Xứ Mường đang ‘thay da, đổi thịt’

GD&TĐ - Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tân Lạc (Hòa Bình) giảm đáng kể qua các năm. Đời sống của đồng bào vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được cải thiện.

Đời sống của người dân xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc ngày càng khởi sắc
Đời sống của người dân xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc ngày càng khởi sắc

Ưu tiên xóa đói, giảm nghèo...

Tân Lạc là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Hoà Bình. Nơi đây được ví như cửa ngõ nối liền giữa miền Tây Bắc và thủ đô Hà Nội. Địa phương này có diện tích tự nhiên khoảng 52,3 km2 thì có tới hơn 80% là đồi núi. Tân Lạc được biết đến là một trong những cái nôi văn hóa của người Mường. Hiện nay, nơi đây chủ yếu có 2 dân tộc anh em cùng chung sống là: Mường và Kinh.

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có chuyến công tác lên một số xã vùng cao nơi đây. Các tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã được trải cấp phối thuận tiện. Những ngôi nhà xây mọc lên san sát nhau chứng minh cho sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất này. Đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo.

Nhân dân huyện Tân Lạc chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp dù đất sản xuất chỉ chiếm 14,2% diện tích tự nhiên. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, kinh tế nông nghiệp nơi đây đang dần chuyển dịch theo hướng hàng hoá, dịch vụ. Nông dân đã biết áp dụng tiến bộ Khoa học - Kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó mà năng suất cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng cao. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Huyện Tân Lạc xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình chăn nuôi đại gia súc
Huyện Tân Lạc xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình chăn nuôi đại gia súc

Ông Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Bởi vậy, hàng năm đều xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, triển khai sâu rộng đến từng xóm, từng xã. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: Điện lưới, đường giao thông, nước sinh hoạt, trạm xá, trường học… tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách tốt nhất”.

Để công tác xóa đói đạt hiệu quả, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất lạc hậu. Thông qua các chương trình dự án giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ cây, con giống mới. Đồng thời với đó là việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân áp dụng. Song song với đó, từng bước thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về đất đai để đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp. Trên cơ sở đó, dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực.

Tranh thủ mọi nguồn lực...

Theo ông Bùi Văn Nhỏ, những năm qua huyện đã thực hiện nhiều công trình, dự án đầu tư hạ tầng với tổng số vốn đầu tư trên vài trăm tỷ đồng. Có thể kể đến như một số công trình thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng... Các công trình đã phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng khó.

Cùng với đó, huyện còn nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện 1 mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Trung Hòa; 2 dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Gia Mô và Lỗ Sơn. Huyện đang phân bổ kinh phí cho UBND các xã triển khai mô hình với kinh phí 907 triệu đồng. Gần 4 năm qua, huyện đã thực hiện 72 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Bên cạnh đó, huyện Tân Lạc còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất. Đơn cử như việc các đoàn thể đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp bà con vay vốn đầu tư cho mô hình kinh tế. Nhờ đó đã giúp hàng trăm lượt hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Bùi Văn Dũng (xã Lỗ Sơn) thoát nghèo, có nhà xây sau thời gian thực hiện chương trình hỗ trợ cây bưởi đỏ trồng trên đất dốc. Nhờ đó có thu nhập ổn định hơn trước.

Gia đình anh Bùi Văn Dũng (xã Lỗ Sơn) thoát nghèo, có nhà xây sau thời gian thực hiện chương trình hỗ trợ cây bưởi đỏ trồng trên đất dốc. Nhờ đó có thu nhập ổn định hơn trước.

Chị Bùi Thị Xuyến, xóm Biệng (xã Quyết Chiến) chia sẻ: “Trước đây, tôi vay 50 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư trồng cây su su. Số tiền dư còn lại tôi mua thêm 2 con bò sinh sản về nuôi phát triển kinh tế. Sau thời gian làm lụng, đến nay gia đình tôi đã có 6 con bò và vườn su su rộng hơn 2.000m2. Hiện gia đình đã thoát nghèo và khá giả hơn”.

Với sự quan tâm vào cuộc của các cấp lãnh đạo huyện, cùng sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các xã vùng khó khăn của huyện Tân Lạc đã có những đổi thay rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất của người dân được nâng cao rõ rệt.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại như: Chăn nuôi bán tự nhiên gia súc, gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả ở các xã có diện tích đồi núi lớn. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là tạo giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con nông dân. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn đạt hiệu quả cao nhất”, ông Bùi Văn Nhỏ khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ