục tiêu “Mọi trẻ em được hưởng giáo dục miễn phí 12 năm”. Năm 2015, các nước đã cam kết mọi trẻ em được hưởng giáo dục miễn phí suốt 12 năm trong Khung hành động Giáo dục 2030.
Báo cáo trên trích dẫn nhiều ví dụ về quan hệ đối tác, hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức tư nhân và nhà nước, chẳng hạn như thiết kế các hệ thống kỹ năng phù hợp với thị trường lao động. Nhưng cũng có nhiều trường hợp mà sự quản lý và giám sát của vô số tác nhân trong giáo dục đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát và dẫn đến sự phân tán của hệ thống giáo dục.
Thách thức lớn hiện nay là đảm bảo sự hiện diện của khu vực tư nhân trong giáo dục không gây khó khăn hơn cho trẻ em đang đi học nhưng bị tụt hậu vì nghèo đói. Mặc dù có một số quy định có ý nghĩa, khó có thể đảm bảo các trường tư thục sẽ hỗ trợ chương trình nghị sự của chính phủ để giúp đỡ trẻ em như vậy.
Báo cáo của UNESCO cho thấy ở khoảng 40 quốc gia, trẻ em của các hộ gia đình giàu có nhất có thể học tại trường tiểu học tư thục cao hơn 10 lần so với người nghèo nhất. Nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn đối với sự bình đẳng, hơn ¼ quốc gia đã cấm hoạt động vì lợi nhuận trong giáo dục tiểu học và trung học.
Tuy nhiên, những biện pháp như vậy hiếm khi được áp dụng trong giáo dục mầm non vốn là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và tiềm năng của các em sau này trong cuộc sống.
Ở cấp độ này, các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân thậm chí còn hiện diện nhiều hơn cả ở giáo dục tiểu học và trung học. Ở nhiều quốc gia, điều này khiến cho các gia đình nghèo nhất (vốn cần những dịch vụ đó nhất vì họ ít có lựa chọn cho việc chăm sóc trẻ em) khó có khả năng chi trả.
Ví dụ, ở Mỹ - nơi sự nghèo đói ảnh hưởng không tương xứng đến người da màu và nơi thiếu đáng kể các cơ sở giáo dục sớm do nhà nước tài trợ, không ít gia đình da màu có 2 con nhỏ phải chi tiêu 56% thu nhập của mình cho con học mẫu giáo.
Báo cáo của UNESCO kêu gọi các chính phủ bảo đảm, bất cứ ai tham gia vào giáo dục và dù họ đang làm gì, đều phải tôn trọng cũng như tuân thủ các giá trị của sự bình đẳng và cho phép mọi trẻ em phát huy hết tiềm năng của mình.
Đề xuất một số giải pháp
Báo cáo của UNESCO cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể. Trước tiên, các chính phủ nên tuân theo những cam kết của họ và đầu tư vào giáo dục công miễn phí với chất lượng cao. Họ phải bảo đảm những gia đình nghèo nhất, không có tiền để trả cho nền giáo dục tốt hơn ở nơi khác, luôn có thể tiếp cận một trường học chất lượng tốt nơi họ đang ở.
Tuy nhiên, hiện 1/3 quốc gia trên thế giới vẫn đang chi cho giáo dục dưới 2 tiêu chuẩn quốc tế đã thống nhất là: Ít nhất 4% GDP hoặc ít nhất 15% tổng chi tiêu công. Điều này khiến phụ huynh thường giảm bớt chi phí cho các trường công lập.
Ví dụ ở Uganda, các gia đình thường phải trả các khoản phí không chính thức để cho con đi học, mặc dù điều này vi phạm pháp luật. Việc loại bỏ các chi phí này được chứng minh có lợi ích đáng kể. Một chương trình học bổng ở Gambia chi trả các phí không chính thức cho đồng phục và sách vở đã khiến số nữ sinh đăng ký đi học tăng lên 13%.
Thứ 2, các chính phủ nên bảo đảm những quy định tại các trường công lập và dân lập đều bình đẳng và được áp dụng vào thực tế. Trong hơn 200 hệ thống giáo dục được báo cáo xem xét trên thế giới, tuy một loạt quy tắc có trên giấy tờ nhưng không được thực thi đúng cách.
Điều này có thể thấy rõ nhất ở các nước như Nigeria – nơi sự gia tăng của các trường không đăng ký có học phí thấp và chất lượng thấp gây nguy hiểm cho việc giáo dục nhiều trẻ em.
Các quy định thực sự thúc đẩy giáo dục bình đẳng không được áp dụng rộng rãi. Khoảng 55% các nước cố gắng ngăn chặn các thủ tục tuyển chọn học sinh ở các trường dân lập, nhưng chỉ có 7% trong số đó có chính sách riêng để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận trường học.
Với báo cáo trên, UNESCO hy vọng các quy định giáo dục phải phù hợp với tất cả các nước và phải thúc đẩy sự công bằng cũng như chất lượng cho tất cả mọi người.