Xóa rào cản tâm lý ‘chân lấm tay bùn’ khi học nông nghiệp

GD&TĐ - Nhiều người nghĩ, học về nông nghiệp là ‘chân lấm tay bùn’. Suy nghĩ này trở thành rào cản để thí sinh đến với ngành học đang ‘khát’ nhân lực này.

 Sinh viên Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam học tập cùng chuyên gia dinh dưỡng cây trồng từ Israel.
Sinh viên Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam học tập cùng chuyên gia dinh dưỡng cây trồng từ Israel.

Cả đời bố mẹ làm nông nghiệp, quanh năm với ruộng lúa, vườn rau và chăn lợn, nuôi gà nên Nguyễn Ngọc Ánh – Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai, Hà Nội) muốn thoát ly để “ly nông” vì không muốn “chân lấm tay bùn” như bố mẹ.

Tuy nhiên, sau khi được giới thiệu về nông nghiệp công nghệ cao, Ngọc Ánh mới biết mình có suy nghĩ chưa đúng về nông nghiệp. “Xuất thân từ nhà nông nên em nhận thấy sự “đồng điệu” của mình trong lĩnh vực này. Vì thế, em sẽ thay đổi ý định và dự kiến sẽ tham gia xét tuyển vào Khoa nông học của Học Nông nghiệp Việt Nam” – Ngọc Ánh bộc bạch.

TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh.

TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh.

Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp công nghệ cao là quá trình ứng dụng công nghệ mới (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, vật liệu mới, tự động hóa, Internet vạn vật) vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng nông sản. Từ đó, nâng cao khả năng phục hồi và giảm thiểu khí thải ra môi trường, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhiều học sinh tìm hiểu về các ngành, chương trình đào tạo của Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Nhiều học sinh tìm hiểu về các ngành, chương trình đào tạo của Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành nông nghiệp công nghệ cao được tuyển sinh từ năm 2018. Đến nay, đã có 6 khóa đào tạo. Hiện nay, đang có khoảng 170 sinh viên đang theo học.

Mục tiêu của chương trình đào tạo là, cử nhân nông nghiệp có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, sức khỏe tốt, trình độ và kỹ năng chuyên môn vững vàng đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan.

Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), cần trang bị kiến thức để phụ huynh, học sinh hiểu và nhìn nhận đúng hơn về ngành nông - lâm - ngư nghiệp.

Hiện, chúng ta đã áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, nông nghiệp không bị phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, môi trường cũng như các yếu tố ảnh hưởng khác. Từ đó, chúng ta chủ động hơn trong sản xuất.

“Cũng cần nhấn mạnh rằng, năm 2022, Kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực nông nghiệp đạt mức 53 tỷ đô. Một con số ấn tượng so với các lĩnh vực khác” – đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan viện dẫn.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, các địa phương, trường THPT cần đẩy mạnh truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp với phụ huynh, học sinh. Qua đó, lan tỏa giá trị của ngành nông nghiệp, để các em lựa chọn theo học lĩnh vực truyền thống này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ