Xử lý ô nhiễm bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng): Băn khoăn công nghệ, năng lực nhà đầu tư

GD&TĐ - TP Đà Nẵng chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, trong đó có hạng mục đốt rác sinh hoạt phát điện do Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam liên doanh với Công ty Everbright International (Hồng Kông) lập dự án. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân mà đỉnh điểm là việc dân căng lều bạt, chặn xe chở rác, khiến cả TP ùn ứ gần 1.500 tấn rác trong các ngày 6 - 7/7 vừa qua.  

Ngày 8/7, lực lượng công an TP Đà Nẵng phải “thông đường” để xe chở rác vào bãi rác Khánh Sơn, giải phóng hơn 1.500 tấn rác ùn ứ trong các khu dân cư
Ngày 8/7, lực lượng công an TP Đà Nẵng phải “thông đường” để xe chở rác vào bãi rác Khánh Sơn, giải phóng hơn 1.500 tấn rác ùn ứ trong các khu dân cư

Lúng túng trước bức xúc của cử tri

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, bình quân mỗi ngày toàn TP phải xử lý hơn 1.100 tấn rác thải sinh hoạt, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó, bãi rác Khánh Sơn vẫn vận hành theo công nghệ chôn lấp. “Tuy là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh nhưng các hố rác vẫn bốc mùi hôi thối, nhất là những ngày nắng nóng và khi thay đổi thời tiết. Công nghệ này gây ô nhiễm mạch nước ngầm, nước rỉ rác chảy tràn ra khu dân cư. Theo quy định, bãi rác phải cách khu dân cư 1.000m nhưng bãi rác Khánh Sơn chỉ cách vài trăm mét”, ông Hùng phân tích.

Năm 2009, TP Đà Nẵng cấp chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam thực hiện nhà máy xử lý rác tại bãi rác Khánh Sơn bằng công nghệ tái chế và đốt với quy mô 650 tấn/ngày. Năm 2015, nhà máy này đi vào khai thác giai đoạn 1 nhưng buộc phải dừng chỉ sau 6 tháng hoạt động do đầu tư máy móc công nghệ không đạt yêu cầu.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho biết, chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn là nhất quán. Vấn đề còn lại phải trả lời cử tri: Một là, quy hoạch rõ ràng, tuyên truyền cho người dân biết và đồng thuận. Hai là, thế giới hiện phát triển rất nhiều công nghệ tiên tiến và Đà Nẵng phải tiếp cận cho được những công nghệ tốt nhất. Ba là công khai minh bạch, đấu thầu, đấu giá rộng rãi qua mạng, làm bài bản theo quy định của pháp luật.

Trả lời chất vấn của các đại biểu trong kỳ họp HĐND mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: “Năm 2016, bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác xử lý theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh không đạt yêu cầu, cử tri kiến nghị rất nhiều. Thay vì đưa máy móc, thiết bị công nghệ vào làm cho tốt hơn lên để giải quyết bài toán môi trường tại chỗ thì chúng ta lại lúng túng trước bức xúc của cử tri nên đưa ra phương án tìm kiếm địa điểm khác. Mấy năm qua, thậm chí đã nhờ cả chuyên gia nước ngoài nhưng việc đó vẫn chưa có kết quả”.

Việc chính quyền Đà Nẵng cứ lùi thời hạn đóng cửa bãi rác rồi quyết định vẫn duy trì hoạt động, nâng cấp thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của TP khiến người dân nghi ngờ nhà máy đốt rác chỉ là giải pháp đối phó và khiến nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng.

Cam đoan sử dụng công nghệ châu Âu

Trước thông tin Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam tiếp tục đầu tư nhà máy đốt rác và thu hồi năng lượng, người dân Khánh Sơn đã phản ứng rất quyết liệt. Bà Hồ Thị Hiệp bức xúc: “Trước đây, mỗi buổi sáng, khi Công ty Môi trường Đô thị Việt Nam nhen lò lên là dân chúng tôi chịu không nổi. Rác phát ra dầu nhưng dân thì ra… mỡ. Giờ nghe công ty này tái phát làm nhà máy thì sao chịu được”.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, “vì Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam không thành công nên buộc công ty phải đầu tư công nghệ bảo đảm xử lý theo yêu cầu của chính quyền TP, còn không thì phải dỡ bỏ nhà máy”. Theo như kỳ vọng của TP Đà Nẵng thì việc xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với công nghệ tiên tiến sẽ giải quyết bài toán ô nhiễm ở bãi rác đồng thời xử lý toàn bộ số rác với khoảng 3,2 triệu tấn đang chôn lấp ở Khánh Sơn.

Ông Tô Văn Hùng cho biết, dự án nhà máy xử lý rác của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam tại Đà Nẵng vẫn còn trong thời hạn đầu tư. “Quan điểm của TP là công ty này liên doanh với một đơn vị khác, là một pháp nhân mới có năng lực triển khai dự án. Việc kiểm soát quy trình để triển khai nhà máy thì TP Đà Nẵng bảo đảm theo đúng quy định” - ông Hùng khẳng định.

Cũng theo ông Tô Văn Hùng, nếu theo công nghệ đốt này, TP sẽ kiểm soát lượng tro xỉ dưới 20%, trong đó trách nhiệm của chủ đầu tư phải xử lý, sử dụng tro xỉ làm thành các vật liệu xây dựng hoặc vật liệu khác, kiểm soát tỉ lệ tro bay dưới 5%.

Nếu Đà Nẵng cho phép đầu tư công nghệ đốt rác phát điện, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm xử lý 5% tro bay, TP không thực hiện việc này. Ông Hùng cũng cam kết, nhà máy đốt phát điện hay bất cứ nhà máy nào sắp tới Đà Nẵng kêu gọi đầu tư liên quan đến xử lý rác thì phải có xuất xứ công nghệ từ các nước châu Âu và phải có chứng nhận.

Ngoài nhà máy này, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, TP đang có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy nữa, xử lý triệt để cả số lượng đã chôn lấp từ trước đến nay, để bảo đảm vệ sinh môi trường cho khu vực. “Như vậy, sẽ có tính cạnh tranh, nhà máy nào xử lý không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm thì TP sẽ không đặt hàng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ