Quán nhậu tìm lối thoát
Từ 1/1, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý, Luật xử lý rất nghiêm những trường hợp điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn.
Chủ một cửa hàng bia Vuvuzela chia sẻ một bức ảnh trên Facebook với tiêu đề: “Cuối tuần là dịp quán đông khách vậy mà bây giờ chỉ có mỗi một người. Đó là ông chủ quán”. Theo vị chủ cửa hàng này, sau khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực, thì lượng khách đến quán giảm hẳn, số lượng bia bán được cũng rất ít.
Được biết, Vuvuzela là chuỗi cửa hàng thuộc hạng đông khách có tiếng trên cả nước. Thường vào dịp cuối tuần, nếu không đặt trước sẽ không có chỗ. “Không chỉ hệ thống của chúng tôi vắng khách mà các quán khác cũng vậy” - vị chủ cửa hàng chia sẻ.
Tuy nhiên, các quán bia đang nghiên cứu nhiều phương pháp để vẫn tiếp tục vận hành mà không để khách hàng phải “chịu thiệt”. Anh Thế Dương - chủ quán bia tại Hồ Rùa (phường Phương Liệt) cho biết: “Thời gian tới, cửa hàng sẽ tính đến phương án xây dựng đội ngũ nhân viên đưa khách về nhà sau khi uống rượu bia”. Anh Dương chia sẻ thêm, sẽ mở rộng bãi trông giữ xe để nếu khách say quá sẽ cử nhân viên đưa khách về bằng taxi, còn phương tiện của khách sẽ trông giữ tại bãi tới ngày hôm sau.
Trong khi đó, một số quán nhậu cũng đã có kế hoạch thay đổi thức uống dành cho khách hàng. Bia không cồn là một trong những giải pháp đáng chú ý. Đây là một thức uống có hương vị như bia, nhưng không có cồn hoặc nồng độ cồn rất thấp không gây say, vẫn có thể cho những cuộc nhậu thêm vui mà không gây say xỉn… Tại Việt Nam, đã có một doanh nghiệp tại TPHCM sản xuất loại bia này.
Giải thích thêm về loại bia này, ông Văn Thanh Liêm - Chủ tịch hãng bia không cồn tại Việt Nam cho biết: “Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bia không cồn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, các vấn đề về gan, dư đạm (bệnh gút), giảm gia tăng nguy cơ mắc một vài dạng ung thư...”.
Ông Liêm cũng chia sẻ thêm, bia không cồn là thứ đồ uống bổ dưỡng trong chế độ tiếp nước hàng ngày cho cơ thể. Cũng nhờ những tác dụng đó mà bia không cồn khá thích hợp với những người cần sự tỉnh táo trong giờ làm việc, điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, ông Liêm cũng cho rằng những đặc tính trên sẽ làm giảm dư vị khó chịu khi uống bia.
Xuất hiện dịch vụ hỗ trợ người say
Từ 1/1, lực lượng chức năng trên cả nước đã đồng loạt ra quân xử lý nghiêm hành vi điều khiển xe sau khi uống rượu bia. Nhiều người dân chỉ vì uống một chút rượu bia đã bị xử phạt hàng chục triệu đồng. Cùng với đó là các hình phạt đi kèm như tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện. Trước thực tế này, dịch vụ đưa người say về nhà bắt đầu phát triển ở nhiều khu vực với mức chi phí khác nhau.
Anh Giang Minh Đức (Hà Nội) - admin của trang Say tìm xế - Xế đỡ say cho biết sau khi lập, group đã nhận được sự tham gia của rất nhiều người. Theo anh Minh, khách sau khi nhậu có nhu cầu thuê người lái xe về nhà sẽ phải đưa thông tin, địa điểm và thời gian cụ thể.
Từ đó diễn đàn sẽ lựa chọn và chuyển thông tin cho tài xế. “Yêu cầu đối với tài xế là phải có ảnh, sơ yếu lý lịch, giấy tờ tùy thân và bằng lái. Tài xế nam sẽ phục vụ khách nam, tài xế nữ sẽ phục vụ khách nữ. Chúng tôi ưu tiên các tài xế có kinh nghiệm lâu năm và thành thạo dịch vụ” - anh Minh cho biết thêm.
Khá nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra về dịch vụ này. Anh Vân Phạm lo ngại: “Chẳng biết đắt hay rẻ. Lỡ gặp phải lái xe đang cần tiền hoặc thiếu nợ thì rắc rối”. Theo anh Vân Phạm, nếu say quá có thể gửi xe lại rồi bắt taxi về sẽ đỡ tốn kém hơn. Tuy nhiên, nhiều lái xe tỏ rõ sự lo ngại khi gặp phải khách say xỉn bởi có thể nôn ra xe, không trả tiền hay có nhiều hành vi khó kiểm soát khác.
Được biết, những ngày qua, đã có nhiều dịch vụ tương tự xuất hiện tại một số tỉnh, thành. Tuy nhiên, mức phí hiện nay vẫn là tự phát. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào thoả thuận giữa khách và tài xế tuỳ theo vị trí, khoảng cách quãng đường.
Cũng nghiên cứu loại hình dịch vụ trên, anh Thành Phương - một tài xế chạy Grab cho biết: “Nhóm chúng tôi đang nghiên cứu bố trí 2 người đưa một khách về để hỗ trợ khi đến nhà”. Theo anh Phương, việc có 2 người đưa khách về cũng để đảm bảo an toàn sau khi đi đường vào đêm khuya, hoặc xử lý tình huống khi khách bị kích động, không làm chủ được hành vi.
Anh Phương cũng bật mí thêm, nhóm đang nghiên cứu mua xe đạp loại gấp có thể cho vào cốp xe ô tô. Sau khi đưa khách về nhà sẽ có phương tiện để đi về. “Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nhu cầu thuê tài xế lái xe của khách sẽ tăng cao. Hiện là cao điểm của việc xử lý nồng độ cồn nên chúng tôi sẽ cố gắng tìm phương án phục vụ tối ưu nhất” - anh Phương nói.
Xử lý nghiêm, hiệu quả tốt
Tại Hà Nội, từ 1- 5/1, 84 trường hợp (tạm giữ 4 ô tô, 80 mô tô) đã bị xử lý. Trong đó, 18 trường hợp nồng độ cồn khung cao nhất đối với loại phương tiện, 2 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Đáng chú ý, có những trường hợp chỉ vì uống một ít rượu bia nhưng đã bị xử phạt tới gần 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe trong 23 tháng.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong ngày 1 - 2/1 vừa qua số người tử vong trên toàn quốc là 37 người, bình quân là 18 người/ngày, so với năm 2019 là 21 người/ngày. Theo quy luật của thế giới ngày đầu năm mới (ngày 1/1) là ngày có tỷ lệ tai nạn lớn nhất.
“Nghị định 100 của Chính phủ ban ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1 đã đạt được kết quả hơi ngược với quy luật của thế giới với việc Cảnh sát giao thông cả nước ra quân đã tạo nên dấu ấn về việc đảm bảo an toàn giao thông” - ông Hùng bày tỏ quan điểm.