Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những ý kiến trái chiều về vấn đề nhiều lái xe không sử dụng rượu bia nhưng trên máy đo vẫn hiển thị hơi thở có cồn.
Vì sự an toàn trên mỗi cung đường
Nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, tối 29/11, tại địa bàn phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa (Hà Nội), cảnh sát giao thông kết hợp với các đơn vị liên quan triển khai kiểm tra, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, phóng viên chỉ ghi nhận 2 trường hợp tài xế điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn.
Cụ thể, các tổ công tác kiểm tra vi phạm theo hình thức định tính và định lượng. Khi kiểm tra định tính phát hiện có cồn, cảnh sát giao thông mới yêu cầu tài xế xuống xe để kiểm tra định lượng.
Theo khảo sát nhanh, số trường hợp sai phạm đã giảm rõ rệt sau khi Chính phủ ban hành nghị định về việc xử phạt hành chính và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố trong năm 2023 giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết so với 2022.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, anh Hoàng Ngọc H (30 tuổi, Hà Nội) cho biết sử dụng ô tô làm phương tiện đi làm hàng ngày. “Tôi có bị kiểm tra nồng độ cồn trên đường về nhà, cụ thể ở đường Lạc Long Quân, đường Nghi Tàm. Tôi có ăn hoa quả, uống sinh tố, tuy nhiên không giống thông tin tôi đọc được trên mạng là ăn hoa quả lên men dẫn đến quá mức cho phép của nồng độ cồn. Tôi chưa bị xử phạt lần nào”, anh H nói.
Anh Nguyễn Ngọc A (42 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng có nghe và đọc một số thông tin về việc sử dụng một số loại thức ăn, thuốc khi kiểm tra nồng độ cồn sẽ lên. Tôi nghĩ mình cứ thực hiện đúng thì không phải lo lắng gì đâu. Tôi cũng chưa bị xử phạt lần nào. Khi tham gia giao thông, tôi tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật nên cũng không có gì lo lắng cả”.
Linh hoạt trong xử lý vi phạm
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP) và Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 (Nghị định 123/2021/NĐ-CP): Người điều khiển xe ô tô và các loại phương tiện tương tự xe ô tô bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng - 40.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 - 24 tháng tùy vào mức độ vi phạm. Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 8.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 đến 24 tháng tùy vào mức độ vi phạm. Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác bị phạt tiền từ 80.000 đồng - 600.000 đồng.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, gần 2 tháng thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước chuyển biến tích cực, TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí.
Cụ thể, các tổ công tác đã tổ chức 316 ca kiểm tra nồng độ cồn, trực tiếp kiểm soát 197.932 phương tiện (96.990 ô tô, 100.942 mô tô và xe máy điện, xe 3 bánh). Qua đó, phát hiện và bàn giao cho địa phương xử lý 6.391 trường hợp vi phạm (1.202 trường hợp điều khiển ô tô, 5.160 mô tô, 28 xe máy điện, 1 xe ba bánh).
Trong đó có 6.119 trường hợp (1.129 trường hợp điều khiển ô tô, 4.963 mô tô, 26 xe máy điện, 1 xe ba bánh) vi phạm về nồng độ cồn; 46 trường hợp (12 ô tô, 33 mô tô, 1 xe máy điện) không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn; 32 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy; 12 trường hợp vi phạm về tải trọng và kích thước hàng hóa; 187 trường hợp vi phạm khác.
Qua xác minh đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, có 184 trường hợp là cán bộ, công chức (175 trường hợp đang công tác, 13 trường hợp đã nghỉ hưu), có 15 trường hợp là phóng viên, báo chí. Các trường hợp này, ngoài xử lý theo quy định, Cục CSGT còn gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của cơ quan.
Theo Nghị định 100, quy định nồng độ cồn của tài xế không vượt quá 50 miligam/100ml máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở, vậy nên không có mức thấp nhất để loại trừ.
Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm: Để không bỏ sót cũng như đảm bảo công bằng cho người tham gia giao thông, các tổ công tác cũng nên lên phương án xử lý linh hoạt với những trường hợp tài xế không sử dụng rượu, bia mà hơi thở vẫn có nồng độ cồn.
Trong trường hợp không rõ ràng, giữa tổ công tác và người bị cho là vi phạm không có sự thống nhất, người tham gia giao thông có thể yêu cầu cảnh sát giao thông đưa đi xét nghiệm máu tại các cơ sở y tế để đưa ra kết quả chính xác nhất. Nếu kết quả xét nghiệm trong máu không có cồn thì cảnh sát sẽ không lập biên bản xử phạt người tham gia giao thông.
Thực tế cho thấy, trong quá trình xử lý vi phạm, cũng không ít trường hợp tài xế có sử dụng rượu bia nhưng đưa ra nhiều lý do quanh co, không phối hợp, gây cản trở cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Theo Điều 6, Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ phải tự chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Vì vậy, nếu người dân đã sử dụng rượu bia thì không nên yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu để lãng phí tiền bạc cũng như thời gian.