Xử phạt để nâng cao kỷ cương, nền nếp

Xử phạt để nâng cao kỷ cương, nền nếp

(GD&TĐ) - Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (GD) được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong quá trình lấy ý kiến, Dự thảo đã được góp ý với những ý kiến đồng thuận và cũng có không ít ý kiến trái chiều. Việc xử phạt hành chính trong GD trước đây đã có quy định nhưng vẫn còn nhiều bất cập và chưa được triển khai sâu rộng… Có thể thấy Nghị định lần này được xem là giải pháp căn cơ, góp phần chấn chỉnh kỷ cương trong các hoạt động giáo dục, đào tạo…       

Mong muốn “bốc” đúng thuốc

Trước đây các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã triển khai nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và chưa triển khai sâu rộng. Vì thế, còn tình trạng “lờn thuốc” hay xử lý qua loa. Bên cạnh đó, một số nơi triển khai quá “mạnh tay”, đôi khi cứng nhắc và dư luận đã phản ứng khi xảy ra vụ việc cơ quan chức năng xông vào bắt GV dạy thêm như bắt trộm, xem như việc phạm pháp từ đó làm mất hình ảnh người thầy và làm các em HS thêm hoang mang, lo lắng…

Không có nhiều trường đầy đủ cơ sở vật chất so với nhu cầu và quy định. Ảnh: Tuấn Hải

Không có nhiều trường đầy đủ cơ sở vật chất so với nhu cầu và quy định. Ảnh: Tuấn Hải

Không ít trường hợp dạy thêm, học thêm chưa theo quy định và có thể nói là dạy “chui”. Có không ít thầy cô giáo gợi ý HS phải đi học thêm nên gây hiệu ứng không tốt đối với phụ huynh và xã hội… Một trong những điểm mới của Dự thảo Nghị định lần này là xử phạt các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm với mức phạt từ 3 - 30 triệu đồng… Đây được xem như giải pháp “mạnh tay” trước tình hình dạy thêm học thêm diễn biến khá phức tạp như hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Thực tế là có những GV dạy thêm chân chính, giúp HS nâng cao trình độ, bồi dưỡng HS giỏi, nâng kém HS học lực yếu, nhiều GV không hề nhận bất kỳ khoản thù lao nào. Tuy nhiên, cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh” khi một bộ phận GV lợi dụng việc dạy thêm để thu lợi bất chính… Nhiều người bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương mạnh tay này nhưng vấn đề đặt ra là việc dạy thêm không đơn giản mà có muôn hình vạn trạng, cần phải có giải pháp để “bắt đúng bệnh” và “bốc đúng thuốc” để trị.

Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được xem là giải pháp góp phần làm cho môi trường giáo dục thêm thân thiện và tích cực
Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được xem là giải pháp góp phần làm cho môi trường giáo dục thêm thân thiện và tích cực

Ông Nguyễn Quí Đôn - Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - cho biết, vi phạm phải có xử lý và xử lý ở nhiều mức, từ xử lý hành chính đến hình sự… nên Nghị định mới là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Xử phạt là một giải pháp, sẽ hạn chế được những tiêu cực, giải pháp này chúng ta hiểu như một “bài thuốc” trị bệnh, “bài thuốc” đó đúng bệnh thì bệnh sẽ giảm hoặc hết hẳn. Nếu bài thuốc không đúng bệnh thì không có tác dụng gì cả, đôi khi còn nguy hại hơn… Tuy nhiên xử phạt chỉ là giải pháp cứng, có tính răn đe và quan trọng nhất là phải làm sao giữ được đạo đức nhà giáo và đạo đức trong HS và cách nhìn nhận của xã hội về nhà giáo để giữ được mối quan hệ thầy - trò, nhà trường - GV, GV - phụ huynh… Còn đến khi xảy ra chuyện rồi thì xử phạt có khi quá trễ và tiền bạc không giải quyết được vấn đề… 

Phạt tiền không phải là mục đích cuối cùng

Một nhà giáo cho biết, dù Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2012 quy định các trường tiểu học không được dạy thêm các môn văn hóa, trừ dạy bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống. Thời gian qua có một số nơi đã lợi dụng kẽ hở của Thông tư 17, xin cấp phép cho dạy thêm về thể dục thể thao, kỹ năng sống nhưng lại không dạy các môn theo giấy phép mà tổ chức dạy thêm các môn nâng cao kiến thức như Toán, Tiếng Việt cho HS trên cơ sở phụ huynh HS “tự nguyện”.

Thông tư 17 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT đã được triển khai hơn 8 tháng qua, tuy nhiên tình hình áp dụng Thông tư ở các địa phương vẫn còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó có địa phương vẫn lúng túng, bị động và chưa đưa ra giải pháp căn cơ quản lý dạy thêm, học thêm… Ông Nguyễn Quí Đôn - Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, có trường hợp GV gọi điện đến từng phụ huynh thông tin rằng con em họ phải đi học thêm. Ông Đôn nhấn mạnh, đây là việc cần phải chấn chỉnh và xử lý nghiêm. 

Mục tiêu của Nghị định là hướng tới một môi trường giáo dục đảm bảo chất lượng
Mục tiêu của Nghị định là hướng tới một môi trường giáo dục đảm bảo chất lượng 

Nhiều ý kiến trong ngành Giáo dục cho rằng, trước đây xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực GD vẫn còn mang tính “bảo nhau” là chính. Vì một nhà giáo bị vi phạm, bị phạt nghĩa là trong mắt đồng nghiệp, HS, phụ huynh ít nhiều sẽ khác đi. Nếu Nghị định lần này được triển khai sâu rộng, thì những nhà giáo xem đó như điều “tối kỵ” để không vi phạm chứ phạt tiền không phải là mục đích cuối cùng hướng đến. 

Dạy thêm học thêm tiêu cực ở chỗ GV dạy HS ở trường và lôi kéo HS để dạy thêm nhằm trục lợi, đây là việc cần phải cấm. Còn chuyện một GV dạy giỏi HS các nơi tìm đến học nâng cao trình độ, GV không yêu cầu về tiền bạc hay không o ép phụ huynh, HS, thì không phải là tiêu cực. 

Chúng ta cần phải hiểu rằng không cấm dạy thêm, không cấm học thêm nhưng cấm biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm học thêm. Vấn đề là tìm ra nguyên nhân, những biểu hiện tiêu cực để kiên quyết xử lý triệt để.  

Nguyễn Quí Đôn (Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ)

Ông Đôn cũng đề xuất, trước khi xử phạt vi phạm về dạy thêm, học thêm phải hết sức cân nhắc và làm rõ vấn đề. “Từ trước đến giờ chúng ta có đề cập đến vấn đề này nhưng vẫn chưa làm được, cần phải phân tích nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong dạy thêm học thêm ở chỗ nào”. Dạy thêm học thêm tiêu cực ở chỗ GV dạy HS ở trường và lôi kéo HS để dạy thêm nhằm trục lợi, đây là việc cần phải cấm. Còn chuyện một GV dạy giỏi HS các nơi tìm đến học nâng cao trình độ, GV không yêu cầu về tiền bạc hay không o ép phụ huynh, HS, thì không phải là tiêu cực. “Chúng ta cần phải hiểu rằng không cấm dạy thêm, không cấm học thêm nhưng cấm biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm học thêm. Vấn đề là tìm ra nguyên nhân, những biểu hiện tiêu cực để kiên quyết xử lý triệt để”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ nói.

Hiện nay tình trạng dạy thêm, học thêm là vấn đề nóng nhất và cũng nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ dư luận xã hội. Nhiều GV và phụ huynh tỏ ra đồng tình với đề xuất phạt “mạnh tay” này đối với các hành vi dạy thêm tiêu cực. Việc đề xuất mức xử phạt đối với vi phạm quy định dạy thêm tuy không dễ thực hiện nhưng cho thấy ngành Giáo dục thật sự đang rất quyết tâm, mong muốn giải quyết một cách triệt để tình trạng dạy thêm học thêm gây bức xúc cho dư luận lâu nay. Đồng tình với quan điểm “làm sai phải chịu phạt” nhưng nhiều  phụ huynh và GV cho rằng, việc xử phạt không dễ thực hiện vì chúng ta chưa có cơ chế quản lý chặt chặt chẽ, quan trọng nhất là làm sao đúng người, đúng tội để đảm bảo kỷ cương trong môi trường GD. 

Vấn đề đảm bảo đủ số lượng, diện tích phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, sân chơi và các công trình phục vụ dạy và học nếu không đảm bảo sẽ bị phạt ở mức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Đặc biệt là xử phạt từ 5 - 20 triệu đồng đối với hành vi bố trí số HS, SV/lớp vượt quá quy định. Đây là việc hết sức khó khăn cho các trường phổ thông ở vùng thành thị và cả vùng nông thôn khi diện tích không đảm bảo, cơ sở vật chất thiếu thốn mà số lượng HS ngày càng cao… “Việc đảm bảo sĩ số HS/lớp và đảm bảo cơ sở vật chất là rất khó, không ai muốn một lớp học vượt quá sĩ số, có khi lên đến 40, 50 em nhưng vì áp lực sĩ số HS tăng ngày càng cao ở các thành phố do tình hình di dân cơ học rất lớn…” - Ông Nguyễn Quí Đôn cho biết. 

Còn ông Nguyễn Văn Hảo - Phó GĐ Sở GD&ĐT Bạc Liêu - cho biết, trong Dự thảo Nghị định cần phải làm rõ hơn về quy định phạt người cản trở việc đi học của người học các cấp phổ cập. Theo ông Hảo, nhiều gia đình hoàn cảnh nghèo, khó khăn quá nên cho con nghỉ học ở nhà để phụ giúp gia đình. Nếu căn theo quy định thì liệu có xử phạt gia đình này vì hành vi cản trở việc học của con em trong khi họ đã nghèo, giờ bị phạt tiền thì rất khó…

Mới đây vụ việc đáng tiếc xảy ra ở một trường THCS ở Sóc Trăng làm dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là sự việc cô giáo H.T.H.N. đánh HS ở Trường THCS Trung Bình (xã Trung Bình, huyện Trần Đề). Sau Tết vụ việc được phát giác khi cô giáo của trường dùng roi đánh nhiều HS làm một số em không dám tới trường. Nguyên nhân HS bị cô giáo đánh là đi học trễ, xếp hàng không thẳng, ngồi trong lớp nói chuyện, không thuộc hoặc không làm bài… Cô giáo đánh mỏi tay thì giao cho lớp trưởng đánh các bạn cùng lớp. Khi vụ việc được phát giác, cô N đã thừa nhận hành vi sai trái của mình trước ban giám hiệu, phụ huynh HS và nhà trường đã kỷ luật cô ở mức độ cảnh cáo. Sự việc đau lòng diễn ra khiến không ít nhà giáo, phụ huynh tiếc nuối, quả là “thương cho roi cho vọt” nhưng đôi lúc có những GV xử lý quá nóng vội, cảm tính và thiếu suy nghĩ.   

Có quy định này xem như có một “tường lửa” để những nhà giáo nóng tính phải suy nghĩ. Tuy nhiên vụ việc đã xảy ra, cô giáo đã vi phạm đạo đức nhà giáo, làm hình ảnh cô trong mắt học trò và phụ huynh phần nào ảnh hưởng. Đáng tiếc hơn khi cô N là GV có chuyên môn vững, nhiệt tình, từng đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở và GV giỏi cấp tỉnh… 

Cách đây không lâu Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã kỷ luật 16 GV vì dạy kèm theo hình thức gia sư với hàng chục HS, trong khi quy định cho phép gia sư chỉ được dạy không quá hai HS/lần… Trước đó UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Chỉ thị về việc xử lý dạy thêm, học thêm. Theo đó, nghiêm cấm việc gợi ý HS, phụ huynh HS viết đơn về nhu cầu học thêm để tổ chức dạy thêm. UBND tỉnh cũng quy định rõ, các trường học phải niêm yết công khai danh sách GV, HS của trường có đăng ký dạy thêm, học thêm ngoài trường. Nếu dạy kèm dưới hình thức gia sư phải dạy tại nhà của HS và không quá hai HS. Nếu phát hiện GV dạy thêm không đúng quy định, hiệu trưởng sẽ chịu hình thức kỷ luật, thấp nhất là hạ một bậc thi đua. Sở GD&ĐT Cà Mau cũng đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, xử lý và công khai vi phạm về dạy thêm, học thêm…

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ