Cân nhắc yếu tố phù hợp
Sau nhiều ngày suy nghĩ, Nguyễn Sơn Tùng – học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hưng Yên) quyết định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Lý giải cho quyết định của mình, Tùng chia sẻ: "Em muốn tự quyết định nghề nghiệp và tương lai của mình. Hơn nữa, đây cũng là ngành nghề em yêu thích và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Quan trọng hơn, nếu trở thành sinh viên của Trường ĐH Giáo dục, em có thể học song bằng trong hệ thống các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội".
Mặc dù bố mẹ khuyên đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành sư phạm, nhưng Nguyễn Thu Trang - học sinh Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) quyết định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào Khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Hà Nội. Thu Trang cho biết: "Đây là ngành em yêu thích, phù hợp bản thân và điều kiện gia đình. Hơn nữa, sau khi ra trường, nếu thích đi dạy học, em vẫn đáp ứng được yêu cầu. Như vậy "một mũi tên, trúng nhiều đích"".
Từ thực tế của bản thân, Thu Trang nhận thấy: Dù những lời khuyên của bố mẹ, thầy cô giáo rất bổ ích, nhưng quyết định cuối cùng vẫn phải ở mình. Bởi đó là công việc, tương lai của bản thân sau này. "Thời gian qua, em thường xuyên vào website của các trường để tham khảo. Đúng là đọc – xem cũng phải có chọn lọc, bởi trường nào cũng có chính sách tuyển sinh hay, hấp dẫn. Em tâm đắc với lời khuyên của các thầy cô giáo: Khi chọn ngành học, trường học cần cân nhắc ít nhất 3 yếu tố: Ngành nghề mình yêu thích; thứ nữa là phù hợp với năng lực của bản thân; điều kiện của gia đình", Thu Trang chia sẻ.
Hiện, các trường đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Do đó, mỗi trường sẽ có phương thức tuyển sinh khác nhau. Cùng với đó, mức học phí sẽ không đồng nhất. TS Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện Tài chính khuyến nghị: Trong bối cảnh các trường đại học thực hiện quyền tự chủ, thí sinh cũng cần chủ động và "thông thái" trong lựa chọn ngành nghề và nơi học.
Trước khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng, thí sinh cần quan tâm đến một số yếu tố: Danh tiếng; Ngành thế mạnh của trường; Học phí có phù hợp với điều kiện của gia đình hay không. "Định đăng ký vào trường nào, các em nên tìm hiểu kỹ trên website của trường đó, đặc biệt là đề án tuyển sinh riêng của nhà trường", TS Nguyễn Đào Tùng khuyến cáo.
Có trách nhiệm với lựa chọn của mình
Theo TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), khi các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh, thí sinh cũng cần thích nghi với cơ chế này và cũng nên "tự chủ" trong việc lựa chọn ngành nghề cho mình. Theo đó, thay vì bận tâm đến việc chọn nhiều ngành trong cùng một trường, hay chọn nhiều trường ở cùng một ngành, các em cần xác định: Ngành nghề mà mình thực sự yêu thích. Trên cơ sở đó mới chọn thứ tự ưu tiên các trường có cùng ngành đào tạo. Tất nhiên, cũng cần quan tâm đến điều kiện kinh tế của gia đình để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Khi bố mẹ trao cho các em quyền tự chủ trong quyết định chọn ngành học, trường học, cần biết tích hợp đam mê với năng lực và xu hướng nghề nghiệp của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo đại học làm truyền thông rất mạnh, tạo sự hấp dẫn về hình thức. Vì vậy, các em không nên dựa vào "bề nổi", mà cần nghiên cứu và có căn cứ cụ thể.
Ông Đào Trọng Độ - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) khuyến nghị: Thí sinh không nhất thiết phải vào đại học. Các em thể học nghề, quan trọng là lựa chọn được ngành nghề mà mình yêu thích và phù hợp với năng lực sở trường, để sau này có thể phát huy. "Chỉ có các em mới biết được sở trường của mình là gì để có quyết định đúng đắn. Quyền quyết định ở các em, vì thế cần cân nhắc thật kỹ để lựa chọn ngành nghề và trường học" - ông Đào Trọng Độ chia sẻ.
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, khi chọn ngành học, trường học thí sinh cần xét đến các yếu tố: Sở trường, năng lực và đam mê... Lựa chọn ngành nghề cần có lý trí, không nên chọn theo cảm tính và lựa chọn theo trào lưu. Nếu chọn nghề mà không có đam mê sau này khó bứt phá trong công việc hoặc khởi nghiệp.