(GD&TĐ) - Để người dân giảm lo lắng với tin đồn về việc có chất tẩy trắng trong bún tươi, Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã bắt tay vào việc kiểm tra các cơ sở sản xuất bún tươi và các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn trên địa bàn.
Với 70 mẫu xét nghiệm lấy từ 62 cơ sở sản xuất bún từ nhiều địa phương kể cả những làng sản xuất bún nổi tiếng như Vân Cù, Ô Sa... chỉ phát hiện được 2 mẫu có tinopal tại cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Ái ở 10/73 Đặng Văn Ngữ, thành phố Huế với hàm lượng 7,57mg/kg; cơ sở sản xuất của ông Lê Ngọc Dũng ở tổ 3 phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy với hàm lượng 0,078mg/kg.
Sau khi kết quả, Sở Y tế đã có công văn trình UBND tỉnh yêu cầu ra quyết định xử phạt nghiêm (từ 30 đến 50 triệu đồng) về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với hai cơ sở trên. Theo PGS.TS Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế thì: Tuy tỷ lệ vi phạm là thấp, và mức xử phạt như trên là quá nặng so với các địa phương khác. Nhưng, để bảo vệ sức khỏe người dân thì cần phải có biện pháp mạnh đối với kiểu kinh doanh hám lời, không nên để một vài con sâu làm rầu nồi canh.
Được biết các cơ quan chức năng phối hợp với đoàn kiểm tra liên nganh của Thừa Thiên Huế tiếp tục kiểm tra tích cực các lò sản xuất bún trên toàn tỉnh, tập trung đến các lò bún có quy mô sản xuất nhỏ lẻ mang tính gia đình, khó kiểm soát để nhắc nhở, khuyến cáo bà con nên bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, Sở Y tế Thừa Thiên Huế còn làm nhiều xét nghiệm với 12 loại thực phẩm chế biến sẵn khác lấy mẫu từ các chợ và siêu thị như: bánh canh, bánh phở... để kiểm tra các chất gây độc khác như hàn the, hoomon, axic oxalic... nhưng không phát hiện độc tố nào.
Việc sản xuất bún bẩn không chỉ gây hại trực tiếp cho các cơ sở sản xuất doanh, người tiêu dùng lo lắng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu bún bò Huế nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Hy vọng với sự nghiêm khắc trong xử phạt ở Thừa Thiên Huế sẽ ngăn chặn được những việc làm bất nhân, hám lời của hai cơ sở nói trên, trả lại sự yên tâm cho cộng đồng.
Hương Lan