Xử lý nghiêm những người lôi kéo, kích động gây rối trật tự

GD&TĐ - Trong những ngày vừa qua, một số địa phương phía Nam người dân tập trung đông người gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội, liên quan đến sự việc này đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn Đắc Lắk đã có những trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn Đắc Lắk
đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn Đắc Lắk

* Việc một số người dân có những hành động tụ tập đông người, đập phá trụ sở, phá hoại tài sản công khiến dư luận bức xúc và có nhiều ý kiến khác nhau. Vậy đại biểu có bình luận gì về hành động này?

- Đại biểu Ngô Trung Thành: Tôi rất tiếc về sự việc vừa rồi. Đó là những hành động chưa được chuẩn mực, gây mất trật tự an toàn xã hội.

* Cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh đã có buổi họp báo công bố có một số người đứng đằng sau để lôi kéo, kích động người dân gây rối. Một số người đã bị bắt giữ. Theo đại biểu, sau sự việc này, các cơ quan chức năng cần có sự chuẩn bị như thế nào để các hiện tượng tương tư không tái diễn?

- Đại biểu Ngô Trung Thành: Như tôi đã nói, sự việc xảy ra vừa rồi rất là đáng tiếc và việc các cơ chức năng phản ứng rất phù hợp. Mong các cơ quan chức năng tiếp tục phát huy và chủ động hơn nữa để ứng phó với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Về nhận định có một số thành phần đứng sau gây rối, theo tôi các cơ quan chức năng cần xác định hành vi nào là hành vi mang tính kích động và những người nào có hành vi bị ảnh hưởng bị lôi kéo để có biện pháp xử lý phù hợp.

Riêng đối với những người có tính chất lôi kéo, kích động thì cần xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

* Trong số những người tham gia tụ tập, gây rối có cả thành phần là thanh niên, thậm chí là vị thành niên. Vậy đại biểu có suy nghĩ gì về việc này?

- Đại biểu Ngô Trung Thành: Thực sự là có sự tham gia của các bạn thanh niên, vị thành niên. Tôi cho rằng, đây là điểm các cơ quan chức năng cần xem xét, để giáo dục, hướng dẫn các em hành xử đúng mực.

Trước những thông tin lan tràn trên mạng, trong đó có cả thông tin của các thế lực thù địch, cần hướng dẫn, định hướng thanh niên sàng lọc thông tin và ứng xử chuẩn mực trước những thông tin tiêu cực, tránh bị lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch.

Ngoài ra, việc tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật cho thanh niên đòi hỏi cả hệ thống chính trị chính trị cùng vào cuộc. Đặc biệt là nhà trường và gia đình cần giáo dục, định hướng cho các em

* Qua sự việc vừa qua, đại biểu có cho rằng, công tác làm luật và tuyên truyền có cần để thay đổi, để người dân có cách nhìn đầy đủ hơn?

- Đại biểu Ngô Trung Thành: Tôi nghĩ rằng, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ có thể cần xem xét, đánh giá lại quy trình, lấy ý kiến. Thực ra chúng ta đã có và làm tốt rồi nhưng có vẻ chưa hiệu quả.

Vậy làm sao để trong quá trình lấy ý kiến, xây dựng pháp luật ngay từ đầu, những người có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của văn bản pháp luật đó bày tỏ chính kiến của mình. Quan trọng nhất là để họ quan tâm ngay từ đầu, chứ đến lúc cuối họ mới quan tâm thì rất khó cho cơ quan làm luật. Tức là khâu kỹ thuật lấy ý kiến đối với người dân và những đối tượng trực tiếp thuộc phạm vi điều chỉnh của luật đó cần đổi mới.

Xin cảm ơn đại biểu!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ