Xử cựu Bí thư Bình Dương: Người bán thịt đứng tên pháp nhân giúp thâu tóm đất vàng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hôm nay (17/8) HĐXX Tòa án Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 3, xét xử vụ án hô biến 43 ha “đất vàng” tại Bình Dương vào tay tư nhân. Vụ án đã làm sự nghiệp chính trị của ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư Bình Dương chấm dứt.

Quang cảnh phiên xét xử
Quang cảnh phiên xét xử

Mánh khóe của thương vụ lớn

Để thực hiện dự án tại khu đất 43 ha, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2) bàn bạc với con rể là Nguyễn Đại Dương tìm đối tác đầu tư. Năm 2010, Dương cùng một số người thành lập Công ty Âu Lạc.

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ hai, Công ty Âu Lạc có vốn điều lệ 153 tỉ đồng, trong đó ông Dương Đình Tâm góp 68,85 tỉ đồng (chiếm 45%), từng là tổng giám đốc - người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, theo cơ quan tố tụng, ông Tâm chỉ là người đứng tên góp vốn thay Dương.

Khu đất 43 ha tại Bình Dương được chuyển hóa vào tay tư nhân

Khu đất 43 ha tại Bình Dương được chuyển hóa vào tay tư nhân

Được triệu tập tới tòa với tư cách nhân chứng, ông Tâm cho biết năm 2010, ông được Dương nhờ ký một số giấy tờ nhưng “không đọc, Dương đưa thì ký”.

Đến năm 2015, ông Tâm trả lại các giấy tờ trên cho Dương. Dương viết một tờ giấy xác nhận thể hiện ông Tâm chỉ là người đứng tên 45% cổ phần tại công ty giúp cho Dương. “Thực tế, tôi không có tiền để mà góp vốn vào công ty. Lúc đó chỉ là người bán thịt heo” - ông Tâm nói.

Tại tòa, bị cáo Dương lại khai rằng việc thành lập Công ty Âu Lạc là do các cổ đông của công ty thực hiện và ông chỉ “biết sơ sơ”, chứ không tham gia. Năm 2010, khi ông Minh kể rằng Tổng công ty 3/2 đang gặp rất nhiều khó khăn, bị cáo mới kết nối để cha vợ với một số người bạn thành lập liên doanh.

“Bị cáo hoàn toàn không tham gia quá trình liên doanh thành lập công ty sân sau như cáo buộc. Chỉ khi VKS ra cáo trạng, bị cáo mới biết Công ty Âu Lạc đã chuyển tiền cho Tổng công ty 3/2” - Dương giải thích.

Bị cáo Dương nói rằng có biết Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Âu Lạc nhưng không tham gia phi vụ này.

Bị cáo Dương thừa nhận có viết bản cam kết thể hiện nhờ ông Tâm đứng tên giúp 45% vốn điều lệ tại Công ty Âu Lạc nhưng cho rằng mình cũng chỉ được người khác nhờ đứng tên khi cam kết.

Trong khi đó, theo VKS, việc thành lập Công ty Âu Lạc cũng như toàn bộ hoạt động của công ty tại liên doanh Công ty Tân Phú đều do Dương chỉ đạo. Quá trình hợp tác, Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng trái phép khu đất 43 ha và 30% vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, dẫn tới thất thoát số tiền hơn 984 tỉ đồng.

Nghịch cảnh cha con cùng vướng lao lý

Để thực hiện dự án tại khu đất 145 ha, bị cáo Minh tiếp tục tìm kiếm đối tác thành lập liên doanh Công ty Tân Thành. Một trong những đơn vị được cựu chủ tịch Tổng công ty 3/2 đưa vào liên doanh là Công ty TNHH Phát Triển.

VKS xác định Công ty TNHH Phát Triển do Nguyễn Thục Anh (con gái bị cáo Minh) nắm giữ 51% vốn điều lệ, đồng thời là chủ tịch Hội đồng thành viên.

Quá trình thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty 3/2, bị cáo Minh chỉ đạo cấp dưới loại trừ khu đất 145 ha ra khỏi giá trị doanh nghiệp, rồi sử dụng để góp vốn vào Công ty Tân Thành, gây thiệt hại hơn 4.000 tỉ đồng.

Nguyễn Đại Dương được dẫn đến phiên xét xử

Nguyễn Đại Dương được dẫn đến phiên xét xử

Tiếp đó, để có tiền thanh toán dư nợ tại Tổng công ty 3/2, ông Minh cùng con gái và các đồng phạm tìm cách nâng giá trị Công ty Tân Phú lên nhiều lần, sau đó mua lại 19% vốn điều lệ nhằm chiếm đoạt hơn 815 tỉ đồng tiền chênh lệch.

Trả lời trước HĐXX, Nguyễn Thục Anh khai chỉ đứng tên ở Công ty TNHH Phát Triển thay cha mình, việc mua bán cổ phần do ông Minh quyết định. “Bị cáo có hưởng lợi gì sau các giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần không?” - chủ tọa truy vấn. Nữ bị cáo khẳng định “không được hưởng lợi một đồng nào”.

Vẫn theo Thục Anh, thời điểm đứng tên công ty thay cha, bị cáo mới chỉ 19 tuổi nên không hiểu được hết các vấn đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.