Xu hướng đa ngành

GD&TĐ - Hội đồng trường một số trường ĐH phía Nam đã thông qua đề án phát triển ĐH đa ngành.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, Đề án tái cấu trúc Trường ĐH Kinh tế TPHCM  giai đoạn 2020 -2025 hướng đến phát triển trường này thành một ĐH đa ngành với ba trường thành viên: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước và Trường Công nghệ và Thiết kế.

Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ cũng ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển trường này thành ĐH Cần Thơ và xây dựng đề án thành lập 4 trường trực thuộc gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở khoa kinh tế; Trường Bách khoa trên cơ sở khoa công nghệ; Trường Nông nghiệp trên cơ sở khoa nông nghiệp và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông trên cơ sở khoa công nghệ thông tin và truyền thông. Trước đó, Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng từng có đề án phát triển thành ĐH với nhiều trường thành viên gửi Bộ Y tế.

Hướng đến xây dựng ĐH đa ngành cũng nằm trong chiến lược phát triển của nhiều trường ĐH ở khu vực phía Bắc như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông, Trường ĐH Thương mại…

Thực tế cho thấy, xu hướng phát triển ĐH đa ngành là hướng đi cần thiết, xuất phát từ thực tiễn đời sống kinh tế xã hội công nghệ hiện đại. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc phát triển ĐH đa ngành sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp trong các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng.

Với sự phức tạp của những thách thức xã hội, chính trị, môi trường, kinh tế và công nghệ mà thế giới đang phải đối mặt, nghiên cứu liên ngành - các nghiên cứu liên quan đến các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực học thuật - trở thành nhu cầu bắt buộc. Nhiều trường ĐH tên tuổi trên thế giới như Harvard đã phát huy hiệu quả lợi thế của ĐH đa ngành trong nghiên cứu và kết nối doanh nghiệp.

Nói về định hướng ĐH đa ngành, GS.TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng, đây là dự án mang tính chiến lược. Theo ông trường đơn ngành không còn phù hợp, không đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai. Trường đa ngành sẽ phát huy ưu thế về đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội trong bối cảnh hầu hết dự án nghiên cứu lớn hiện nay đều mang tính đa ngành. Bên cạnh đó, ĐH đa ngành tạo điều kiện cho nhà trường tham gia những bảng xếp hạng, hoạt động hợp tác quốc tế với các đại học khác trên thế giới.

Đặc biệt, ĐH đa ngành với môi trường học tập đa lĩnh vực, sinh viên sẽ có cơ hội được rèn luyện kỹ năng, tài năng và năng lực, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới nhiều hơn nữa. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết: Xu hướng ĐH đa lĩnh vực sẽ giúp cho chất lượng đào tạo nâng lên, sinh viên được học các thầy bộ môn giỏi nhất. Các trường trong ĐH đa lĩnh vực, không chỉ đào tạo đơn môn mà còn có những chương trình liên môn rất “hot”, dễ kiếm việc làm.

Hiện, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH cho phép các trường ĐH đủ điều kiện phát triển thành ĐH. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các trường đặt mục tiêu nâng cấp lên ĐH. Việc các trường ĐH xúc tiến đề án xây dựng các trường trực thuộc là bước đi khởi động. Nhiều nhà quản lý giáo dục kỳ vọng rằng nếu thành công, các ĐH đa ngành hứa hẹn sẽ  trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục ĐH Việt Nam.

Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận không phải trường nào cũng có thể vươn vai thành ĐH, bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực thực tế. Trong đó quan trọng nhất để “lên đời” ĐH là trường phải đủ lớn mạnh về nhân lực và vật lực. Vội vã “lên đời”, dục tốc sẽ bất đạt, kinh nghiệm của nhiều trường ĐH từng được nâng cấp từ cao đẳng rất cần được nghiên cứu khi xây dựng mô hình này. Sự thận trọng, kỹ lưỡng, có lộ trình trong việc chuẩn bị các điều kiện để  nâng cấp của các trường ĐH là cần  thiết. Song song đó, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa sức mạnh của ĐH với mô hình quản trị mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ