Xử lý hàng loạt công trình xây dựng trên đất rừng ở Phúc Yên

GD&TĐ -UBND TP Phúc Yên gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị xã, phường trong việc chậm trễ, thiếu quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ việc phát sinh mới.

Quả đồi bị bà Nguyễn Thị Vân Anh san ủi, xây dựng tại thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh.
Quả đồi bị bà Nguyễn Thị Vân Anh san ủi, xây dựng tại thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh.

Cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất rừng là động thái cương quyết của thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) trong việc xóa “điểm nóng” vi phạm pháp luật đất đai tại địa phương này.

Từng là “điểm nóng”

Ngọc Thanh (Phúc Yên) là xã bán sơn địa, có địa bàn hành chính rộng nhất tỉnh Vĩnh Phúc nên việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất rừng đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai của địa phương. Đồng thời, biến nơi đây trở thành “điểm nóng” của tình trạng vi phạm luật đất đai, gây bức xúc trong dư luận.

Để xử lý những tồn tại trên, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Phúc Yên cũng như UBND xã Ngọc Thanh đã tổ chức nhiều hội nghị và đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân tự ý chấp hành việc tháo dỡ các công trình xây dựng sai phạm trên đất rừng, đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số công trình quy mô nhỏ do người dân tự nguyện chấp hành việc tháo dỡ, còn lại chủ của nhiều công trình quy mô lớn vẫn cố tình chây ỳ, không chấp hành khiến UBND TP Phúc Yên phải đặt ra lộ trình cưỡng chế để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Thông tin về lộ trình trên, Chủ tịch UBND TP Phúc Yên ông Phan Tiến Dũng cho biết: Ngay sau khi Chỉ thị 32/2019 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh được ban hành, Thành ủy Phúc Yên đã ra Văn bản số 651/2019 nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị 32 trên địa bàn.

Tiếp đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 88/2020 về việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể được giao, trong đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn nghiêm túc rà soát danh sách các vi phạm còn tồn tại để đưa vào giải quyết và xử lý dứt điểm theo từng năm, đảm bảo chỉ tiêu đã đề ra.

“Trong 9 tháng năm 2022, toàn thành phố đã xử lý được 27 trường hợp. Các trường hợp xử lý phần lớn là do trong quá trình rà soát phát hiện trùng lặp vị trí vi phạm theo tên danh sách đề nghị đưa ra khỏi danh sách đã rà soát từ trước và trường hợp không còn công trình vi phạm. Đây đều là các trường hợp vi phạm lấn, chiếm và sử dụng sai mục đích.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng khác trên địa bàn đến nay vẫn chưa xử lý xong bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là có trường hợp còn cố tình thách thức pháp luật, tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương”, ông Phan Tiến Dũng cho biết thêm.

Cương quyết xử lý vi phạm

Theo thống kê của UBND thành phố Phúc Yên, tính đến ngày 31/8/2022, tổng số các trường hợp còn tồn tại, vi phạm về pháp luật đất đai trên địa bàn còn phải xử lý giải quyết dứt điểm là 797 trường hợp với diện tích gần 10,6 ha. Số trường hợp vi phạm đã giảm được 663 trường hợp so với trước đó theo Kế hoạch số 54/2020.

Tại xã Ngọc Thanh, một trong những điển hình xây dựng nhiều công trình vi phạm là ông Trần Ngọc Quang, địa chỉ thường trú tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội. Ông Quang được Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CY 818242 ngày 25/12/2020 tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh. Diện tích đất được giao là 3.096 m2 đất, trong đó có 400 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Tuy nhiên, ông Quang tự ý lấn, chiếm thêm khoảng 1,5 ha đất liền kề. Đồng thời, ông Quang tự ý thay đổi hiện trạng đất, xây dựng tường bao và nhiều công trình trái phép trên diện tích đất lấn chiếm.

Trao đổi về sự việc này, ông Hoàng Quý Cường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh, cho biết, khi phát hiện ông Quang xây dựng trên đất không được phép xây dựng, xã đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu ông Quang dừng thi công. Tuy nhiên, việc gặp trực tiếp để trao đổi với ông Quang rất khó vì ông thường xuyên vắng mặt tại địa phương.

Báo cáo của UBND xã Ngọc Thanh cho thấy, ông Trần Ngọc Quang đã xây 9 công trình trên đất không được phép xây dựng, bao gồm nhà bảo vệ rộng 9 m2 xây dựng trên đất hoang, nhà ở trên đất hoang với diện tích xây dựng 162,6 m2, bể chứa nước trên đất hoang với diện tích xây dựng 107,2 m2 và trên đất thủy lợi là 13,5 m2.

Ông Quang cũng đang xây dựng nhà trên đất lúa, diện tích xây dựng 90,2 m2 và trên đất hoang là 18 m2, dựng nhà tôn khung thép trên đất hoang với diện tích 101 m2 và trên đất thủy lợi là 79 m2, dựng nhà ở trên trên đất hoang, diện tích xây dựng 129 m2…

“Diện tích ông Quang lấn chiếm gồm đất nông nghiệp, đất hoang, đất lúa và đất thủy lợi. UBND xã Ngọc Thanh đã tiến hành lập biên bản vi phạm đối với ông Trần Ngọc Quang và đề nghị UBND TP Phúc Yên xem xét xử lý theo thẩm quyền.

Thành phố Phúc Yên đã tiến hành xác minh và chỉ đạo xã Ngọc Thanh xử lý vi phạm. Mặc dù, nhiều lần được yêu cầu tự tháo dỡ các công trình vi phạm, hoàn trả hiện trạng ban đầu, nhưng ông Quang vẫn không thực hiện”, ông Hoàng Quý Cường cho biết thêm.

Một trường hợp khác có vi phạm lớn về sử dụng đất tại xã Ngọc Thanh đó là bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và dịch vụ Gia Phúc, địa chỉ tại phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.

Bà Vân Anh đã tự ý cải tạo đất, xây dựng nhiều công trình trên đất lâm nghiệp tại thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh từ năm 2020. Các công trình vi phạm của bà Vân Anh đến nay vẫn tồn tại như thách thức chính quyền địa phương.

Để nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm, UBND TP Phúc Yên giao Phòng Tài nguyên và Môi trường với vai trò cơ quan chuyên môn phụ trách lĩnh vực, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện của các đơn vị xã, phường hằng tuần, hằng tháng, tổng hợp số liệu và báo cáo UBND thành phố trong các buổi giao ban đầu tuần.

Từ đó, UBND thành phố kịp thời quán triệt, nghiêm khắc nhắc nhở các đơn vị chậm triển khai thực hiện việc rà soát, lập hồ sơ xử lý.

UBND TP Phúc Yên gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị xã, phường trong việc chậm trễ, thiếu quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ việc phát sinh mới. UBND thành phố cũng đã thành lập Đoàn Thanh tra về việc thanh tra toàn diện công tác quản lý Nhà nước, trong đó có lĩnh vực quản lý đất đai đối với xã Ngọc Thanh và xã Cao Minh - 2 địa bàn để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm phát sinh mới.

Đặc biệt, sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ các vụ việc vi phạm và các quy định của pháp luật hiện hành, từ nay đến cuối năm 2022, TP Phúc Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nhằm xử lý triệt để các vi phạm, tồn tại và răn đe, ngăn chặn những vụ việc mới có thể phát sinh.

Cụ thể, thành phố chủ trương cưỡng chế thu hồi hoặc giải tỏa, trả lại nguyên trạng đất với những hộ cố tình vi phạm, khởi tố hình sự những trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.