Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Mũi tên trúng nhiều đích

GD&TĐ - Nhiều lái xe cho rằng, mình uống rượu từ hôm qua hoặc chỉ nhấp một chút nước hoa quả có cồn thì không còn lượng cồn trong máu.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn lái xe.
CSGT kiểm tra nồng độ cồn lái xe.

Kiểm soát chặt người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu không những giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông (TNGT) bảo vệ tính mạng người dân, giữ gìn an ninh trật tự, mà còn bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, tránh hệ lụy từ rượu bia.

Sau bao lâu cơ thể đào thải hết cồn?

Nhiều lái xe cho rằng, mình uống rượu từ hôm qua, hoặc chỉ nhấp một chút nước hoa quả có cồn thì không còn lượng cồn trong máu.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết: “Về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10 - 15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85 - 90% sẽ được xử lý qua gan”.

Với thực tế phổ biến của tình trạng người dân uống rượu tại hầu hết mọi nơi trên toàn thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm đơn vị cồn. 1 đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200ml bia; 75ml rượu vang (1 ly); 25ml rượu mạnh (1 chén).

Theo bác sĩ Hoàng, đối với một người trưởng thành có sức khỏe bình thường thì cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là một con số ở mức trung bình. Tùy theo từng cá thể khác nhau, ví dụ như người gan yếu, người có cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.

“Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi nồng độ cồn trong cơ thể ở mức cao, nghĩa là khi chúng ta uống nhiều rượu thì tốc độ thải trừ cồn của gan lại nhanh hơn. Ngược lại, khi nồng độ cồn trong cơ thể ít thì tốc độ này lại chậm đi. Đặc biệt, người dân cần lưu ý, cho dù sau khi gan đã thải trừ hết nồng độ cồn thì về cơ bản, cơ thể vẫn cần 2 - 3 tiếng để thải trừ hết hoàn toàn”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.

Do đó, theo bác sĩ Hoàng, không có câu trả lời hoàn toàn chính xác cho câu hỏi: “Tôi uống 1 lượng cồn nhất định, sau bao lâu thì thổi nồng độ cồn bình thường”. Bởi, tùy vào từng cá thể khác nhau mà thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể ước lượng được quãng thời gian.

Ví dụ, khi uống 5 đơn vị cồn thì gan sẽ mất khoảng 5 - 6 tiếng để thải trừ được hết cồn và thêm 2 - 3 tiếng tiếp theo, cơ thể sẽ hết loại trừ hoàn toàn cồn có trong cơ thể.

“Mặc dù vậy, vẫn cần nhấn mạnh, đây là những con số mang tính trung bình, ước tính. Mỗi cá nhân sẽ có thời gian khác nhau và có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ thải trừ cồn của cơ thể. Ví dụ, có những người ăn rất nhiều rồi mới uống rượu.

Như chúng ta đã biết, rượu được hấp thu 20% ở dạ dày và 80% ở ruột non. Khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng giải thích.

Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông dịp cuối năm thường rất lớn.

Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông dịp cuối năm thường rất lớn.

Mức phạt phù hợp với thực tiễn

Một số ý kiến cho rằng, cần quy định một mức nồng độ cồn nào đó đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Về điều này, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an đã dẫn ra 4 quan điểm để khẳng định rằng, việc cấm tuyệt đối lái xe sử dụng rượu, bia là đúng đắn, cần thiết.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, việc cấm này phù hợp với quốc tế và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể, Khoản 6, Điều 5 quy định “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi bị cấm.

Mặt khác, hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa đồng bộ; tình hình sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông còn nhiều; nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của đại bộ phận người dân còn chưa cao, gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh, mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được quy định hiện nay là hợp lí, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đầu tháng 12 vừa qua, Thủ tướng có Công điện đảm bảo ATGT dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024. Trong công điện, Thủ tướng giao Bộ Công an tập trung xử lý nguyên nhân gây TNGT dịp Tết như nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, đi sai làn hoặc ngược chiều.

Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, sẽ triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT, trong đó tăng cường nội dung điều tiết liên tỉnh. Cụ thể, Bộ Công an sẽ điều tiết công an các địa phương, giữa những người thực thi nhiệm vụ trên tuyến đường với công an cấp xã để xử lý hiệu quả hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng là nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ.

“Tổ công tác tuần tra, xử lý vi phạm theo phương án khép kín 24/24 giờ, tập trung vào ô tô khách, ô tô chở hàng vi phạm. Lực lượng chức năng sử dụng phương thức công khai kết hợp hóa trang, tuần tra cơ động kết hợp dừng kiểm soát tại một điểm...”, đại diện Cục CSGT cho hay.

Trung tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) thì cho biết, những ngày cuối năm, lượng người, phương tiện tham gia giao thông luôn ở mức cao. Phòng quán triệt toàn thể chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia phân luồng, hướng dẫn giao thông, nhất là trong những khung giờ cao điểm.

Phòng CSGT cũng yêu cầu các đơn vị chủ động nắm bắt tình hình địa bàn, đặc biệt là những địa bàn có các công trình đang thi công, địa bàn có tình hình giao thông phức tạp, chủ động lên phương án, bố trí lực lượng.

Đồng thời, các đơn vị làm tốt công tác phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã, trao đổi thông tin về tình hình giao thông trên tuyến, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh để chủ động có biện pháp giải quyết khi có ùn tắc.

Phòng CSGT đề nghị người dân chủ động cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh về tình hình trật tự ATGT, các hành vi vi phạm trật tự ATGT qua trang Zalo: Phòng CSGT Hà Nội, số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 để xử lý kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xem XSMB 100 ngày mở thưởng