Hơn 256 tỷ đồng nợ BHXH năm 2018
Tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, số nợ BHXH của các DN phá sản, giải thể hoặc bỏ trốn đã ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người lao động. Trước thực tế gây nhức nhối nhiều năm qua này, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội duyệt phương án xử lý…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định đây là việc cấp bách và cần triển khai sớm; đồng thời đề nghị BHXH Việt Nam phải sớm cập nhật tình hình số nợ BHXH, số lao động bị ảnh hưởng, DN phá sản, bỏ trốn hoặc giải thể. “Đây là căn cứ cần thiết để Bộ LĐ -TB&XH xây dựng các kiến nghị, giải pháp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tới đây”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, căn cứ Khoản 10 Điểm 7 Luật BHXH năm 2014, Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động. “Quy định này cho phép Bộ LĐ - TB&XH có thể tham mưu cho Chính phủ xây dựng Tờ trình về thực tế và những giải pháp xử lý tình trạng nợ trên”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, việc điều chỉnh những quy định chưa hợp lý trong Luật BHXH năm 2014 cũng từng diễn ra trong năm 2018. Cụ thể, Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam, do thay đổi cách tính lương hưu.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính hết năm 2018 cả nước còn trên 256 tỷ đồng nợ BHXH từ khoảng 1.000 DN là người nước ngoài phá sản, giải thể hoặc bỏ trốn. Điều này đã ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của hơn 14.000 người lao động.
Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, đằng sau những khoản nợ BHXH của các DN bỏ trốn, phá sản là nỗi khổ của người lao động và gia đình họ. Bà Nguyễn Thị Minh cho biết: “Chúng tôi đang lo lắng về tình trạng này. Nếu duy trì thêm vài năm tới, có lẽ trụ sở của BHXH Việt Nam sẽ không còn chỗ để tiếp đón những người không có lương hưu tới kêu cứu vì DN nợ BHXH bỏ trốn, phá sản. Khi tiếp nhận tình trạng này, chúng tôi vô vùng khổ tâm…”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho rằng nhiều trường hợp chủ sử dụng lao động đã lách luật và ký với người lao động hợp đồng kinh doanh dưới 3 tháng để tránh phải đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Năm 2018, BHXH Việt Nam mới thống kê được hơn 5.000 người lao động có hợp đồng lao động dưới 3 tháng được đóng BHXH.
Sửa cơ chế quản lý tài chính về BHYT, BHXH
Trước thực trạng nợ BHXH, BHYT trong những năm qua, Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 60/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 4 về nguồn tài chính. Theo quy định hiện hành, BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo, được Nhà nước cấp chi phí chi trả bằng 0,78% tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH.
Về mức chi cụ thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định; trong đó, mức chi cho tổ chức làm đại lý chi trả bằng 63% mức chi do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm, được Nhà nước cấp chi phí chi trả bằng 0,65% tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH. Trong đó, chi cho tổ chức làm đại lý chi trả bình quân bằng 70% tổng số chi phí chi trả, mức chi cụ thể cho tổ chức làm đại lý chi trả của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định.
Đồng thời, dự thảo cũng nêu rõ, chi phí thu BHXH tự nguyện, thu BHYT của người tham gia theo hộ gia đình, học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, người thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác, không bị thiếu hụt BHYT.
Mức chi tối đa bằng 7,5% số tiền đóng của người tham gia (không bao gồm số thu do ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân hỗ trợ), trong đó: Mức chi thù lao cho tổ chức làm đại lý thu BHXH tự nguyện bình quân bằng 14% số tiền đóng của người tham gia BHXH tự nguyện; mức chi thù lao cho cơ sở giáo dục bình quân bằng 2,5% số tiền đóng của học sinh, sinh viên; mức chi thù lao đại lý thu BHYT của các đối tượng còn lại tối đa bằng 7,0% số tiền đóng bảo hiểm y tế của người tham gia.
Dự thảo cũng nêu rõ, chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp từ quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp bằng 0,65% số tiền chi trả từ các quỹ thành phần: Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất và chi trợ cấp thất nghiệp. Mức chi cụ thể cho tổ chức làm đại lý chi trả của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định.