Lỗi chính là ở người lớn
Chia sẻ về sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng đó là việc vô cùng đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh từ Trung ương đến Chính phủ đều rất cố gắng đầu tư cho giáo dục, toàn xã hội quan tâm đến giáo dục. Những vi phạm hết sức nghiêm trọng này không chỉ dừng lại ở việc nâng điểm thi, không chỉ hiển thị bằng số điểm được nâng lên mà sâu xa hơn, đó là sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận từ cán bộ quản lý giáo dục đến các thầy cô giáo, sau đó là các em học sinh. “Đó mới là điều đáng lo nhất” - nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ.
Quan điểm của GS Nguyễn Thị Doan, những người tham gia vào việc nâng điểm cho thí sinh, công an đã điều tra làm rõ và chắc chắn sẽ xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật; kể cả cha mẹ thí sinh nhờ nâng điểm cho con em cũng phải xử lý, đã có quy định rõ ràng về việc này, không nương tay dù đó là bất cứ ai; vì đó là sự gian dối, sự xuống cấp đạo đức - điều vô cùng nguy hiểm trong ngành Giáo dục, nơi đào tạo ra nguồn nhân lực tương lai cho đất nước.
Riêng với các thí sinh có liên quan đến việc này, GS Nguyễn Thị Doan cho rằng, các cháu cũng có lỗi. Lỗi đó là biết rõ học lực của mình, biết rõ bài thi mình làm được ở mức độ nào, nhưng khi được thông báo điểm cao như vậy vẫn chấp nhận, vẫn vào học đại học.
Tuy nhiên, việc xử lý cần có tác dụng giáo dục, răn đe, nhưng cũng phải hết sức nhân văn, nghĩ rộng hơn đến tương lai của các thí sinh này. Nếu công bố danh tính, chắc chắn hậu quả sẽ rất nặng nề, nhất là ở độ tuổi vô cùng nhạy cảm; trong khi lỗi chính không phải của các em mà là của người lớn.
“Với những cháu sau kết quả điều tra không đủ điểm vào đại học, nay phải buộc thôi học đã là một bài học, hình phạt đích đáng, các cháu phải xấu hổ. Nếu thêm bị công khai danh tính, bị dồn vào chân tường chắc chắn sẽ có những hậu quả khôn lường” - GS Nguyễn Thị Doan phân tích.
Không chỉ không đồng ý với việc công khai danh tính thí sinh, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam còn cho rằng, cần có sự động viên, tư vấn kịp thời với đối tượng này, để các em tiếp tục trang bị kiến thức để có thể thi đỗ vào đại học bằng đúng năng lực của mình.
“Báo chí, dư luận nhiều khi làm mạnh quá mà không nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra với các em. Đừng đẩy các cháu ra bên lề dẫn đến tiêu cực” - GS Nguyễn Thị Doan nói thêm đến tác động của truyền thông trong vấn đề này.
GS Nguyễn Thị Doan mong muốn nhà nước đặc biệt quan tâm tới ngành sư phạm. Ảnh minh họa |
Phải giải quyết những vấn đề gốc rễ
Cũng liên quan đến tiêu cực thi cử, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra những phân tích từ “căn gốc”, đó là sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội nói chung và một bộ phận nhà giáo, học sinh nói riêng; đó là bệnh thành tích; là sự chưa quan tâm đầy đủ đến giáo dục đạo đức trong nhà trường; là đời sống còn khó khăn của nhà giáo cũng như sự quan tâm chưa thực sự xứng đáng với các trường sư phạm.
Nói về giá trị đạo đức, đó là hiếu thân, tôn sư và có tình yêu đồng loại, GS Nguyễn Thị Doan cho rằng, cả 3 vấn đề trên đang bị lung lay. Trên nền chung như vậy, những “căn bệnh” ngoài xã hội cũng đã thâm nhập vào nhà trường. Bên cạnh rất nhiều các thầy cô giáo tốt, ngày ngày vượt qua vô vàn khó khăn, hy sinh cho học trò, cũng có bộ phận thầy cô xuống cấp về đạo đức, ít quan tâm đến học sinh, hoặc vì nhiều lý do khác nhau là làm ngơ trước những hành vi không đúng của học sinh.
Nói đến khía cạnh đạo đức, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng băn khoăn khi giáo dục đạo đức, kĩ năng sống vẫn chưa thực sự được coi trọng đúng mức trong nhà trường.
“Thời chúng tôi đi học có hẳn một môn Luân lý, sau đó gọi là Đạo đức, nay chúng ta gọi là Giáo dục công dân nhưng ôm đồm trong đó nhiều nội dung quá, không chuyển tải hết những nội dung đạo đức cần dạy cho học sinh. Chúng ta đang chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình mới phải khắc phục được hạn chế này. Thiết nghĩ ở bậc tiểu học không cần nhiều kiến thức, hãy chú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho các cháu” - GS nói.
Một nguyên nhân gốc rễ khác cũng được GS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, đó là chất lượng đào tạo của ngành sư phạm còn hạn chế, đầu vào sư phạm chưa cao, hệ thống trường sư phạm chưa được đầu tư quan tâm xứng đáng.
Và cuối cùng, cốt lõi vẫn là đời sống của nhà giáo. Mức lương cho nhà giáo còn thấp dẫn đến một số tiêu chực như dạy thêm học thêm, dẫn đến có một bộ phận giáo viên chưa hết mình, trách nhiệm với công việc.