Xu hướng tương lai của kỷ luật học đường

GD&TĐ - Các nhà giáo dục trên thế giới khuyến nghị về mô hình dự phòng dựa trên tăng cường mối quan hệ thay cho trừng phạt trong kỷ luật học đường.

Xu hướng tương lai của kỷ luật học đường

Nền tảng của mọi kỷ luật học đường

Theo PGS.TS.Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, từ thực tiễn các mô hình kỷ luật học đường trên thế giới, có thể thấy kỷ luật trường học là một tiến trình rất phức tạp. Tuy nhiên các nhà giáo dục trên khắp thế giới đang khuyến nghị về mô hình dự phòng dựa trên tăng cường mối quan hệ thay cho trừng phạt.

Họ giả định rằng, việc tăng cường mối quan hệ và dạy học sinh các "kỹ năng cần thiết để hòa nhập trong trường học và xã hội" nên là nền tảng của mọi kỷ luật học đường.

Thay vì trừng phạt, cần dạy học sinh cách giải quyết những vấn đề liên cá nhân và quản lý nội tâm một cách hiệu quả. Một mô hình kỷ luật phải được xây dựng trên sự quan tâm và tin tưởng, phẩm giá, hợp tác, truyền đạt cho tất cả học sinh rằng họ là những thành viên được tôn trọng và quý trọng trong cộng đồng trường học.

Một mô hình kỷ luật phải coi hành vi sai là những “khoảnh khắc” những “cơ hội” để dạy cho học sinh phát triển. Nó phải là một mô hình kỷ luật mang tính chất dự phòng; dự đoán các xung đột không thể tránh khỏi xảy ra hàng ngày trong trường học và triển khai các chiến lược nhằm làm giảm thay vì làm leo thang các xung đột này.

Cần chung tay toàn diện, hợp tác hiệu quả giữa gia đình và cộng đồng

Cũng theo PGS.TS.Trần Thành Nam, các mô hình kỷ luật học sinh hướng đến thừa nhận rằng không có một giải pháp đơn giản nào cho các vấn đề hành vi trong trường học, cần một sự chung tay toàn diện và các chiến lược hiệu quả trong hợp tác giữa gia đình, cộng đồng.

Sử dụng lý thuyết học tập xã hội để dạy các kỹ năng xã hội, thay đổi nhận thức hành vi thông qua các hệ thống hỗ trợ kỹ năng được tổ chức một cách chặt chẽ. Hướng đến mô hình kỷ luật phản ánh quan điểm về quyền con người, bao gồm quyền không bị phân biệt đối xử, quyền được giáo dục, quyền tỉ lệ trong hình phạt và quyền tự do ngôn luận.

Về bản chất, một mô hình kỷ luật học đường dựa trên mối quan hệ và mang tính dự phòng tạo ra một môi trường trong đó học sinh "cư xử đúng mực, không phải vì sợ hãi sự trừng phạt hay mong muốn được thưởng, mà vì cảm giác trách nhiệm cá nhân, tôn trọng và quan tâm đến tập thể".

ky-luat-tich-cuc-02.jpg

Một số mô hình tiêu biểu

Như vậy, mô hình kỷ luật học đường phải dựa trên các chương trình dự phòng được triển khai cấp toàn trường.

PGS.TS.Trần Thành Nam ví dụ, ở Hoa kỳ đã triển khai “Chương trình can thiệp và hỗ trợ hành vi tích cực toàn trường (hơn 7.500 trường triển khai tại 44 tiểu bang của Hoa Kỳ); triển khai các quy trình về trường học an toàn và các chương trình về biện pháp phục hồi (sau chấn thương, khủng hoảng, thảm họa); chương trình học tập xã hội, cảm xúc SEL; chương trình giáo dục nhân cách học sinh và chương trình quản lý lớp học hiệu quả cho giáo viên để rèn nền nếp hàng ngày.

Những học sinh được xác định có hành vi vi phạm chuẩn mực nội quy trường lớp thay vì chịu các hình thức kỷ luật khắc nghiệt sẽ được cân nhắc để yêu cầu bắt buộc tham gia một số chương trình giáo dục dưới sự giám sát của giáo viên và phụ huynh học sinh, như:

Chương trình cố vấn tại trường: Triển khai từ năm 2005 và đã thực hiện trên 870.000 học sinh. Trong đó, người lớn tham gia làm cố vấn cho học sinh tại trường. Học sinh vi phạm phải tham gia như một hình thức bắt buộc

Đình chỉ học tại trường: Hình thức này yêu cầu học sinh bị kỷ luật vẫn đến trường nhưng không tham gia vào lớp học thông thường mà sẽ được giám sát trong một khu vực hoặc phòng học riêng biệt bởi một giáo viên chuyên trách.

Nhiệm vụ của học sinh đó sẽ phải tham gia các hoạt động hỗ trợ, thực hiện các nhiệm vụ để giúp học sinh cải thiện hành vi. Ví dụ như phải tham gia các phiên tư vấn, học và ứng dụng các chiến lược giải quyết mâu thuẫn, giải quyết vấn đề. Gia đình phải tham gia giám sát và báo cáo kết quả cho nhà trường.

Hình thức này giữ học sinh trong môi trường giáo dục tích cực, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của việc gián đoạn khỏi môi trường học tập, tăng cường giám sát hành vi và không tạo cơ hội để học sinh kết nối với nhóm bạn xấu.

Những học sinh vi phạm nội quy trường lớp với hành vi dạng bạo lực thường được yêu cầu bắt buộc tham gia một Chương trình huấn luyện kỹ năng kiểm soát cơn giận. Nội dung của chương trình chủ yếu hướng dẫn tập trung nhận diện ra điểm sôi cảm xúc và những cách thức để làm sao nhãng, chuyển hóa cảm xúc, hành vi.

Chương trình chuyển tiếp trường học và bạn giúp bạn: Đây là một chương trình phòng ngừa giúp làm dịu đi những thách thức tiềm ẩn mà học sinh phải đối mặt khi chuyển tiếp sang một ngôi trường khác.

Ví dụ các vấn đề hành vi kém thích nghi sẽ là hệ quả của việc thiếu kỹ năng tìm đường trong một tòa nhà mới, lần đầu tiên làm quen với việc mở tủ đồ cá nhân, kết bạn mới, trải nghiệm bị bắt nạt hoặc quấy rối từ học sinh lớn hơn.

Quy trình này đảm bảo mỗi học sinh mới sẽ có một "người bạn" lớn tuổi hơn, người sẽ liên lạc trước khi bắt đầu năm học và cung cấp hỗ trợ liên tục. Những học sinh lớn này cũng sẽ hướng dẫn những kỹ năng để học sinh mới biết cách phản ứng với áp lực từ bạn bè; cách tổ chức thời gian và tài liệu cho bài học và bài tập về nhà; hiểu và giải quyết các kỳ vọng khác nhau của giáo viên ở các môn học khác nhau; hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản như học bài, ghi chép và làm bài kiểm tra.

Có thể nói, xu hướng kỷ luật học sinh trên thế giới trong những năm qua đã thay đổi từ tiếp cận từ trừng phạt (dựa trên sợ hãi, đau đớn, xấu hổ) sang chính sách giáo dục thay thế và kỷ luật tích cực. Từ kỷ luật tiêu cực và khắc nghiệt chuyển sang các biện pháp hòa giải, hỗ trợ và bao dung hơn.

Các cách tiếp cận này nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề hành vi, thúc đẩy các hành vi tích cực và tạo ra một môi trường học đường công bằng và bao dung cho tất cả học sinh.

Bằng cách học hỏi từ các thực tiễn tốt nhất trên toàn cầu và điều chỉnh chúng theo bối cảnh địa phương, các trường học có thể phát triển các chiến lược kỷ luật hiệu quả để hỗ trợ sự phát triển học thuật và xã hội-cảm xúc của học sinh.

PGS Trần Thành Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ