Trước đó, ngày 22/5, Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại hội trường. Dự thảo Luật quy định về nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.
Theo dự thảo luật, nguyên tắc hoạt động quốc phòng là: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.
Kết quả biểu quyết thông qua dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) |
Củng cố, tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng. Kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại.